Mạc Kim Tôn bị đề nghị mức án 6-7 năm tù
(Dân trí) - Chiều 23/3, đại diện VKSND tỉnh Thái Bình đã đề nghị mức án trên cho bị cáo Mạc Kim Tôn về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Kẻ chủ mưu Trần Thị Ánh bị đề nghị 13-14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị hại đều lo “phần trăm” cho bị cáo
Để thắng “thầu” cung cấp máy tính, máy chiếu… cho “dự án” của Mạc Kim Tôn - Trần Thị Ánh, các công ty dĩ nhiên đều phải chi “phần trăm” cho những người đứng đầu dự án. Công ty Kiên Cường - bị hại lớn nhất trong vụ án khai phải chi cho Trần Thị Ánh 20 triệu đồng để nhận được hợp đồng.
Công ty này yêu cầu Sở GD-ĐT Thái Bình phải bồi hoàn số tiền hơn 260 máy tính khoảng 1 tỷ đồng. Kiên Cường cho rằng vì tin tưởng ông Tôn là giám đốc Sở nên mới “bán chịu”.
Đại diện cho công ty, Phó giám đốc Nguyễn Văn Cường cũng khẳng định chỉ mua bán với ông Tôn, không biết Trần Thị Ánh là ai. Bám vào tình tiết này, luật sư “độp” ngay: “Sao không biết mà công ty vẫn chi cho Ánh 20 triệu đồng?”. Người đại diện của công ty im lặng.
Về phía các đơn vị, trường học được nhận máy tính theo “dự án ma” này, các lời khai thống nhất về nội dung họ đều hiểu máy do dự án cấp nên không phải trả tiền, nhưng phải lo tiền "phần trăm" cho người duyệt dự án cho mình. Có đơn vị đã phải "phong bì" cho thầy trò Tôn - Ánh hơn 20 triệu.
Tại tòa, trả lời về nguồn gốc số tiền này, đại diện của các trường và đơn vị liên quan đều giải thích không rõ ràng. Hầu hết đều trả lời "chúng tôi tự ứng ra". Tuy nhiên, khi tòa hỏi nguồn tiền tự ứng ra này do ai góp hay lấy từ khoản nào thì đại diện các trường lại cũng chỉ biết… im lặng.
“Thầy - trò” cùng lĩnh tội
Trong khi bị cáo Ánh “leo lẻo” chối tội và huênh hoang khoe cách đây 3 năm đã từng “cho” một số đơn vị khác máy tính như UBND huyện, Huyện đội Kiến Xương… thì HĐXX đã trích cả loạt bút lục về rất nhiều “thành tích” trong nghề lừa dự án của bị cáo. Tại nhà Ánh, CQĐT tìm thấy rất nhiều tài liệu về một số dự án ở các tỉnh khác.
Còn “ông nghị” Mạc Kim Tôn cũng cố chứng minh mình là “nạn nhân” trong vụ án nhưng khoảng 3/2006, khi mọi chuyện đã bung bét vì công ty Kiên Cường ráo riết đòi nợ, ông Tôn vẫn tiếp tục có bút phê yêu cầu cấp dưới làm giấy xác nhận để “BQL dự án làm thủ tục thanh toán với tổ chức viện trợ”.
Trong phần luận tội, VKS Thái Bình khẳng định: Mặc dù tính đến thời điểm bị bắt, trên địa bản tỉnh không có một dự án nào của Chính phủ cũng như các tổ chức phi Chính phủ nhưng Trần Thị Ánh đã lừa đảo là có dự án. Còn bị cáo Mạc Kim Tôn thì tin vào khả năng của Ánh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả các doanh nghiệp và trường học.
Đại diện VKS đánh giá, bị cáo Tôn rất thành khẩn khai báo. Ngược lại, Trần Thị Ánh luôn quanh co, chối tội, đổ lỗi cho người khác. Trong vụ án, Ánh là kẻ chủ mưu, “vẽ” ra dự án để lừa đảo, còn bị cáo Mạc Kim Tôn không những không báo cáo với các cấp lãnh đạo, lại trở thành mắt xích quan trọng khiến “dự án ma” được thực hiện trót lọt.
Phương Sơn