Ma túy tại Việt Nam: 4 tăng
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, đến cuối năm 2007, toàn quốc có 178.305 người nghiện ma tuý có hồ sơ kiểm soát. Tính trung bình, mỗi năm ở Việt Nam tăng trên dưới 1 vạn người nghiện mới.
Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết, từ năm 2001 đến năm 2007 đã phát hiện, bắt giữ trên 76.000 vụ, với gần 120.000 đối tượng phạm tội về ma tuý; triệt xoá hơn 4.200 điểm, tụ điểm phức tạp buôn bán lẻ tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Dự báo của Bộ Công an trong thời gian tới, vì lợi nhuận, tội phạm về ma túy ở nước ngoài sẽ tìm mọi cách đưa trái phép ma túy vào nước ta; tệ nạn ma túy sẽ có 4 tăng: 1. Số người nghiện ma tuý có nguy cơ tiếp tục tăng, đặc biệt phát triển trong thanh, thiếu niên, người không có công ăn việc làm và lây lan nhanh về vùng nông thôn đô thị hóa. 2. Số người nghiện ma tuý tổng hợp và người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV/AIDS ngày càng nhiều. 3. Người chết do nghiện ma tuý sẽ tăng; các trung tâm cai nghiện hiện nay không đủ sức chứa cai nghiện tập trung. 4. Số người phạm tội và số đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tệ nạn ma túy ở các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều... |
So với giai đoạn 1995 - 2000, số vụ án ma túy tăng trên 33% và 19% số đối tượng; lượng heroin thu giữ tăng gần 70%, ATS tăng trên 94%, thuốc tân được gây nghiện tăng hơn 10%...
Bước đầu đã kiểm soát được các loại thuốc tân dược gây nghiện, tiền chất; công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân không tái trồng cây có chất ma túy tiếp tục được đẩy mạnh nên không để tái diễn phức tạp.
Nguồn ma túy bất hợp pháp chủ yếu hiện nay là từ nước ngoài vào, mặc dù Chính phủ đã cho lập thêm lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển và cơ quan Hải quan để nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn ma túy ngay từ biên giới, cửa khẩu.
Nhưng, hoạt động của các lực lượng này đang còn nhiều khó khăn, hạn chế (mới phát hiện, bắt giữ được dưới 10% số vụ trong khi lực lượng Công an bắt giữ trong nội địa chiếm trên 90% số vụ).
Luật Phòng, chống ma tuý được thông qua ngày 9/12/2000 và có hiệu lực thi hành từ 1/6/2001 thể hiện sự kiên quyết và triệt để của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh với tệ nạn ma tuý nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục tình trạng nghiện, tội phạm về ma tuý đi đến loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
Tuy nhiên, tệ nạn ma túy ở nước ta còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn để giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại trong phòng, chống ma túy còn hạn chế. Qua thực tế, áp dụng Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 đã bộc lộ những bất cập.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 chưa quy định cụ thể, rõ ràng các biện pháp cai nghiện; các hình thức cai nghiện và thời gian của từng hình thức cai nghiện, thiếu các quy định về các điều kiện đảm bảo kinh phí, vật chất cho công tác phòng, chống ma tuý cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân, gia đình tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy nhất là trong chữa trị, cai nghiện ma túy; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm... để phòng, chống tái nghiện.
Do đó, một số quy định của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Cũng chính vì những lý do trên, ngày 3/6/2008, Quốc hội đã thông qua Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Phòng chống ma túy. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009.
Dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 bổ sung 7 điều mới; sửa đổi, bổ sung 11 điều và bãi bỏ 1 điều cụ thể như sau: 1. Bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy của một số bộ, ngành; nhiệm vụ cơ quan chuyên trách phòng, chống ma tuý của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý. 2. Quy định cụ thể hơn các biện pháp, hình thức, thời gian cai nghiện cho người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp phòng, chống tái nghiện. 3. Quy định nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong phòng, chống tệ nạn ma tuý, đặc biệt đề cao trách nhiệm của Chính quyền cơ sở. 4. Quy định cụ thể về các điều kiện đảm bảo của Nhà nước, chính quyền các cấp và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; trong đó quy định về nguyên tắc các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy cho phù hợp với yêu cầu hiện nay. |
Lê Châu