1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mã QR - "mắt thần" truy vết F0 trong cộng đồng

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Những ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tại quận Hà Đông (Hà Nội)… đã nhanh chóng được khoanh vùng, xử lý nhờ quá trình truy vết dữ liệu từ việc quét mã QR.

Truy vết hiệu quả một phần nhờ người dân quét mã QR

Hà Nội đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cho phép hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cửa hàng, trung tâm thương mại… hoạt động trở lại.

Đi kèm với một số quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch khi nới lỏng các hoạt động, dịch vụ, thành phố yêu cầu toàn bộ các chủ cơ sở phải tạo mã QR và kiểm soát người ra, vào bằng việc khai báo y tế, quét mã QR nhằm truy vấn dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có F0 trong cộng đồng.

Mã QR - mắt thần truy vết F0 trong cộng đồng - 1

Việc khai báo y tế và kiểm soát người vào ra địa điểm bằng quét mã QR giúp dễ dàng truy vấn dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có F0 ghi nhận trong cộng đồng (Ảnh minh họa).

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, tổng số địa điểm quét mã QR đến hết ngày 15/10 là hơn 608.000, tăng 3.755 điểm so với ngày 14/10 và tăng hơn 311.800 địa điểm so với ngày 21/9. Số địa điểm quét QR tạo mới trong ngày 15/10 là 3.755.

Riêng số địa điểm có lượt quét mã QR trong ngày 15/10 là 66.894, giảm 2.611 điểm so với ngày 14/10. Đặc biệt, trong ngày 15/10, tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) không phát sinh lượt quét nào.

Nhờ áp dụng nền tảng phần mềm quét mã QR (với giao diện là ứng dụng PC-Covid) đã truy vết được 379 trường hợp liên quan đến các ca F0 tại ổ dịch gần đây nhất ở Hà Nội, từng di chuyển tới Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông và chợ Đình (phường La Khê, quận Hà Đông).

Theo ghi nhận của PV Dân trí ở Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (phường Dương Nội, quận Hà Nội), toàn bộ các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại đây đã thực hiện tạo mã QR và kiểm soát người ra, vào bằng việc quét mã. Bên cạnh đó, tại lối ra cũng được bố trí một hàng dài các điểm quét mã QR để người dân dễ dàng khai báo y tế điện tử trước khi bước chân vào trong trung tâm.

Anh Phan Cư (27 tuổi) - quản lý một gian hàng bán đồ ăn ở tầng 1 - cho biết, để được hoạt động trở lại, phía cửa hàng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí, quy định về phòng, chống dịch do UBND TP Hà Nội ban hành, trong đó có việc tạo điểm quét mã QR và yêu cầu hành khách quét mã trước khi sử dụng dịch vụ.

"Hôm nay đến lượt tôi đứng đây nhắc nhở hành khách quét mã QR, kiểm soát số lượng người được ăn, uống tại chỗ để đảm bảo không quá 50% chỗ ngồi. Hành khách sẽ tiến hành quét mã và sát khử khuẩn xong mới được vào trong gọi đồ, sử dụng dịch vụ. Khi được nhắc nhở, tôi không thấy mọi người tỏ thái độ khó chịu mà sẵn sàng hợp tác" - anh Cư cho hay.

Mã QR - mắt thần truy vết F0 trong cộng đồng - 2

Người dân thực hiện quét mã QR khi sử dụng dịch vụ ăn uống tại một gian hàng trong Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (Ảnh: Nguyễn Trường).

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội, trong một vài tuần trở lại đây, số ca mắc mới tại thành phố đã giảm rất sâu, mỗi ngày chỉ ghi nhận một vài ca đã được cách ly trước đó. Một vài ổ dịch nhỏ như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phường La Khê, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông)… đã lập tức được khoanh vùng, xử lý nhanh chóng. Thành quả này có được một phần nhờ vào quá trình truy vết dữ liệu từ việc người dân quét mã QR.

Phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của người dân

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội - cho biết, phường đã thành lập 3 tổ cơ động để kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, trong đó bao gồm cả việc tạo và quét mã QR tại các cơ sở kinh doanh, cửa hàng tiện ích… trên địa bàn.

Qua thống kê, phường Dương Nội có 530 điểm được các hộ kinh doanh tự tạo điểm quét QR, 183 điểm được lực lượng đoàn thanh niên phường hỗ trợ tạo giúp người dân. Theo bà Thu, cũng có thời điểm lực lượng chức năng ghi nhận việc người dân ra vào tại các cơ sở kinh doanh không quét mã QR theo quy định.

doan thanh nien ho tro tao ma QR o Ha Noi.jpg

Hình ảnh đoàn thanh niên hỗ trợ các cơ sơ kinh doanh tạo điểm quét mã QR trên địa bàn quận Hà Đông (Ảnh: Cẩm Na).

"Hầu như các trường hợp không quét mã QR xảy ra đối với người trung niên, người không dùng điện thoại thông minh hoặc một số ít người chưa có thói quen này. Địa phương vẫn đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hình thành thói quen quét mã QR. Điều này phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của người dân" - bà Thu cho hay.

Trao đổi với báo chí về thực trạng nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ngại nhắc khách quét mã QR hoặc nhiều khách hàng "quên" quét mã khi đến các cơ sở, ông Hoàng Đình Tuấn - thành viên Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia - cho biết, trong thời gian tới, phía trung tâm sẽ phối hợp cùng với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan của TP Hà Nội để tiến hành hậu kiểm những nơi yếu kém. Từ đó, các đơn vị sẽ đưa ra những biện pháp điều chỉnh phù hợp.

"Thông qua hệ thống hiện có, trung tâm có thể ngay lập tức biết được địa điểm nào làm tốt, địa điểm làm chưa làm tốt việc thực hiện kiểm soát vào ra bằng mã QR" - ông Tuấn khẳng định.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khuyến cáo, dù tỷ lệ bao phủ vaccine đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân nên mỗi người dân khi vào, ra các cơ quan, tổ chức, địa điểm công cộng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ... và thực hiện quét mã QR là đã góp phần cùng chính quyền thành phố phòng, chống dịch hiệu quả.