1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ly kỳ chuyện săn “quái vật” ở vùng biển Quy Nhơn

Được tin về việc ngư dân ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) liên tiếp bắt được cá mập, phóng viên lập tức lên đường để “mục sở thị” những người ăn sóng nói gió, chinh phục loài cá được mệnh danh là “sát thủ,” “quái vật” của biển khơi.

Theo dấu sát thủ

Bãi biển Quy Nhơn một chiều mùa hạ. Mới 3 giờ, nắng còn bỏng rát trên cát trắng, ngư dân đã bắt đầu một chuyến câu đêm.

Vắt chiếc lưới trên vai, thoăn thoắt lội ra chiếc ghe chực sẵn, ngư dân Phan Văn Giàu, người vừa trở nên nổi tiếng bởi hạ được một “sát thủ” của biển khơi nặng đến gần 60kg, hể hả: “Nếu gặp cá mập, sẽ trúng lớn bởi giá bán khá cao.”

Đi biển từ nhỏ, nay đã ngoại ngũ tuần, người đàn ông ăn sóng nói gió với nước da sạm đen này trông rất rắn rỏi. Việc đi biển hằng đêm với ông là chuyện cơm bữa và luôn “đơn thương độc mã.”

Lên ghe, nổ máy, chẳng mấy chốc ông Giàu đã có mặt ở khu vực Hòn Ngang. Sau khi thả lưới, buông câu, ông ngồi ngắm biển và khi mệt sẽ “nằm khểnh” trên thuyền mà ngủ, sớm hôm sau thu lưới và về đất liền lúc 7 giờ để vợ kịp đi chợ sáng.

Trời tối dần, biển nhanh chóng chìm trong bóng đêm. Chỉ có sóng ầm ầm xô vào ghềnh và những chiếc đèn xa xa lóe sáng. Chiếc ghe nhỏ tựa chiếc lá bồng bềnh trên nhưng con sóng. Những lúc ấy, con người thấy mình quá nhỏ bé trước biển cả bao la.

Ông Giàu kể rằng, việc cá mập xuất hiện ở biển Quy Nhơn không phải chỉ vài năm trở lại đây. Trên thực tế, từ xa xưa, cá mập đã xuất hiện và ngư dân tổ chức vây bắt.

Ly kỳ chuyện săn “quái vật” ở vùng biển Quy Nhơn  - 1
Con cá mập nặng gần 40kg bị ngư dân câu được tại biển Quy Nhơn.  Ảnh: Bee

Theo kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm của ông Giàu, thông thường, cá mập mẹ khi đến kỳ sinh nở sẽ đến các ghềnh đá “làm nhà.” Cá mập con được sinh ra chưa vội về đại dương, mà sống nhờ các thực vật phù du, cá bé ở các ghềnh đá này. Sau khi trưởng thành, biết săn mồi, những con cá ấy sẽ trở về khơi xa. “Có nhiều chuyến thả lưới, ngư dân đã bắt được cả đàn cá mập tới 20 con to bằng bắp chân,” ông Giàu cho biết.

Ở vùng biển Quy Nhơn, cá mập con thường có mặt tại các khu như Hòn Đất, Hòn Ngang, Hòn Rờ… Khi đói, chúng phải lao đi tìm thức ăn nên mới dẫn đến việc cắn người. Đến khoảng tháng 9-10, cá mập sẽ di chuyển qua chỗ khác ở nên đó cũng là thời điểm ngư dân thường “kiếm” được cá mập con.

Tuy vậy, việc bắt cá mập – cho dù là cá mập còn nhỏ cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Theo ngư dân Nguyễn Văn Khánh, có ngư dân đã đăng ký săn cá mập với cơ quan chức năng để lĩnh thưởng, nhưng đến 3 năm nay vẫn không bắt được một con nào.

“Tui cho rằng, ngoài việc có kinh nghiệm  để xác định vị trí, thì người đi săn cá mập còn phải có cái duyên nữa mới được,” anh Khánh nói.

Vật lộn giữa trùng khơi

Kể về chuyện cá mập cắn người từng được đưa lên phương tiện truyền thông, anh Khánh cho hay, vài năm trước, ngư dân đi đánh cá về thường đậu thuyền ở ngoài xa. Khi ấy, cá mập thường theo mùi cá ở lưới, thuyền và luẩn quẩn ở quanh đấy. Vài năm trở lại đây, thuyền đánh cá được ngư dân đưa vào sát bờ, nên cá cũng đi theo kiếm ăn, và con người là một “miếng mồi ngon” của chúng.

Ngư dân Phan Văn Giàu thì không thể nào quên chuyện mình đã đấu trí với con cá mập nặng hơn… trọng lượng cơ thể mình. Hôm ấy (12/6), ông Giàu đặt lờ cách bờ chỉ độ vài trăm mét để bắt cá nhỏ. Bỗng nhiên chiếc lờ rung giật mạnh, biết là có cá lớn mắc bẫy, ông vội vàng kéo lên xem thì tá hỏa bởi trong đó là một con cá mập trắng.

Kinh nghiệm đi biển, giáp mặt với cá dữ nhiều năm cho ông Giàu hay, nếu không khéo, “sát thủ” biển cả  xổng ra và tính mạng ông sẽ bị đe dọa. Trong khi đó, chiếc lờ chỉ có những khung sắt là chắc, còn toàn bộ lưới thì không thể chịu được sức mạnh của cá lớn, chứ nói gì đến những con cá mập hung ác với hàm răng sắc nhọn.

Thế là, ông Giàu cố gắng tìm cách làm cho con cá mập chui sâu vào lờ để cá bị những họng sắt kìm kẹp. Tiếp sau, ông dùng những dây chắc, buộc cá  từ phía đuôi, rồi cột vào ghe, mang về đất liền.

Công việc ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng thực sự đòi hỏi kinh nghiệm của những lão ngư bậc thầy. Bởi nếu buộc cá từ đằng trước sẽ làm con cá mập tăng phần hung tợn dẫn đến nguy hiểm. Nhờ có nước, việc kéo con cá nặng vào bờ không xảy ra nhiều khó khăn. Sau đó, con cá mập nặng gần 60 kg đã được bán với giá 15 triệu đồng.

Ở trường hợp câu lại khác, khi giàn lưỡi câu sắc lẹm được thả xuống biển, ngư dân phải chú ý để lúc cá mắc bẫy sẽ nắm thế chủ động. Mồi câu cá mập là những loại cá có máu nhiều, đặc biệt là phải tanh để tạo nên “sự lôi cuốn” với “sát thủ.”

Bên cạnh đó, mỗi loài cá mập thường có một đặc tính riêng, bởi vậy muốn câu được, ngư dân phải có sự am tường về thói quen, cách di chuyển của chúng.

Cũng bởi câu mập là nghề nguy hiểm và cũng không phải dễ gặp cá, nên nhiều năm nay, đội câu cá mập của ngư dân Quy Nhơn đã giải tán, chuyển sang câu cá ngừ đại dương. Tuy vậy, thi thoảng họ vẫn tóm được những con cá mập mắc câu có trọng lượng đến vài tạ.

Đưa mắt nhìn ra biển, nơi ánh mặt trời lấp ló rạng Đông, ông Giàu nhanh tay kéo lưới để về nhà. Rồi ông bảo, việc giáp mặt với loài cá hung bạo này cũng như đùa với tử thần, chỉ sơ sẩy một chút, có thể sẽ mất mạng như chơi. Bởi thế, dù thu được lợi khá lớn nhưng nhiều ngư dân vẫn giã từ nghề này cũng là điều dễ hiểu.
 
Kỳ tới: Thâm nhập đường dây buôn bán “sát thủ” biển khơi

Theo Trung Hiền 
 TTXVN