1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ly kỳ chuyện hài nhi chết đi sống lại ở Nghệ An

Vào khuya một ngày cuối hè năm 1952, ông bà Cai Vượng, trú xã Nam Trung, huyện Nam Đàn (Nghệ An) bất ngờ được ông Dương Phú Ngọ người cùng xã mang đến cho một hài nhi bọc trong chiếc khăn bông lớn.

Kỳ 1: Đau đáu đi tìm cội nguồn
 
Ông Ngọ nói với gia chủ rằng, mình “nhặt” đứa trẻ trong nghĩa địa gần cánh đồng mía Cửa Đình, thôn Dương Liễu. Lúc này thân hình cậu bé tím tái do bị hàng trăm con kiến đốt, nhưng còn ấm và mấp máy thở rất yếu ớt.
 
Ly kỳ chuyện hài nhi chết đi sống lại ở Nghệ An
Ông Lê Trọng Hợi (người mặc áo len đen), một trong hai nhân chứng kể lại câu chuyện nhặt được “hài nhi” trong nghĩa địa trước đình Dương Liễu cách đây hơn 60 năm.
    May mắn thoát chết
    Vợ chồng ông Cai Vượng tên thật là Tưởng Đăng Vượng - Nguyễn Thị Huân. Ông Vượng vốn làm nghề cai lục bộ (cai quản đường sá cho người Pháp) nên bà con ở Nam Trung thường gọi ông bằng cái tên thân mật - Cai Vượng. Gia đình ông Vượng vốn giàu về vật chất thuộc hàng nhất xã, có của ăn, của để trong nhà nhưng ngặt nỗi sau khi lập gia đình với bà Huân nhiều năm mà người phụ nữ này vẫn không thể sinh nổi cho ông mụn con để nối dõi tông đường.

    Bà Huân lật mở tấm khăn bông lớn, thấy bên trong còn lót thêm nhiều lớp áo cũ cùng vải vụn và trong cùng là một hài nhi đặt giữa lớp vải đỏ. Đó là một bé trai, ông bà Cai Vượng rất vui mừng, đồng ý nhận nuôi dưỡng và đặt tên là Tưởng Đăng Minh. Vì khi nhặt được, thân hình trẻ nhợt nhạt, nhỏ thó, nước da xanh mét, lại bị kiến đốt khắp người, nên những ngày đầu, vợ chồng ông Cai Vương dồn hết thời gian cho con, tìm thầy bốc thuốc thang mong con chóng hồi phục sức khỏe.

    Nhưng khổ nỗi, Minh vẫn cứ ốm yếu triền miên, nhiều đêm bé khóc ngặt nghẽo khiến bà Huân lo sợ đứa con nuôi này rồi cũng rời bỏ cõi trần.

    Tuy vậy, không quản mọi khó khăn vất vả, hai vợ chồng dốc hết sức lực chăm sóc và cầu mong mỗi ngày con sẽ dần cứng cáp hơn. Điều mong đợi của ông bà Cai Vượng rồi cũng trở thành hiện thực. Qua đốt cam sài, Tưởng Đăng Minh lớn nhanh trông thấy. Ông Cai Vượng từng nói: “Chắc chắn đứa trẻ chết rồi, cha mẹ sinh thành mới cho người đưa đi chôn.

    Nhưng ông trời vẫn dành cho nó ơn huệ, được cứu vớt thì sau này hẳn con mình sẽ trở thành người có ích cho xã hội, có bỏ cối giã nó cũng không chết đâu”.

    Không phụ công nuôi dưỡng

    Ngay sau khi nhận được đứa trẻ ít ngày, ông Cai Vượng quyết định đưa vợ con rời Nam Trung di cư về quê ngoại ở xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương sống cùng anh em họ hàng. Đến năm 1955, một lần nữa, ông Vượng lại chuyển tới vùng đất mới thuộc huyện Con Cuông lập nghiệp.

    Tại đây, đứa con “trời cho” nhanh chóng lớn khôn theo năm tháng. Ngày Minh tròn 6 tuổi, bà Huân đưa đến nhập trường đã căn dặn con phải chăm chỉ học hành để sau này cha mẹ nương nhờ lúc tuổi già xế bóng. Tuy còn nhỏ nhưng Minh tỏ ra là đứa trẻ lanh lợi, có tố chất thông minh nên ghi lòng tạc dạ sự kỳ vọng của mẹ cha.

    Ở thời điểm những năm cuối thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước, đất nước đang chìm trong chiến tranh chống lại kẻ thù xâm lược nên việc học hành, nhất là ở nơi rừng sâu núi thẳm Con Cuông gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, cậu bé Tưởng Đăng Minh tu chí ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên đến cổng trường.

    Tốt nghiệp lớp 10, chàng trai mang họ Tưởng nối nghiệp cha, ghi tên mình vào đội ngũ công nhân khảo sát ngành đường bộ xứ Nghệ. Có việc làm ổn định nhưng Minh vẫn luôn đau đáu ước mơ mình sẽ được ghi tên vào trường Đại học Giao thông. Sau ba năm tích lũy kinh nghiệm, chàng trai trẻ tên Minh quyết định tiếp tục chặng đường đèn sách. Minh thi đỗ đúng vào ngôi trường mà anh hằng ao ước.

    Ông Minh nhớ lại: “Ngày nhận giấy gọi nhập trường, tôi vui mừng khôn xiết, bất chợt tôi nhớ tới cha, tôi muốn mang tấm giấy đến khoe với ông. Nhưng ở thời khắc đó cha tôi không còn sống trên cõi đời để chia sẻ niềm vui với đứa con duy nhất mà ông có được. Ông mất từ năm 1964 do thiếu sót của y, bác sĩ.

    Cha tôi bị viêm bàng quang nên phải mổ. Song khi trở về nhà, ông liên tục phải đối diện với những cơn đau quằn quại, gia đình đưa cha quay trở lại bệnh viện mổ lần thứ hai. Lúc này mọi người mới tá hỏa khi biết, trong lần mổ trước, các bác sĩ vô tình bỏ quên... chiếc kéo trong bụng cha dẫn tới nhiễm trùng khiến ông mất mạng”.

    Tốt nghiệp đại học, Tưởng Đăng Minh được nhận về công tác tại Tổng Cty xây dựng công trình giao thông 4, đến năm 1980, ông Minh chuyển về Sở GTVT tỉnh Nghệ An làm kỹ thuật tại Đoạn 4, chuyên xây dựng công trình giao thông cho tới khi về hưu. Con đường sự nghiệp của “hài nhi chết đi sống lại” vốn dĩ thuận lợi thì cuộc sống hôn nhân gặp nhiều trắc trở. Năm 1976, ông thành hôn với con gái của một gia đình tập kết quê Tháp Chàm, Ninh Thuận.

    Người vợ đầu tên Nguyễn Thị Thương sinh hạ cho ông Minh hai đứa con, song đứa đầu mất khi đang còn nhỏ; con gái thứ hai theo mẹ về Nam bỏ lại ông sống cảnh bơ vơ một mình nơi “chôn rau cắt rốn”.

    Đến năm 1983, ông Minh được cơ quan cử lên công tác lâu dài tại công trường 079 ở Mường Xén, Kỳ Sơn. Tại đây, ông gặp người phụ nữ thứ hai của đời mình, đó là cô giáo trẻ, xinh đẹp tên Lê Thị Khanh. Ông Minh nói rõ hết tiểu sử của mình cho cô giáo nghe. Thương cảm hoàn cảnh và khâm phục trước nghị lực của “số phận trời sinh”, người con gái trẻ đẹp đem lòng thầm yêu, trộm nhớ để rồi họ đi đến hôn nhân sau quá trình tìm hiểu 4 năm trời.

    Cô Thương sinh thêm cho ông Minh bốn người con gồm ba trai một gái. Sắp trẻ đều phương trưởng, cô con gái hiện làm kế toán công trình thủy điện Khe Bố, huyện Tương Dương, ba anh con trai đều có cuộc sống ổn định, hành nghề lái xe công trình.

    Sự trùng lặp của thầy bói

    Năm lên 10 tuổi, do hiếu động, thường nghịch ngợm nên nhiều lúc ông Minh làm cha mẹ phải buồn lòng. Vì lẽ đó, có lúc giận con, bà Huân mắng yêu “biết thế này, tao không nuôi mày nữa”. Cộng thêm, bà con lối xóm cũng xì xào: “Ông bà Cai Vượng không phải bố mẹ đẻ của mày đâu” khiến ông Minh phải trăn trở, không biết mình được sinh ra ở đâu và đến từ nơi nào, cha mẹ, anh em ruột rà máu mủ giờ còn hay mất!.

    “Tình cảm của hai người nuôi dưỡng dành cho mình lớn hơn trời bể, nhưng tôi vẫn đau đáu muốn tìm cội nguồn cho rõ ràng, để con cái sau này có nơi đi về thắp hương khói dâng lên tổ tiên. Tôi suy nghĩ nhiều lắm, lúc nghỉ hưu tôi bắt đầu hành trình tìm người thân nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu”- ông Minh nói.

    Trong sự bế tắc, bà Khanh động viên chồng “hay mình thử đi xem bói”! Vậy rồi, ông Minh khăn gói cùng vợ lên đường tìm gặp “cô Đào”, trạc ngoài 60 tuổi, trú xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Tại đây, “thầy” phán: “Anh không phải người họ Tưởng mà là họ Nguyễn Trọng”.

    “Tôi hỏi, họ đó cư trú ở đâu? Liệu cha mẹ chồng có còn sống không?. “Cô Đào” ngập ngừng không “dò được sóng”, do đó mất phương hướng nên hai vợ chồng lại lếch thếch quay trở về. Tôi để ý thấy chồng mình thật tội nghiệp, lại nghĩ tới đám trẻ khiến lòng se sắt suốt nhiều đêm ròng tôi không sao chợp mắt. Đang nghĩ miên man thì có người mách, ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn có “cô Thảo” uy tín lắm. Vậy rồi tôi lại bàn với anh Minh tiếp tục hành trình đi tìm cha mẹ cho chồng, tìm ông bà cho các con, cháu”- bà Khanh nghẹn ngào nói.

    Vợ chồng ông Minh tới gặp “cô Thảo”, “cô” này có tài bói bằng lá cây của thân chủ hái từ vườn nhà mang đi. Ông Minh ngược về Tương Dương lấy lá đưa xuống để “cô” xem. “Tôi không nói tên tuổi, cũng không tiết lộ quê quán nhưng “cô” này vẫn phán “anh thuộc họ Nguyễn Trọng”. Tôi hỏi tên bố, mẹ, “cô” ngần ngừ một lát rồi trả lời: “Bác về xóm 4, chi nhánh ba, họ Nguyễn Trọng Thứ ở Nam Trung mà tìm”.

    Như chết đuối vớ được cọc, tôi cùng vợ quay sang xã Nam Trung trong tâm trạng hồi hộp ghê gớm. Hỏi thăm đến nhà thờ họ Nguyễn Trọng và gặp người con dâu họ này tên Đặng Thị Thúy trình bày nguyện vọng muốn xem gia phả, chị Thúy nói gia phả do anh chồng Nguyễn Trọng Huấn, sinh sống tại TP.Vinh cất giữ nên vợ chồng tôi lại phóng xe thẳng xuống Vinh tra cứu”- ông Minh nhớ lại.
     
    Theo Anh Tuấn
    Lao Động

    Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm