1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lý giải lại thông tin "đưa máy bay từ Tân Sơn Nhất về đậu ở Cần Thơ"

(Dân trí) - Ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không - cho biết, đơn vị đề nghị các hãng hàng không nghiên cứu khai thác đường bay xuất phát từ Cần Thơ. Nếu phát triển được thị trường đồng bằng sông Cửu Long thì mới xây thêm chỗ đỗ cho sân bay Cần Thơ. Còn hiện tại sân bay Cần Thơ chỉ có 5 vị trí đỗ tàu bay thì làm sao ép các hãng về đậu qua đêm?

Liên quan đến thông tin Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không đưa tàu bay về Cần Thơ đậu qua đêm để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất gây sự chú ý dư luận, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Võ Huy Cường – Cục phó Cục Hàng không Việt Nam.


Khai thác sân bay Cần Thơ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và cả giao thông đường bộ

Khai thác sân bay Cần Thơ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và cả giao thông đường bộ

Ông Cường khẳng định: “Không có chuyện Cục đề nghị các hãng hàng không đưa tàu bay về sân bay Cần Thơ đỗ qua đêm. Cục nêu rất rõ trong công văn gửi đi là đề nghị các hãng nghiên cứu các chuyến bay xuất phát từ Cần Thơ, khi kế hoạch khả thi thì mới triển khai”.

Theo ông Cường, sân bay Cần Thơ chỉ có 5 chỗ đỗ và là sân bay dự phòng nội địa cũng như quốc tế. Nếu có đỗ đêm thì chỉ được 3 chiếc, không có tác dụng về mặt lâu dài. Phải có kế hoạch mở các chuyến bay từ Cần Thơ đi và sau đó xây dựng kế hoạch đầu tư thêm sân đỗ và giảm tải cho Tân Sơn Nhất.

Ông Cường dẫn chứng, như sân bay Cát Bi trước chỉ có 2 chỗ đỗ sau đó có kế hoạch tăng lên vì có rất nhiều đường bay. Còn sân bay Phú Quốc hiện có 8 chỗ đỗ, kế hoạch sau này cũng tăng vì có nhiều chuyến bay. Vì vậy, khả năng các hãng hàng không chuyển vào Phú Quốc để đỗ là rất dễ dàng, không cần yêu cầu nghiên cứu. Hay như sân bay Cam Ranh có nhu cầu rất lớn nên Vietnam Airlines xin làm "căn cứ" ở đây rồi.

Ông Cường cũng lý giải vấn đề tại sao lại gợi ý nghiên cứu sân bay Cần Thơ mà không phải là sân bay Chu Lai dù nơi đây có đất đai phát triển chỗ đỗ rất lớn.

“Vì sân bay này chỉ phục vụ cho tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngoài ra, gần sân bay này còn có sân bay Đà Nẵng, Phù Cát cho nên khả năng khai thác thị trường khó khăn hơn. Mà nếu có thì phát triển trong tương lai thì tập trung vào công nghiệp hàng không, bảo trì, bảo dưỡng. Và khi đó các hãng có thể chọn đỗ qua đêm”, ông Cường phân tích.

Cũng theo ông Cường, sân bay Cần Thơ phục vụ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Khai thác sân bay Cần Thơ sẽ thay đổi thói quen của người dân lên Tân Sơn Nhất đi máy bay. Việc này cũng góp phần giảm tải giao thông đường bộ, nhất là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

“Bây giờ các hãng nghiên cứu phối hợp với các địa phương, bộ ngành để khai thác tuyến Cần Thơ, đặc biệt là từ Cần Thơ đi miền Trung. Lúc đó phát triển thị trường rồi thì mới đầu tư bãi đỗ. Chứ bây giờ sân bay Cần Thơ chỉ có 5 chỗ đỗ thì làm sao mà ép các hãng được. Ngoài khai thác thương mại còn phải dự phòng. Sau này phát triển thì sẽ mở cơ sở bảo dưỡng, năng lực xăng dầu…”, ông Cường nhấn mạnh.

Nói về sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, ông Cường cho biết mùa hè năm nay sân bay liên tục được khai thác với tần suất 40-42 chuyến/giờ, từ 6 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Để giảm áp lực giao thông quá lớn giờ cao điểm, đơn vị chức năng đã buộc giảm xuống 38 chuyến trong khoảng thời gian từ 16-19h.


Trước sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc giao thông

Trước sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc giao thông

Về tần suất bay dịp Tết, ông Cường cho biết khung giờ từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng chỉ giới hạn 28 chuyến/giờ vì có nhiều lý do. Trong đó, việc giảm mật độ bay để có điều kiện tu bổ, bảo dưỡng, kiểm tra đường lăn sân đỗ…

Ông Cường cho biết thêm, hiện sân bay Tân Sơn Nhất có 50 vị trí đỗ tàu bay, trong đó cấp cho các hãng là 44. Ngoài ra, đơn vị khai thác sân bay cũng mượn thêm 11 chỗ đỗ của quân sự. Tuy nhiên, khi kéo qua khu vực quận sự thì phải mất từ 1-2 tiếng vì giao cắt khu vực đường lăn, đường cất hạ cánh, cho nên nguồn lực rất hạn chế. Nhiều thời điểm lượng tàu bay đỗ nhiều hơn khả năng điều phối.

Ông Cường cho biết, trong thời gian tới sẽ sớm đầu tư thêm các vị trí đỗ tàu bay ở khu vực 21ha nhận bàn giao từ Bộ Quốc phòng.

Về vấn đề khai thác sân bay Cần Thơ, TS Nguyễn Thiện Tống cho biết đó là điều nên làm để giảm tải cho Tân Sơn Nhất và quan trọng nữa là khai thác năng lực của các sân bay trong khu vực.

TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng phải thống kê tỷ lệ hành khách từ miền Tây lên sân bay Tân Sơn Nhất và khách xuống Tân Sơn Nhất và đi đường bộ về lại Cần Thơ và các tỉnh miền Tây để tính toán việc mở đường bay.

“Các hãng hàng không phải quy hoạch lại các chuyến bay và phải chấp nhận thời điểm đông khách cũng như ít khách và phải điều hòa việc đó chứ không thể nói lỗ nên không làm. Cục hàng không phải tác động để các hãng hàng không phát triển chuyện đó, nhất là các hãng mới, máy bay giá rẻ chứ đừng dồn vào Tân Sơn Nhất”, ông Tống nhấn mạnh.

TS Tống cho rằng nên khai thác đường bay Cần Thơ đi miền Trung như Cần Thơ - Đà Nẵng, Huế, Nha Trang… và ngược lại. Ông đánh giá các loại máy bay như ATR72, máy bay 70 chỗ ngồi, máy bay cỡ nhỏ sẽ phù hợp và có thể khai thác nhiều chuyến trong ngày hơn.

“Trước đây, nước ngoài có vào chào hàng nhưng nhiều hãng hàng không ở Việt Nam không phát triển, đó là máy bay 19 chỗ ngồi không cần tiếp viên. Bên Mỹ tôi cũng đi như loại máy bay nhỏ. Phát triển máy bay nhỏ thuận lợi cho phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung”, ông Tống nhìn nhận và cho rằng việc phát triển hàng không khu vực miền Tây sẽ góp phần lớn vào giảm tải đường bộ.

Quốc Anh