1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lý do Sở TN&MT TPHCM đề xuất sửa mục tiêu giảm khai thác nước ngầm

Q.Huy

(Dân trí) - Sở TN&MT TPHCM cho rằng, việc giảm khai thác nước ngầm, trám lấp giếng tại các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn và khó có thể giảm tiếp. Cơ quan này đề xuất thay đổi mục tiêu so với kế hoạch trước đây.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM, vừa ký tờ trình gửi UBND thành phố về việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch giảm khai thác nước ngầm trên địa bàn đến năm 2025. Nói về sự cần thiết của tờ trình, Sở TN&MT cho biết, từ năm 2018 đến nay, các quy định về cấp phép, đăng ký khai thác nước dưới đất, hạn chế khai thác nước dưới đất đã được Quốc hội, Chính phủ, UBND TPHCM ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung.

Thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm khai thác nước ngầm năm 2018, TPHCM có tổng lượng khai thác nước ngầm là hơn 716.000m3/ngày. Theo kế hoạch, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng lượng nước dưới đất khai thác mỗi ngày chỉ còn 100.000m3.

Lý do Sở TNMT TPHCM đề xuất sửa mục tiêu giảm khai thác nước ngầm - 1

Người dân tại một số nơi trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn sử dụng nước máy và nước ngầm (Ảnh: Q.Huy).

Sau 5 năm thực hiện, thành phố đã giảm được lượng khai thác nước dưới đất xuống chỉ còn hơn 252.000m3/ngày (đạt 75,3% so với mục tiêu). Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất của hộ gia đình giảm từ gần 356.000m3/ngày xuống còn gần 130.000m3/ngày.

Sở TN&MT TPHCM đề xuất thay đổi mục tiêu của kế hoạch đến cuối năm 2025, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn là 255.000m3/ngày (thay cho 100.000m3/ngày). Trong đó, lượng khai thác nước ngầm của các hộ gia đình là 130.000m3/ngày (thay cho 28.000m3/ngày).

Sở TN&MT TPHCM cho rằng, việc giảm khai thác nước dưới đất, trám lấp giếng tại các hộ gia đình đang gặp nhiều khó khăn và khó có thể giảm tiếp. Hiện tại, pháp luật không cấm khai thác nước dưới đất đối với hộ dân và các đơn vị có quy mô không vượt quá 10m3/ngày; trường hợp có nhu cầu sử dụng chỉ cần kê khai, đăng ký với quận, huyện.

Ngoài ra, người dân muốn tiết kiệm chi phí sử dụng nên tiếp tục dùng giếng khoan hoặc dùng đồng thời 2 nguồn nước. Sở TN&MT TPHCM cho biết, người dân tại một số địa bàn vẫn dùng nước dưới đất do thói quen sinh hoạt, nhu cầu tưới tiêu, chăm sóc vật nuôi, gia súc, gia cầm.

Một lý do khác là hộ dân thuộc quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, vẫn sử dụng 2 nguồn nước do một số khu vực cấp nước hạn chế, chưa có mạng lưới đủ đáp ứng hoặc áp lực nước chưa ổn định, chưa có đường ống cung cấp nước mặt.

Về công tác quản lý, phương pháp giảm khai thác nước dưới đất đối với hộ dân tại TPHCM chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động, chưa có chế tài. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng nước máy còn chưa phổ biến và tùy thuộc công ty cấp nước từng khu vực.

Sở TN&MT cũng làm rõ, đề xuất hạ chỉ tiêu giảm khai thác nước ngầm cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của các đơn vị trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp. Mặt khác, theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước của TPHCM đến năm 2025 sẽ là 2,9 triệu m3/ngày, nếu lưu lượng khai thác toàn địa bàn chỉ 100.000m3 sẽ chiếm tỷ lệ khá thấp so với các nước trên thế giới, an ninh nguồn nước sẽ khó đảm bảo nếu nguồn nước mặt gặp sự cố.

Nếu thay đổi chỉ tiêu thành 255.000m3/ngày, tổng lượng nước dưới đất được khai thác tại TPHCM sẽ chiếm 8,8% tổng nhu cầu sử dụng của toàn thành phố. Khối lượng này cũng chiếm 12,9% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác an toàn.