1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lý do không làm đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cà Mau

Ngọc Tân

(Dân trí) - Dù cũng nằm trên trục Bắc - Nam, đoạn đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn hay TPHCM - Cần Thơ được thiết kế với tốc độ thấp hơn hẳn đoạn Hà Nội - TPHCM.

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam được thiết kế dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong khi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ dài từ Hà Nội đến TPHCM. Vì sao có sự khác biệt này?

Trong quá trình lập báo cáo tiền khả thi, đây là một trong những nội dung mà Tư vấn lập dự án đường sắt tốc độ cao phải giải trình, làm rõ.

Lý do không làm đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cà Mau - 1

Dự kiến hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Đồ họa: Khương Hiền).

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt đã hoạch định phát triển các tuyến đường sắt trên hành lang Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, chiều dài khoảng 1.871km.

Tuy nhiên, thay vì đầu tư đường sắt tốc độ cao toàn tuyến, Bộ GTVT chia trục Bắc - Nam ra thành 3 dự án: Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hà Nội - TPHCM và TPHCM - Cần Thơ. Riêng đoạn Cần Thơ - Cà Mau có nhu cầu vận tải thấp, đường bộ đủ đáp ứng nên chưa nghiên cứu đường sắt.

Trong đó, chỉ có đoạn Hà Nội - TPHCM dài 1.541km được thiết kế với tốc độ cao 350km/h. Đoạn Đồng Đăng - Hà Nội (156km) và TPHCM - Cần Thơ (174km) sẽ được thiết kế ở dải tốc độ 160-200km/h để vận chuyển hàng hóa và hành khách. Cả 3 dự án đều là đường đôi, đoàn tàu chạy điện.

Đoạn Lạng Sơn - Hà Nội đang được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, dự kiến đầu tư sau năm 2030. Đoạn TPHCM - Cần Thơ đang được hoàn thiện báo cáo tiền khả thi, dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2024-2025 và triển khai đầu tư trước 2030.

Theo lý giải của Tư vấn lập dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các đoạn tuyến đường sắt từ Lạng Sơn đến Cần Thơ có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật và loại hình đường sắt cũng khác nhau và được nghiên cứu đầu tư theo các dự án độc lập.

Khác biệt cơ bản giữa các đoạn là công năng sử dụng. Đoạn Hà Nội - TPHCM được xác định ưu tiên chở khách và chỉ chở hàng khi cần thiết. Trong khi đó, 2 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn và TPHCM - Cần Thơ sẽ khai thác song song cả tàu khách và tàu hàng, nếu thiết kế tốc độ 350km/h sẽ gặp trở ngại về kỹ thuật. 

Sau khi đưa ra các luận cứ, Tư vấn lập dự án đề xuất phạm vi đường sắt tốc độ cao sẽ giới hạn từ Hà Nội đến TPHCM.

Việc kéo dài đường sắt tốc độ cao đến Lạng Sơn hay Cần Thơ có thể không nằm trong ưu tiên của Bộ GTVT, nhưng sẽ là mong mỏi tất yếu của người dân và doanh nghiệp tại các địa phương này.

Trước đó, năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn từng kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch tuyến Hà Nội - Đồng Đăng là đường sắt tốc độ cao nhằm phát huy lợi thế của vận tải đường sắt giữa các nước ASEAN với Trung Quốc (nước bạn đã xây đường sắt tốc độ cao đến Nam Ninh), đồng thời giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Gần đây, một doanh nghiệp tư nhân cũng đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Từng có ý kiến cho rằng các đoạn đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng hay TPHCM - Cần Thơ có cự li ngắn nên không phù hợp đầu tư đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, cách lý giải này chưa hẳn thuyết phục. Tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên tại Đông Nam Á của Indonesia (Jakarta - Bandung) chỉ dài 138km nhưng được thiết tốc độ 350km/h.