Lượng tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác quấy nhiễu người dùng vô cùng lớn
(Dân trí) - Các cuộc gọi, tin nhắn, email... làm phiền của nhà mạng ảnh hưởng rất lớn tới thời gian của người tiêu dùng do phần lớn lộ lọt thông tin, số điện thoại khi thực hiện mua sắm, tiêu dùng.
Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp), đưa ra tại buổi đối thoại giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm hoàn thiện pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sáng 12/6.

Bà Nguyễn Thị Thu Hòe phát biểu tại hội thảo sáng 12/6 (Ảnh: Phùng Minh).
Theo bà Hòe, khoản 1 Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc ủy quyền, thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác phát hiện trên thị trường, quấy nhiễu người dùng vô cùng lớn.
Bên cạnh tin nhắn rác, bà Hòe cho rằng người tiêu dùng cũng đối mặt với vấn đề các cuộc gọi, thư rác chào mời mua bất động sản, sử dụng dịch vụ của ngân hàng, các trung tâm ngoại ngữ…
Bà Hòe đánh giá, các cuộc gọi, tin nhắn, email làm phiền của nhà mạng ảnh hưởng rất lớn tới thời gian của người tiêu dùng, phần lớn do lộ lọt thông tin, số điện thoại khi thực hiện mua sắm, tiêu dùng.
Về hướng xử lý, Bộ Tư pháp đề xuất có cơ chế, chính sách đảm bảo thông tin của người tiêu dùng, đặc biệt là các ứng dụng sử dụng môi trường mạng.

Số lượng tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác phát hiện trên thị trường, quấy nhiễu người dùng vô cùng lớn, theo bà Nguyễn Thị Thu Hòe (Ảnh: Công an nhân dân).
Ngoài ra, từ báo cáo rà soát của 11 bộ, cơ quan ngang bộ, 46 địa phương và 2 doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã chỉ ra hàng loạt bất cập, điểm nghẽn cần xử lý tại các luật như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Nghĩa vụ quân sự…
Bà Hòe dẫn chứng Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 chưa cho phép giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực nghĩa vụ quân sự trực tuyến trên môi trường điện tử.
Khoản 3 Điều 16 của luật quy định “công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu phải trực tiếp đăng ký tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự”. Các quy định hướng dẫn luật tại Nghị định số 13/2016 của Chính phủ cũng nêu rõ "công dân phải trực tiếp đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã" để thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực nghĩa vụ quân sự.
Các quy định đó rõ ràng không thuận lợi trong việc thực hiện chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính. Việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quân sự vẫn phải thực hiện trực tiếp, bản giấy là chưa tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ được sửa đổi theo hướng cho phép giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực nghĩa vụ quân sự trực tuyến trên môi trường điện tử (Ảnh: Mạnh Quân).
Do đó, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng cho phép giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực nghĩa vụ quân sự trực tuyến trên môi trường điện tử.
Về việc này, bà Hòe nói đã được đưa vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (sửa đổi) đang được thông qua các cấp theo quy định.
Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực có vướng mắc, bất cập tiếp nhận kết quả rà soát để đề xuất phương án xử lý nhằm tạo đột phá cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đối với vướng mắc, bất cập tại các dự án luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị các bộ đề xuất xử lý ngay trong quá trình hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến hoặc xem xét thông qua.
Đối với các dự án luật chưa có trong chương trình, thì xem xét, bổ sung vào chương trình để xử lý.
Trường hợp cần thiết xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật để xử lý vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần được khẩn trương nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ ngay “nút thắt” cho nền kinh tế, gắn với xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, theo Bộ Tư pháp.