1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lương không nên chạy theo giá

Với mức lương tối thiểu tăng thêm 60.000đ/tháng từ 1/10, nhiều người thu nhập thấp vẫn kêu là không đủ bù kịp mức tăng giá hiện nay. Ngược lại, với những doanh nghiệp làm ăn khó khăn, việc xoay cho được khoản tiền để tăng lương này không dễ.

TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

 

Theo lộ trình, lẽ ra từ 1/10 tới, mức lương tối thiểu chỉ được điều chỉnh từ 290.000đ/tháng lên 310.000đ/tháng, nhưng vì sao lần này Chính phủ lại "mạnh tay" tăng lên tới 350.000đ/tháng?

 

Theo tôi nguyên nhân là do giá dầu thế giới. Với giá dầu thô đang ở mức 60 - 70 USD/thùng, một mặt bằng giá mới của thế giới về các nguyên liệu đầu vào (ximăng, sắt thép, nhựa...) đã hình thành và đương nhiên thị trường trong nước của ta không thể đứng ngoài cuộc. Bởi vậy, việc Chính phủ ấn định mức lương tối thiểu 350.000 đ/tháng là nỗ lực rất lớn, đáp ứng phần nào yêu cầu tối thiểu của cuộc sống.

 

Với mức lương này, với các cơ quan hưởng lương ngân sách đã có Nhà nước lo, nhưng với các DNNN, các cơ quan sự nghiệp có thu, liệu có khó khăn về nguồn chi?

 

Thực ra thì không phải đến bây giờ mà từ vài ba năm trước, nhiều DNNN làm ăn có hiệu quả đã mạnh dạn phá khung lương tối thiểu. Đây vừa là nỗ lực đáng ghi nhận nhưng cũng chính là động lực giữ người lao động ở các DN này. Còn các DN khác chưa phá khung thì đây là sức ép để họ phải tìm nguồn chi.

 

Nhưng thực tế không phải DN nào cũng phá khung được như vậy?

 

Đúng thế, với những DN đông công nhân hoặc làm ăn kém thì việc tìm cho ra nguồn tiền này để chi trả không đơn giản. Nhưng như đã nói, việc tăng lương cũng chính là sức ép để lãnh đạo các DN phải năng động hơn, làm ăn hiệu quả hơn, và đặc biệt là phải tiết kiệm chi phí.

 

Tôi thấy nhiều DN của ta còn rất lãng phí năng lượng, nguyên liệu, đi lại... Lấy ví dụ, một xe tải của ta một tháng chỉ chạy có 18 ngày, mỗi ngày chạy có 7 giờ và thường chỉ chạy một chiều, trong khi ở Nhật Bản, một xe tải chạy 26 ngày/tháng, mỗi ngày chạy 20 giờ và chủ yếu chạy hai chiều. Nếu các DN VN làm được một phần của người Nhật, tôi tin việc tăng thêm lương tối thiểu như hiện nay không có vấn đề gì.

 

Nhưng nhiều giám đốc DN phàn nàn: Cơ quan quản lý luôn kêu gọi họ tiết kiệm, nào là xăng dầu, điện nước, chi phí... và họ đã tiết kiệm đến mức cao nhất, giờ không còn chỗ lùi nữa?

 

 

Lương không nên chạy theo giá - 1
 

TS Lê Đăng Doanh

Để trả lời, tôi xin dẫn ra câu chuyện: Công ty thép Bảo Sơn bên Trung Quốc, một đội trưởng trước dùng 20kg sơn để dánh dấu thép nhưng khi ông quản đốc mới lên chỉ cho dùng 8kg, anh đội trưởng kêu khó không làm nổi. Ông quản đốc bảo nếu không làm được thì cả anh và tôi sẽ mất việc. Vậy là sau đó chỉ với 8kg sơn, công việc vẫn hoàn thành. Qua đây, tôi muốn nói rằng, dù khó đến mấy, cũng không phải không có cách. DN đừng có nói là hết đường lùi mà đã tìm đường tiến lên chưa?

 

Theo ông, đã đến lúc cần một chính sách lương tiệm cận với quy luật thị trường chưa vì nhiều người vẫn cho chính sách lương của ta hiện vẫn nặng về bao cấp.

 

Trước hết phải tinh giản bộ máy hưởng lương, chỉ những công chức nhà nước thực sự với một bộ máy hiệu quả mới hưởng lương, còn các DNNN, thậm chí các đơn vị sự nghiệp có thu hãy để họ chủ động, nếu họ tiết kiệm được, nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm họ sẽ có mức lương thoả đáng.

 

Với những diễn biến phức tạp về giá hiện nay, đã đến lúc nghĩ đến một tư duy mới: Lương không nên chạy theo giá?

 

Đừng lấy giá làm tiêu đích để tăng lương vì với những diễn biến rất khó lường của giá cả hiện nay thì việc quản lý giá là rất khó. Vấn đề cốt lõi vẫn là nâng cao hiệu suất lao động, giảm giá thành, giảm chi phí, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu... Chỉ có như vậy mới chống chọi lại được với các cơn sốt giá hiện nay và nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

 

Xin cảm ơn Tiến sỹ!

 

Theo Đình Chúc
Lao Động