1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lúng túng việc xử lý “cô Chín” chữa bệnh

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải bài viết “Chữa bách bệnh bằng… hoa hồng và rượu trắng?”, UBND phường Long Biên đã làm việc với “cô Chín” nhưng đến nay, việc “chữa bệnh” vẫn tiếp diễn trong khi phường vẫn chưa đưa ra được một biện pháp đủ mạnh.

“Cô Chín” bị “ma nhập” giữa cuộc họp?

 

Nhận thấy việc bà Loan (“cô Chín”) khám chữa bệnh thiếu căn cứ khoa học, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Sinh Xuân - Phó Chủ tịch phụ trách Văn hoá - Xã hội phường Long Biên (Hà Nội) - và được biết: Ngày 27/3, UBND phường đã cử một tổ liên ngành gồm cán bộ phụ trách y tế và văn hoá, tư pháp và Công an phường Long Biên đến tận nhà bà Loan, vào “điện cô Chín” để kiểm tra và xác minh sự việc. Tổ kiểm tra đã lập biên bản, nhắc nhở gia đình.

 

Ngày 29/3, UBND phường đã cho mời vợ chồng bà Loan lên trụ sở UBND phường để làm việc. Tuy nhiên bà Loan khăng khăng: “Bây giờ các anh hỏi thì tôi không biết gì cả, cứ nghĩ đến việc này là tôi lại thấy run bần bật, có gì cứ hỏi chồng tôi”.

 

Sau khi nghe gia đình bà Loan trình bày, cán bộ phường Long Biên kết luận: Mặc dù không tổ chức và người bệnh tự tìm đến nhưng việc làm của gia đình bà Loan có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, vi phạm chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, việc tổ chức chữa bệnh của bà Loan được xác định là trái phép.

 

Khi nghe kết luận này, bà Loan đột ngột có triệu chứng bất thường. “Bỗng nhiên chị Loan có triệu chứng không bình thường, khóc nấc vào luôn miệng kêu: “Tôi có làm gì đâu mà cứ tra với khảo, đấy là cô Chín chữa bệnh chứ có phải người trần đâu”, ông Xuân kể lại.

 

Phản ứng bất ngờ đó của bà Loan khiến đại diện phường Long Biên bối rối. Vì sợ “mất an toàn”, chính quyền buộc phải cho bà Loan về nhà và yêu cầu chồng bà quay trở lại trụ sở UBND phường tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, ông này sau khi đưa vợ về thì cũng “mất hút” luôn.

 

Không có mặt của đương sự liên quan, cuộc họp đi đến 3 kết luận: 1. Yêu cầu gia đình đưa bà Loan đi khám, chữa bệnh thần kinh. 2. Bà Loan không được tổ chức khám, chữa bệnh tại gia đình khi không có giấy phép của Bộ Y tế. 3. Yêu cầu người phụ trách văn hoá, y tế và tổ dân phố tiếp tục giám sát, tuyên truyền nhân dân đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn!

 

Tuy nhiên, đến ngày hôm qua (1/4), mọi yêu cầu của UBND phường Long Biên vẫn chưa được thực hiện, “cô Chín” vẫn tiếp tục khám bệnh, xem bói, nhập đồng như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

 

Cần một chế tài đủ mạnh

 

Theo lời ông Xuân, từ khi sự việc bắt đầu manh nha tới nay, cán bộ phường Long Biên đã không dưới 3 lần đến tận gia đình bà Loan nhắc nhở, trong đó có 2 lần lập biên bản và yêu cầu chấm dứt các việc làm có màu sắc mê tín, chữa bệnh trái phép. Nhưng cho đến nay, mọi cố gắng của phường đều không có kết quả.

 

Trả lời câu hỏi: “Vì sao chính quyền vẫn tỏ ra dè dặt với những việc làm của bà Loan?”, ông Xuân cho biết: “Trong cuộc họp, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn, nhưng có người lại sợ rằng nếu áp dụng chế tài mạnh khi bộ phận chuyên môn (Y tế, Văn hoá - PV) không tham mưu chuẩn thì gia đình có thể kiện ngược lại chính quyền”.

 

UBND phường Long Biên cũng đã báo cáo sự việc lên các phòng hữu trách của quận Long Biên nhưng lại nhận được câu trả lời: “Trước hết phường cần làm hết trách nhiệm”.

 

Ông Xuân cho biết: “Trước mắt chúng tôi vẫn phải tiếp tục vận động, tuyên truyền. Nếu việc vận động không mang lại hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn bạc để tìm ra một giải pháp cứng rắn, hiệu quả hơn, không loại trừ việc xử phạt hành chính. Nếu gia đình vẫn tiếp tục chống đối, chúng tôi sẽ phải báo cáo lên quận để xin ý kiến chỉ đạo”.

 

Ông Xuân lý giải thêm: “Những sự việc kiểu như chị Loan đã từng xuất hiện ở một số nơi trong quận. Địa bàn này là phường, nhưng một bộ phận dân cư vẫn mang đặc tính cư dân nông thôn. Việc thay đổi ý thức hệ cần thời gian dài”.

 

Hồng Kỹ - Ngọc Cương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm