1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Luật Thủ đô: Khó “đua” kịp Đại lễ 1.000 năm

(Dân trí) - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô có những nội dung lớn cần phải có thời gian khảo sát, nghiên cứu và thảo luận kỹ, không thể thông qua tại một kỳ họp Quốc hội. Nhiều ý kiến tại Thường vụ QH cũng tán thành quan điểm này.

Dự án Luật Thủ đô là vấn đề được quan tâm nhất trong phiên thảo luận sáng 9/2 của Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.
 
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị chuyển dự án luật Thủ đô lên Chương trình chính thức và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình xem xét, thông qua dự án Luật tại một kỳ họp.
 
Thường trực UB Pháp luật cho rằng, xét về ý nghĩa chính trị việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô trong thời gian chuẩn bị Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, tinh thần…
 
Luật Thủ đô: Khó “đua” kịp Đại lễ 1.000 năm - 1
Không để tiến độ làm ảnh hưởng chất lượng Luật.
 
Tuy nhiên, về nội dung, qua nghiên cứu dự thảo lần 3 của Luật Thủ đô, hiện có những vấn đề chưa phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
 
Chẳng hạn, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính quyền Hà Nội có quyền chủ động đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của UB Thường vụ, Chính phủ để ban hành quy định có nội dung mới, khác hoặc trái với quy định của Trung ương, trừ quy định của Hiến pháp.
 
Về ngân sách, ngoài tỉ lệ thưởng chung đối với các khoản tăng thu so với dự toán Trung ương giao, Hà Nội được sử dụng 100% số tăng thu còn lại, kể cả thu lĩnh vực xuất nhập khẩu để đầu tư cho phát triển (theo Luật Ngân sách Nhà nước thì Chính phủ quyết định trích thưởng với tỉ lệ không quá 30% cho ngân sách địa phương).
 
Ngoài ra, còn có một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô về cơ quan chuyên môn như có cơ quan cảnh sát đô thị, kiến trúc sư trưởng, có chính sách đãi ngộ về tuyển dụng, sử dụng, chế độ phụ cấp, mức thưởng, mức thù lao đặc thù… đối với cán bộ, viên chức làm việc tại Thủ đô.
 
“Đây là những nội dung lớn cần phải có thời gian khảo sát, nghiên cứu và thảo luận kỹ”, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
 
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, những nội dung dự kiến quy định cho Luật Thủ đô đang vướng các luật hiện hành. Theo ông Vượng, Hiến pháp không có quy định nào riêng cho Hà Nội mà các tỉnh, thành phố là đơn vị hành chính như nhau, nếu đưa ra những quy định cho riêng Hà Nội sẽ không phù hợp.

Chính vì vậy, ông đề nghị, tới đây khi sửa Hiến pháp phải tính tới vấn đề này - có như vậy Luật mới có thể đi vào cuộc sống, không như Pháp lệnh Thủ đô hiện nay.

Từ lý do nêu trên, Thường trực UB Pháp luật cho rằng, việc xem xét, thông qua dự án tại một kỳ họp Quốc hội là không khả thi. Từ đó, UB đề nghị, trước mắt bổ sung dự án này vào Chương trình chính thức năm 2010, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 thông qua tại kỳ họp thứ 8.
 
Thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán đồng với quan điểm làm “chắc ăn”, không nên chạy đua với Lễ kỷ niệm 1.000 năm. Theo ông Phước, nên đặt mục tiêu thông qua luật vào kỳ họp thứ 8 (cuối năm nay) thay vì thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới đây.
 
“Quá trình chuẩn bị Luật Thủ đô rất cập rập, vì thế tôi đề nghị thông qua trong 2 kỳ họp để bảo đảm hơn”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Pháp luật đồng tình với ông Ksor Phước.
 
Bộ trưởng Tư pháp, Trưởng ban soạn thảo Luật Hà Hùng Cường cho biết, ông đồng tình với UB Pháp luật trong việc đưa dự án Luật vào chương trình để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 nhưng theo ông, mục tiêu phấn đấu lại “khác”.
 
Ông Cường lý giải, Luật Thủ đô được xây dựng theo hướng nâng cấp từ pháp lệnh và hiện đã có dự thảo lần 5 nên ông hy vọng cuối tháng 2 này có thể lấy ý kiến về dự thảo luật trên trang Chính phủ để tháng 3 có thể trình Thường vụ. “Mục tiêu phấn đấu là thông qua Luật trước Đại lễ”, ông Cường nêu quyết tâm.
 
“Kết” lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Luật Thủ đô là dự án luật quan trọng, nằm trong thời điểm quan trọng. Theo ông Lưu, Chính phủ mong muốn trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 7 nhưng trong trường hợp còn có những ý kiến chưa thống nhất thì Quốc hội sẽ quyết định.
 
Ông Lưu đề nghị Bộ trưởng Tư pháp báo cáo Chính phủ chuẩn bị với tinh thần thông qua Luật tại kỳ họp Thứ 7. Quan điểm xây dựng Luật được ông Lưu quán triệt là phù hợp Hiến pháp, còn những gì trái pháp luật hiện hành nhưng cần thiết thì vẫn có thể quy định.
 

Theo dự kiến chương trình lần đầu, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ làm việc trong 35 ngày (khai mạc ngày 20/5 và bế mạc ngày 2/7), trong đó sẽ dành 23 ngày cho xây dựng pháp luật, 7 ngày rưỡi cho kinh tế - xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác…

 
Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm