1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Luật sư "mách nước" người dân xử lý cây xăng gian lận

(Dân trí) - "Khi mua xăng dầu, người dân phải tìm hiểu rõ và lấy hóa đơn để khi có tranh chấp, các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở giải quyết. Đây được coi là bằng chứng chứng minh việc cung cấp hàng hóa của doanh nghiệp đối với khách hàng".


Theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện đơn vị kinh doanh xăng dầu khi có đủ chứng cứ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc người tiêu dùng có thể khởi kiện đơn vị kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền lợi của mình không hề đơn giản. Dân trí đã có cuộc trao đổi với các luật sư xung quanh vấn đề này.

Luật sư, thạc sỹ Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Người dân cần phải có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng.

PV: Theo luật sư, nguyên nhân của việc khó xử lý hành vi gian lận của đơn vị kinh doanh xăng, dầu hiện nay là gì?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Hiện nay, hành vi gian lận của nhân viên cây xăng và đơn vị kinh doanh xăng dầu khó xử lý chủ yếu bởi các lý do sau: Một là, số tiền khách hàng bị gian lận mỗi lần không lớn. Hai là, trình tự thủ tục để có thể giải quyết được yêu cầu đòi đơn vị kinh doanh xăng dầu gian lận, buộc họ bồi thường cho khách hàng hết sức phức tạp và tốn nhiều thời gian, công sức. Ngoài ra, nếu muốn khiếu nại hay khởi kiện nhân viên, đơn vị kinh doanh xăng dầu gian lận, đòi hỏi phải có chứng cứ chứng minh. Tuy nhiên, để có thể có được chứng cứ đó là điều không dễ đối với người tiêu dùng.

Chính bởi các lý do trên, người tiêu dùng thường chịu ấm ức và ngầm “cạch” cây xăng đó hoặc loan báo cho bạn bè, thông tin trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội... để mọi người biết và tẩy chay cây xăng gian lận, thay vì khiếu nại hay khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình. Do vậy, cơ quan chức năng có liên quan cũng không có cơ sở để xử lý nhân viên, đơn vị kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm.

Luật sư mách nước người dân xử lý cây xăng gian lận

Luật sư Phạm Thanh Bình: "Thực tế hiện nay nhiều cửa hàng đã lờ việc xuất hóa đơn VAT cho khách hàng"

Nghĩa là khi có tranh chấp xảy ra, người tiêu dùng rất khó để bảo vệ và đòi lại quyền lợi hợp pháp cho mình?

Khi bị gian lận trong đo lường tại các cây xăng, theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng có các quyền sau: Góp ý trực tiếp với nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng và yêu cầu bồi thường thiệt hại số lượng xăng bị thiếu. Khiếu nại, tố cáo hành vi gian lận và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi có đại lý bán xăng gian lận đó giải quyết.

Khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện đại lý bán xăng gian lận ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đại lý bán xăng đó để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhưng nhiều người dân cho rằng, việc khiếu kiện các doanh nghiệp làm ăn gian dối lại không hề đơn giản bởi người tiêu dùng thường không có đủ bằng chứng pháp lý cần thiết...

Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng không có chứng cứ để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng không có cơ sở để xử lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Để bảo vệ mình, khi mua hàng hóa người tiêu dùng phải tìm hiểu rõ và lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở giải quyết. Đây được coi là bằng chứng chứng minh việc cung cấp hàng hóa của doanh nghiệp đối với khách hàng.

Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cửa hàng đã lờ việc xuất hóa đơn VAT cho khách hàng và bản thân khách hàng cũng không quan tâm bởi họ cho rằng không biết lấy hóa đơn VAT về sử dụng vào mục đích gì vì số tiền mua hàng cũng không được trừ vào chi phí để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Luật sư Trần Đình Triển - Văn phòng Luật sư Vì Dân: Cần xây dựng một cơ chế quản lý đồng bộ để chấn chỉnh việc làm ăn gian dối!

PV: Thưa ông, vấn nạn gian lận xăng dầu không phải là mới, tuy nhiên tại sao nhiều năm qua người tiêu dùng vẫn phải “ấm ức” chịu thiệt?

Luật sư Trần Đình Triển: Chính việc quản lý lỏng lẻo, không kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc hoạt động, kinh doanh các đơn vị kinh doanh xăng dầu của cơ quan nhà nước là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận, móc túi người người mua hàng. Mặt khác chế tài xử phạt các vi phạm chưa nghiêm minh cũng làm cho vấn nạn này liên tục tái diễn.

Ở nước ngoài thường có một tổ chức đứng ra bảo vệ người tiêu dùng. Khi nhận được thông tin ảnh hưởng, xâm phạm đến lợi ích người tiêu dùng, lập tức đơn vị này sẽ thay mặt những người tiêu dùng gửi các văn bản đến doanh nghiệp để yêu cầu đền bù. Thậm chí, bản thân đơn vị này sẽ đứng ra kiến nghị, khởi kiện các doanh nghiệp làm ăn gian dối, để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng. Còn ở Việt Nam, các cơ quan bảo vệ này vẫn chưa phát huy được trách nhiệm hoặc việc vào cuộc còn thiếu rốt ráo.

Ngoài việc cơ quan nhà nước phải quản lý chặt chẽ việc kinh doanh xăng dầu, chúng ta nên có những biện pháp gì để quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo, thưa ông?

Trước hết, khi phát hiện đơn vị nào làm ăn gian dối, cơ quan chức năng cần xem xét, điều tra làm rõ. Nếu có việc lừa đảo người dân thường xuyên thì nên áp dụng biện pháp hành chính cao nhất là thu hồi giấy phép, phải phạt thật nặng tiền. Nếu việc gian lận nhiều thì đây chính là hành vi móc túi công khai, đánh lừa người dân qua hệ thống máy móc, tùy theo mức độ mà xử lý hình sự đối với giám đốc cửa hàng, lãnh đạo doanh nghiệp và cá nhân người vi phạm. Có thực hiện nghiêm như thế thì mới có đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Nếu không ngày mai một cửa hàng khác lại tiếp tục vi phạm và người chịu hậu quả sẽ vẫn là người tiêu dùng.

Đặc biệt, nhà nước cần xây dựng một cơ chế đồng bộ. Các cửa hàng khi bán xăng, dầu phải xây dựng một hệ thống các máy tính tiền riêng, phải xuất hóa đơn cho người tiêu dùng bất kể ít hay nhiều, giống như hệ thống bán hàng ở siêu thị. Đây phải được xem là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị kinh doanh này, điều này sẽ siết chặt và quản lý được số lượng hàng hóa nhập vào – xuất ra thị trường tránh việc gian lận, móc túi người tiêu dùng. Khi có vấn đề tranh chấp xảy ra, người tiêu dùng mới có bằng chứng về việc cung cấp hàng hóa tại các cửa hàng này.

Qua sự việc này, cơ quan quản lý nhà nước phải thanh lý lại toàn bộ hệ thống xăng dầu, xem xét vị trí của cây xăng có đảm bảo các yêu tố về môi trường, phòng cháy chữa cháy, kỹ thuật hay không? Từ đó đi đến yêu tố con người, thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh, bán hàng có đầy đủ không? Nếu phát hiện ra hành vi gian lận phải xử lý nghiêm minh ngay lập tức.

 

Theo luật sư Phạm Thanh Bình, đối với nhân viên cây xăng có hành vi gian lận, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 104/2011/NĐ-CP ngày 16/11/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu người có hành vi gian lận về đo lường khi bán xăng dầu như bơm nối vào người mua xăng trước, điều chỉnh thiết bị đo lường,… có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

Theo quy định tại Điều 162 BLHS thì hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu của nhân viên cây xăng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa dối khách hàng” khi hành vi gian lận đó thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng.

- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, khi thỏa mãn một trong các điều kiện nêu trên thì người có hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu có thể bị phạt tù đến 7 năm hoặc phạt tiền đến 50 triệu đồng.

 

Hà Trang - Xuân Ngọc