1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật hóa sự lãnh đạo của Đảng

Ai cũng biết muốn cầm quyền thành công trong thời đại ngày nay không thể có con đường nào khác là phải phát huy dân chủ thật sự, toàn diện và triệt để. Dân chủ lúc này vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội.

Thế nhưng muốn có dân chủ trong dân, trước tiên phải có dân chủ trong Đảng. Dân chủ trong Đảng được thấy rõ nhất trong việc giới thiệu nhân sự bầu Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, lấy ý kiến đại hội về chức danh tổng bí thư...Làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa dân chủ và tập trung - dân chủ là cái đích, tập trung là nguyên tắc giải quyết sự không thống nhất những ý kiến khác nhau trong nội bộ bất kỳ tổ chức nào, của cộng đồng để đảm bảo dân chủ cho đa số.

Về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền. Chức năng hàng đầu của Đảng là xác định chiến lược và chính sách phát triển. Vai trò lãnh đạo của Đảng là chuẩn bị đội ngũ đảng viên đủ tầm, đủ tâm, có trí tuệ để dân chọn bầu vào các chức vụ chính quyền. Khi dân bầu người của Đảng vào chính quyền thì người đó phải chịu trách nhiệm trước dân.

Chúng ta đang rơi vào tình trạng nhiều việc cấp ủy Đảng can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền và các tổ chức trong hệ thống. Điều đó làm mất vai trò chủ động sáng tạo, tinh thần tự chịu trách nhiệm của bản thân các tổ chức.

Về nội dung lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, cần phải luật hóa những việc cụ thể Đảng lãnh đạo chính quyền thực hiện, tránh tình trạng lãnh đạo chung chung, thậm chí bao biện làm thay.

Cụ thể là: khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản qui định cụ thể về nguyên tắc, nội dung và cơ chế Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước trong từng lĩnh vực: lập pháp, hành pháp, tư pháp và từng cấp, từng loại hình tổ chức nhà nước. Về tổ chức hiện nay thấy rõ sự chồng chéo khi tổ chức các cơ quan Đảng song trùng với các cơ quan chính quyền.

Việc tổ chức cơ quan Đảng theo ngành dọc phù hợp với thời chiến, còn trong thời bình rất cần sự sâu sát, giám sát của cơ quan Đảng với nhau trên địa bàn cùng nhau phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn dân cư...

Đồng thời nếu tổ chức cùng cấp, bên chính quyền có gì thì bên Đảng cũng có cơ quan như vậy dễ dẫn đến trùng lắp, chồng chéo giẫm đạp, làm triệt tiêu nguồn lực, triệt tiêu sự sáng tạo. Nên chăng Đảng chỉ nên tổ chức các cơ quan tham mưu nghiên cứu hoạch định chiến lược, làm công tác kiểm tra giám sát, cơ quan làm công tác đảng vụ, cơ quan hậu cần...

Đảng đã cử các đảng viên ưu tú có chuyên môn vào các cơ quan chính quyền, các cơ quan dân cử, cơ quan bảo vệ pháp luật, tư pháp, vì vậy nhiệm vụ của Đảng là giám sát các đảng viên, và tổ chức thực hiện đúng đường lối của Đảng là đủ.

Theo Diệp Văn Sơn
Báo Tuổi trẻ