1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật hoá cơ chế chuyển nhượng cảng biển

(Dân trí) - Trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị thêm quy định về quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển của nhà nước theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác từng phần, toàn bộ…

Luật hoá cơ chế chuyển nhượng cảng biển
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trình dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải tại Quốc hội sáng 3/6 (ảnh: Việt Hưng).

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày theo sự uỷ quyền của Thủ tướng nhấn mạnh về những thay đổi trong thực tế đang thúc ép phải sửa nhiều quy định trong Bộ luật Hàng hải hiện hành.

Đưa ụ nổi, giàn khoan khỏi danh mục tàu biển

Bộ trưởng GTVT đặt vấn đề, hiện nay đã xuất hiện tàu lặn, tàu ngầm, là loại phương tiện thủy có những đặc thù về hoạt động là chủ yếu dưới mặt nước và các đặc tính khác không giống như tàu biển nên có một số quy định áp dụng cho tàu biển sẽ không phù hợp đối với tàu ngầm, tàu lặn. Vì vậy cần có những quy định đặc thù riêng cho các đối tượng này.

Ngoài ra, kho chứa nổi, giàn di động là những kết cấu nổi chuyên dùng đã hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể nào cho các đối tượng này nên cần có quy định bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, dự thảo luật sửa đổi đã chỉnh khái niệm về tàu biển, loại trừ các đối tượng như ụ nổi, kho chứa nổi, giàn di động và các kết cấu nổi tương tự khác không phải là tàu biển.

Vấn đề này đã từng gây tranh cãi khó phân định qua quá trình xét xử vụ án tham nhũng xảy ra lại Vinalines. Cả Chủ tịch Dương Chí Dũng và Tổng GĐ Mai Văn Phúc của Tcty này đã phải nhận án tử hình vì tham ô trong vụ nhập về ụ nổi cũ nát 83M.

Nếu chiếu theo quy định về tuổi của tàu biển, cả loạt các cá nhân từ lãnh đạo Vinalines tới cán bộ Cục đăng kiểm Việt Nam, cán bộ Hải quan đã bị xác định là làm trái khi đưa ụ nổi già nua này về nước, gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, các bị cáo cũng như các cơ quan liên quan qua quá trình xét xử vẫn khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển, không thể áp dụng quy định về tàu biển.
 
Thay "chính quyền cảng" thành Ban Quản lý

Chuyển sang nội dung về cảng biển, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề xuất bổ sung quy định về quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác từng phần, toàn bộ hoặc các hình thức phù hợp khác để phù hợp với thực tế nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.

Lần trình này, khái niệm “chính quyền cảng” được cơ quan soạn thảo chỉnh lại là “Ban quản lý và khai thác cảng” để phân biệt mô hình quản lý nhà nước tại các cảng biển với cách hiểu về cách tổ chức bộ máy nhà nước theo các cấp từ trung ương đến địa phương vẫn thường dùng.

Việc tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng được đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của tổ chức này cũng như việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam nhằm xây dựng một tổ chức có chức năng điều phối chung trong việc phát triển từng khu vực cảng, nhóm cảng; quản lý chung cả vùng nước cảng biển và vùng đất sau cảng để tạo sự thống nhất trong việc đầu tư, phát triển, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ để giải quyết những bất cập hiện nay tại khu vực cảng biển.

Cụ thể, tại Điều 142, dự thảo bộ luật quy định Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao và giao Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức này và việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam.

Giải thích cho đề xuất này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thực tế vừa qua tại một khu vực cảng biển có rất nhiều nhà đầu tư khai thác bến cảng dẫn đến tình trạng là việc dư thừa công suất như xảy ra tại khu vực Cái Mép Thị Vải.

Đồng thời không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần sau cảng nên không khai thác được hết hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển.

“Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hoá đến bến cảng của mình đã tạo ra một sự cạnh tranh thị trường thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung. Vì vậy, cần có một tổ chức để điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại nói trên”, Bộ trưởng Thăng chia sẻ. 

Dự thảo luật cũng đã ra quy định bổ sung về cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan hướng dẫn cụ thể. Bộ GTVT cho rằng, trong thực tiễn việc đóng mới, hoán cải phục hồi, sửa chữa trong thời gian vừa qua có những bất cập: một số cơ sở chưa đủ năng lực về nhân lực, con người, tài chính, kỹ thuật đóng tàu dẫn đến chất lượng các con tàu chưa đảm bảo chất lượng.

Do đó, cần có quy định về điều kiện đối với các cơ sở này để đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật của sản phẩm. Đồng thời hoạt động phá dỡ tàu biển là hoạt động mang lại nguồn nguyên liệu đáng kể cho ngành công nghiệp thép và cơ khí; tạo việc làm cho lực lượng lao động lớn; tỷ suất lợi nhuận cao, tăng được nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong việc phá dỡ tàu biển tại Việt Nam.

P.Thảo