1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật giáo dục: Thông qua hay sửa nữa?

Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật VN vừa có một bản kiến nghị 6 biện pháp cải cách giáo dục, trong đó có đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông qua Luật GD sửa đổi. Và gần như cùng thời điểm, GS Phạm Phụ cũng có một bản kiến nghị Quốc hội xem xét lùi việc thông qua luật này...

GS nói:

 

Theo tôi, có năm lý do để đưa ra đề nghị lùi lại việc thông qua Luật giáo dục (GD) sửa đổi cho đến kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay. 

 

Thứ nhất, những sửa đổi so với Luật GD 1998 phần lớn chỉ có tính chất bổ sung để chi tiết hơn. Những vấn đề như vậy có thể chi tiết bằng các văn bản dưới luật hoặc nhiều lắm là một nghị quyết của Quốc hội.

 

Thứ hai, dự thảo cũng chưa có được những điều/khoản khung định hướng để khắc phục những tồn tại quá lớn hiện nay trong GD. Ví dụ: chương trình ở GD phổ thông cũng như GD ĐH đang quá nặng nề, quá hàn lâm, trong khi đó mảng GD nhân văn, kỹ năng sống... lại đang rất thiếu. Các vấn đề về phân ban ở phổ thông, tài chính ở các cơ sở GD... thì lại đang bỏ ngỏ.Về mặt quản lý GD, những qui định của dự thảo vẫn tập trung quá lớn quyền lực ở Bộ GD-ĐT, xem nhẹ vai trò của địa phương, của cộng đồng, của cơ sở GD, của các hội đồng...

 

Thứ ba, với những điểm cơ bản có tính đổi mới thì một số còn viết rất chung chung, thiếu nội dung, như: Quyền và nghĩa vụ học tập của nhân dân, Xã hội hóa GD (điều 10, 12), Quyết định học phí (điều 105)... Hơn nữa, ngay cả định hướng “chuyển một số cơ sở GD công lập sang cơ chế hoạt động dịch vụ” cũng chưa được thể hiện trong dự thảo.

 

Thứ tư, trên thế giới trong 20-30 năm qua, đặc biệt trong khoảng 10 năm gần đây, trước bối cảnh nền GD cho số đông và toàn cầu hóa, trong đó có việc “GD không biên giới” vừa là “hiểm họa” vừa là “triển vọng”, đã làm thay đổi rất lớn vai trò quản lý và việc cung cấp tài chính của nhà nước, cũng như thay đổi rất lớn về cung cách quản lý ở các cơ sở GD.

 

Vì vậy, người ta nói: GD trên thế giới đang có những bước nhảy về triết lý, về ý thức hệ. Các vấn đề về chất lượng, tài chính, hiệu quả, cạnh tranh, công bằng xã hội... đang trở nên hết sức gay cấn.

 

Tình hình này cũng đã và đang xảy ra ở VN. Thế nhưng, dự thảo Luật GD (sửa đổi) cũng chưa có được những điều/khoản khung để định hướng cho những cải cách / đổi mới cũng như những thay đổi về chính sách quốc gia đối với GD.

 

Thứ năm, Luật GD (sửa đổi) về bản chất là sự lựa chọn chiến lược, lựa chọn ưu tiên, không phải là tổng hợp những điều mong muốn, không một nước nào có thể giải quyết trọn vẹn vấn đề GD.

 

Vì vậy luật phải được nghiên cứu, soạn thảo rất công phu và phải có sự đóng góp ý kiến của nhiều loại chuyên gia khác nhau, có sự đồng thuận của dân chúng. Đáng tiếc việc tổ chức soạn thảo của Bộ GD-ĐT còn chưa làm được như vậy.

 

Như vậy, nếu cần một cách khác để xây dựng Luật GD sửa đổi, theo ông, nên lựa chọn cách làm nào?

 

Chúng ta có thể tham khảo cách làm luật GD của Thái Lan, một nước ngay trong cùng khu vực. Thái Lan đã soạn thảo Luật GD năm 1999 dựa trên năm căn cứ, gồm: Một là bước thu thập cơ sở thông tin khoa học bằng cách: văn phòng Ủy ban GD quốc gia tổ chức nghiên cứu 42 vấn đề chính về GD và xem xét kinh nghiệm của 12 nước để xây dựng bản thảo đầu tiên. Tiếp đến là bước xem xét thận trọng của các học giả.

 

Ba là có sự tham gia của các nhóm có lợi ích liên quan. Nhiều hội thảo được tổ chức ở khắp các tỉnh để trao đổi và lắng nghe ý kiến. Sau đó đến bước thứ tư, tạm gọi là quan hệ công chúng. Ban soạn thảo đã sử dụng các phương tiện thông tin, báo chí... để phổ biến dự luật đến tất cả các nhà quản lý GD, thầy cô giáo, học sinh-sinh viên, phụ huynh và công chúng nói chung. Bước cuối cùng có thể gọi là thăm dò dư luận công chúng. Văn phòng Ủy ban GD quốc gia phối hợp với Tổ chức Thăm dò dư luận để thăm dò ý kiến công chúng. 

 

Nếu trong trường hợp dự thảo Luật GD sửa đổi hiện nay vẫn được thông qua, theo GS, khi triển khai vào cuộc sống sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền GD của đất nước?

 

Với những bối cảnh như tôi đã phân tích, nếu dự luật được thông qua có thể dẫn đến các hệ lụy sau: trước hết, nó sẽ là cản trở hoặc gây ra sự thái quá trong những dự kiến đổi mới sắp đến. Đồng thời không khắc phục được những tồn tại hiện nay, không giải quyết được bài toán nhân lực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đạo đức xã hội. Chẳng những không có sự đồng thuận của xã hội mà còn gây ra tâm lý “đứng ngoài cuộc” và đe dọa sự đổi mới GD sắp đến, vì đổi mới GD là sự nghiệp của toàn dân.

 

Đáng ngại nữa là nó có thể tạo ra “vùng mờ” trong GD, là cơ hội cho những kẻ lợi dụng và làm e ngại những người tâm huyết với GD, ví dụ như vấn đề tài chính ĐH ngoài công lập, ĐH tư thục...

 

Theo Tuổi trẻ