Luật đất đai phải tầm cỡ như một bộ luật lớn
(Dân trí) - Bản dự thảo mới nhất sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo nhiều ý kiến đóng góp tại QH kỳ họp vừa qua tiếp tục nhận phê phán khá “găng” tại UB Thường vụ QH. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng quyết định “đình chỉ” dự án luật 1 tháng để… làm lại.
Định giá đất tư nhân - vẫn nhiều kẽ hở?
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đất đai sửa đổi sau lần đầu tiên QH thảo luận tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu giải trình về ý kiến đề nghị bổ sung hình thức sở hữu tư nhân đối với một số loại đất (như đất ở) và đề nghị dùng khái niệm sở hữu nhà nước thay cho sở hữu toàn dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phân tích, khó khăn nhất hiện nay là việc định rõ về thực chất quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất. “Nhập nhằng” giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đang là tâm điểm, nguyên nhân của hầu hết khiếu nại tố cáo.
Dẫn chứng một biểu hiện cụ thể, ông Phước cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì việc định giá phải đặc biệt, không như những tài sản khác, người dân phải được quyền tham gia, phải có tiếng nói. Chủ thể quyết định giá phải là nhà nước. Giao cho tư nhân định giá là không hợp lý.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc kiến nghị cần quy định rõ quyền thu hồi đất của Nhà nước trong luật sửa đổi, có như vậy, mới thuận lợi trong việc Nhà nước quyết định sử dụng phần đất giao cho người dân để phục vụ lợi ích quốc gia, cộng đồng, không chỉ vì mục đích quốc phòng - an ninh.
Về vấn đề đất cho đồng bào dân tộc, quá trình giám sát cho thấy việc sang nhượng, cầm cố, chuyển quyền sử dụng đất hiện chưa kiểm soát được, khiến nhiều địa phương không hoàn thành được mục tiêu thu xếp đất ở, đất sản xuất cho người dân. Quy định tại dự thảo luật vẫn chưa thấy hướng giúp ngăn chặn được tình trạng này. Do đó, ông Ksor Phước đề nghị dự thảo Luật cần quy định khi sang nhượng, thế chấp đất đai thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số thì phải được hội đồng hoặc đại diện của cộng đồng dân cư chấp thuận.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng góp ý, việc đấu giá quyền sử dụng đất nên giao cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp tổ chức. Cả nước hiện đã có hàng trăm tổ chức hành nghề đầu giá với hơn 1.000 đấu giá viên, không cần thiết phải lập tổ chức đấu giá đất riêng biệt.
Ngoài ra, ông Tụng đề nghị giữ quy định buộc công chứng, chứng thực đối với nhiều giao dịch về đất đai như chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp, góp vốn… để đảm bảo tính chặt chẽ, quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, ổn định xã hội.
Về vấn đề thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UB Kinh tế chỉnh lý quy định về thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn theo hướng thống nhất giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, UB cũng quyết định chỉnh lại quy định tại khoản 3 Điều 131 để bảo đảm việc thu hồi phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng và vùng phụ cận phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu phân trần, có nhiều ý kiến của đại biểu liên quan đến việc thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư; nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất… Dự thảo luật đã thể hiện theo hướng, nhà nước thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội. Đối với dự án không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch thì cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tỏ ý chưa hài lòng với dự thảo luật dù đã chỉnh lý nhiều chi tiết, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng “phê” báo cáo giải trình vẫn chưa tiếp thu hết rất nhiều ý kiến các đại biểu góp ý trước đó. Những vấn đề lớn như chuyện thu hồi đất, đền bù, tái định cư… thể hiện trong dự thảo luật vẫn chung chung, chưa thoát khỏi cái nền của luật cũ.
Ông Hùng đặt vấn đề, QH muốn làm lại luật một cách toàn diện theo hướng quy định thật cụ thể các vấn đề, tầm cỡ như một bộ luật lớn với những chương riêng như đền bù, thu hồi đất có quy trình cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật để bớt việc phải ban hành các loại văn bản hướng dẫn thi hành. Nhắc lại con số hơn 400 văn bản hướng dẫn từ cấp Chính phủ trở xuống Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trung Tụng đề cập, ông Hùng cho rằng, luật Đất đai hiện hành là đạo luật “ma trận” nhất.
Với tất cả những câu hỏi chưa trả lời được, Chủ tịch QH cho rằng đưa dự thảo luật này ra để QH xem xét thông qua ngay trong kỳ họp thứ 5 tới (tháng 5/2012) là quá vội.
“Vì thảo luận chưa kỹ, chưa thông nên giờ phải lấy ý kiến người dân. Theo tôi, nhất quyết nếu luật chưa được bàn kỹ, chưa thấu đáo thì chưa cho ban hành” - ông Hùng nêu quan điểm chỉ đạo.
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang xác nhận, nếu sửa luật một cách toàn diện để xây dựng được một bộ luật, các vấn đề sẽ được giải quyết thấu đáo hơn nhưng việc đó cần khoảng thời gian nhất định, thời hạn chỉ 6 tháng nữa cho lần trình QH xem xét thông qua khó có thể tham vọng.
Ông Hùng ngắt lời: “Tôi chỉ hỏi một câu, nếu làm như này, sau khi luật ban hành bao lâu Bộ mới làm được Nghị định hướng dẫn thi hành?”.
Ông Quang phân trần, cơ quan soạn thảo dự kiến xây dựng 5 nghị định tập trung vào những vấn đề cụ thể như Nghị định về việc xử lý vi phạm, Nghị định về định giá đất, Nghị định về thu hồi, bồi thường đất… Việc chuẩn bị các Nghị định đã được tiến hành lâu nay, song song với quá trình sửa luật.
Chủ tịch QH vẫn không yên tâm vì tính hệ trọng của luật này, ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu triệu người, cần chuẩn bị chu đáo hơn. Ông Hùng đề nghị cơ quan soản thảo, thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ họp bàn thống nhất một lần nữa sau đó đưa ra UB Thường vụ thảo luận lại tại phiên họp tháng sau.
“Nếu đến tháng 5 tới mà thấy chưa yên tâm thì trình với QH để kỳ họp cuối năm (tháng 10/2013) mới thông qua. Chúng ta quyết tâm làm nhanh nhưng không vội” - ông Hùng chốt lại.
P.Thảo