1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số:

Luật đã sẵn sàng, thực thi còn... bỏ ngỏ

(Dân trí) - Quyền tác giả và bảo hộ quyền tác giả là một khái niệm khá mới mẻ song đã đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Dù đã đưa vào luật nhiều điều khoản về vấn đề này cũng như ký kết nhiều công ước quốc tế, song chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc thực thi.

Nhằm chia sẻ với VN những kinh nghiệm về quản lý bản quyền, ngày 6/12, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả Văn học -  Nghệ thuật VN và Viện Sở hữu trí tuệ liên bang Thụy Sĩ đã phối hợp tổ chức hội thảo “Quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số”.

 

Theo lời giới thiệu của ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật, thì Bộ luật Dân sự 1995, 2005 và gần đây nhất là Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã ghi rõ quyền hạn của tác giả trong môi trường kỹ thuật số.

 

Theo đó, trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể sẽ bị xét xử ở mức độ hình sự, xử phạt tối đa 200 triệu đồng cùng 3 năm tù giam. Tuy nhiên, cho đến nay các vụ vi phạm mới chỉ bị xét xử ở mức độ dân sự là xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Ông Chu thừa nhận đó là sự thiếu mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

 

Việc tham gia các công ước quốc tế đã giúp VN phần nào năng nổ hơn trong việc bảo hộ quyền tác giả. Đơn cử, sau khi tham gia công ước Bern (có hiệu lực từ ngày 24/10/2004), năm 2005, số lượng đầu sách dịch các tác phẩm nước ngoài chỉ chiếm 50% cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này phản ánh được ý thức chấp hành của các nhà xuất bản VN đối với một công ước quốc tế, nhưng cũng chỉ ra họ cần phải năng nổ hơn nữa trong việc giao dịch tác quyền nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức các ấn phẩm văn hóa ngoại của bạn đọc.

 

Bên cạnh đó, hiện VN đã hoàn tất hồ sơ tham gia công ước Brussel về bảo hộ tín hiệu truyền qua vệ tinh để nộp lên Liên Hợp Quốc. Dự kiến, công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/1/2006. Theo đó, mọi hành vi vi phạm như sử dụng các tín hiệu thu phát sóng lậu hay chảo lậu... sẽ bị xử lý rất nặng.

 

Có thể thấy rằng luật đã rõ ràng, song trên thực tế việc thực thi lại nảy sinh khá nhiều vấn đề. Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng nguyên nhân chính là do ý thức chủ thể thấp, chế tài pháp luật chưa sát với thực tiễn và cơ chế thực thi quá yếu kém.

 

Theo ông Mai Linh, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ Văn hoá - Thông tin: người VN có tâm lý ngại đề cập đến tiền bạc, do đó chưa có ý thức hay sự đấu tranh triệt để cho quyền lợi chính đáng về tác quyền của mình. Bên cạnh đó, việc có nên thực hiện nghiêm minh quyền tác giả hay không cũng gây nhiều tranh cãi.

 

Có ý kiến nhận định, nếu thực hiện đúng theo các Công ước quốc tế mà chúng ta đã và sẽ ký kết sẽ gây khó khăn lớn cho đất nước ta vốn còn nghèo. Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Chu cho rằng, chúng ta không thể dựa mãi trên các sản phẩm trí tuệ của người khác mà phải tự thân vận động sáng tạo ra, như thế đất nước mới phát triển. Để làm được điều này, một hệ thống pháp luật và một cơ chế thực thi nghiêm minh phải được hình thành.

 

Cũng tại hội thảo, TS Emanuel Mayer, Cố vấn pháp luật Viện Sở hữu trí tuệ liên bang Thụy Sĩ đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các chuẩn mực quốc tế đối với việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số của Thuỵ Sĩ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, thông tin này chỉ mang tính tham khảo vì có độ “vênh” nhất định với thực tiễn ở VN.

 

Uyên Minh