1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lừa đảo 8,5 tỉ đồng, một luật sư hầu toà

Hôm qua, TAND TPHCM đã đưa vụ án lừa đảo do cựu luật sư Nguyễn Trọng Quý cầm đầu nhóm ký hợp đồng mua bán khống, giả hồ sơ thế chấp để chiếm đoạt 8,5 tỷ đồng ra xét xử sơ thẩm.

Theo cáo trạng, Nguyễn Trọng Quý (sinh 1956, nguyên là luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh, ngụ phường 18, Tân Bình, TPHCM). Từ đầu từ năm 2001, Quý đã bỏ vốn lập một số công ty ma, cho các em họ làm giám đốc để sử dụng pháp nhân đi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Công thương Chi nhánh 5.  

Ban đầu là sự ra đời của Công ty TNHH Hoàng Đỉnh, Quý thuê Lê Thành Tảo làm giám đốc. Tiếp đó, Quý điều em họ đang hành nghề bán thịt chó là Đỗ Xuân Thái về làm giám đốc hai Công ty TNHH Thái Phong và Thái Đề. Được sự gợi ý của Quý, Thái lại "lập" thêm Công ty Thiên Phước và để người bạn thời quân ngũ của mình là Nguyễn Văn Thoại làm giám đốc.

 

Tháng 2/2003, Công ty Hoàng Đỉnh ký hợp đồng mua của Công ty xuất nhập khẩu Bắc Giang 10 xe ôtô thùng lạnh đã qua sử dụng trị giá 4,6 tỷ. Tiếp đó, Hoàng Đỉnh lại ký hợp đồng mua của Công ty Thái Phong 10 máy phát điện, 10 thùng lạnh trị giá 2,8 tỷ. Từ hai hợp đồng trên, kết hợp với dự án vay vốn, kế hoạch trả nợ, giám đốc Tảo đã có hồ sơ xin vay ngân hàng 5 tỷ đồng, tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay.

 

Thông qua "thỏa thuận" với Bùi Hữu Phong (nguyên kế toán trưởng Công ty TNHH vận tải MK), Quý đã được nhân viên tín dụng ngân hàng Nguyễn Anh Tuấn giúp đỡ để Hoàng Đỉnh được duyệt cho vay 5 tỷ, làm thủ tục giải ngân bằng 3 ủy nhiệm chi. Sau đó, Quý đã chỉ đạo Nguyễn Trọng Quyền đi nhận xe và làm thủ tục đăng ký sở hữu rồi đem xe về bán. Tài sản thế chấp tại ngân hàng chỉ là những giấy đăng ký giả.

 

Ba tháng sau, Hoàng Đỉnh lại tiếp tục lập hồ sơ vay vốn để mua 10 xe tải Hyundai trị giá 4,8 tỷ với "chiêu thức" cũ là tạo các hợp đồng mua bán "ma" với nhiều công ty khác. Thông qua Tuấn, hồ sơ vay vốn này cũng được lãnh đạo Ngân hàng Công thương Chi nhánh 5 ký duyệt cho vay 3,5 tỷ.

 

Thấy đến hạn nhưng Hoàng Đỉnh không nộp lãi suất, trụ sở công ty tự nhiên "biến mất", lãnh đạo ngân hàng trên đã có công văn gửi cơ quan công an. Ngày 25/1/2003, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp Bùi Hữu Phong, sau đó là Nguyễn Trọng Quý, Đỗ Xuân Thái, Nguyễn Trọng Quyền, Nguyễn Văn Thoại và Nguyễn Anh Tuấn. Riêng Lê Thanh Tảo, hiệng đang bỏ trốn.

 

Tại phiên tòa, Quý cho rằng, cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố không đúng sự thật, Công ty Hoàng Đỉnh không phải do Quý thành lập. "Tôi chỉ ký hợp đồng làm dịch vụ tư vấn cho Công ty Hoàng Đỉnh với thời hạn 15 ngày trong việc xin giấy phép thành lập, làm giấy đăng ký xe, hướng dẫn các thủ tục đi rút tiền ngân hàng và thủ tục đòi nợ".

 

Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao anh em Quý ăn ở luôn tại Công ty Hoàng Đỉnh, Quý giải thích là thuê để định mở văn phòng luật sư nhưng chưa được lại thấy em út không có việc làm nên giúp đỡ. Quý còn phủ nhận cáo buộc Quý đứng ra giao dịch với ngân hàng để vay tiền dưới danh nghĩa Công ty Hoàng Đỉnh vì "ở cùng nhà nên biết công ty mới thành lập, không có vốn... nên không thể vay".

 

Thế nhưng vị chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai trước đó của Quý tại cơ quan điều tra cho thấy, Quý đóng vai trò chủ mưu trong những "phi vụ" lừa đảo này thì vị cựu luật sư "lập luận" là do tinh thần không tỉnh táo, cơ quan công an hỏi một lúc 4-5 câu, nên khi bị cáo trả lời cơ quan công an không hiểu.

Khi được gọi thẩm vấn, hai em họ của Quý là Thái và Quyền cũng quanh co khai báo nhằm che chắn tội cho Quý. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận được Quý nuôi ăn ở và "anh Quý bảo gì thì làm nấy".

 

Giám đốc “cầy tơ” Đỗ Xuân Thái khai bị cáo làm giám đốc 2 công ty, mỗi ngày ký rất nhiều hợp đồng và hóa đơn nhưng không biết nội dung gì. Khi Quý mở tài khoản cho công ty Thái Phong để Hoàng Đỉnh chuyển tiền qua và Thái đi rút về đưa lại cho Hoàng Đỉnh, Thái cũng chỉ biết "anh Quý bảo đó là tiền của Hoàng Đỉnh, mượn tài khoản của Thái Phong để lấy tiền".

 

Nhờ giúp sức đắc lực của em út, các vụ lừa đảo đều trót lọt. Quý đã chia cho Thái 200 triệu, Quyền 300 triệu để ăn tiêu và mua nhà. Tuy nhiên, tại tòa Quý phủ nhận những lời khai trên tại cơ quan công an, chỉ thừa nhận "thỉnh thoảng cho vài trăm tiêu xài vì thương em"...

 

Đến cuối ngày xét xử hôm nay, phiên tòa xét xử cựu luật sư lừa đảo Nguyễn Trọng Qúy dừng lại ở phần thẩm vấn. Thứ hai (15/8), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận và tuyên án.

 

Theo Gia Khang
Vietnamnet