Kiên Giang:

Lúa chết, nông dân tha phương phụ hồ, bán vé số chống đói

(Dân trí) - Về huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), nơi có trên chục ngàn ha lúa chết vì hạn mặn, nhiều bà con hộ cận nghèo phải làm đủ thứ nghề mưu sinh. Có người vay tiền thả lại tôm, có người đi phụ hồ, bán vé số… lo ngày 2 bữa cơm...

Do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử, huyện Vĩnh Thuận có trên 11.500 ha lúa bị thiệt hại; nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay khi 2 - 3 ha chỉ gặt được 100 - 200kg lúa.

Cuộc sống khốn khó của người dân trong mùa hạn, mặn.

Chúng tôi theo chân ông Dương Tuấn Kiệt, Bí thư kiêm Trưởng khu phố Vĩnh Đông 2 (thị trấn Vĩnh Thuận) đến thăm hỏi những hộ dân có lúa bị thiệt hại nặng ở khu phố, ông Kiệt cho biết: “Nói là khu phố chứ sau dãy nhà trên tuyến quốc lộ 63 này là những cánh đồng lúa tôm mênh mông. Những năm trước vào vụ này bà con ở đây sung túc lắm, tuy nhiên trong vụ mùa vừa rồi nhiều bà con rơi vào cảnh trắng tay, nhất là những hộ khó khăn nay càng khó khăn hơn. Một số gia đình cận nghèo phải làm đủ thứ nghề để sinh sống”.

Sau vụ lúa thất bát , anh Tạ Hoàn Kiếm đã vay tiền thả tôm và hiện nay để có tiền đong gạo, anh phải đi phụ hồ
Sau vụ lúa thất bát , anh Tạ Hoàn Kiếm đã vay tiền thả tôm và hiện nay để có tiền đong gạo, anh phải đi phụ hồ

Bên 3ha đất ngập mênh mông nước mà anh Tạ Hoàn Kiếm vừa cho nước vô thả tôm, anh Kiếm bùi ngùi cho biết: “Mấy năm qua vì muốn thoát nghèo, vợ chồng tôi vay 40 triệu đồng thuê 3ha đất này trồng lúa, nuôi tôm. Những năm trước, sau mỗi vụ lúa trừ hết chi phí sản xuất, tiền thuê đất… mỗi công còn lời vài trăm nghìn cũng lo cho cuộc sống được. Tuy nhiên, vụ vừa rồi lúa đang trổ bông, độ mặn tăng cao quá làm 3 ha lúa đứng cờ, lúa bị lép hết… đẩy gia đình tôi vào cảnh nợ nần, không có gạo ăn. Mấy hôm nay sau khi thả tôm xong tôi phải đi phụ hồ để đong gạo ăn từng bữa”.

Gia đình ông Lâm Văn Hoàng (69 tuổi) cùng ngụ khu phố Vĩnh Đông 2 còn khốn khó hơn. Ông Hoàng cho biết, gia đình ông làm được 1ha đất, trong vụ rồi phải xạ lúa 2 lần, đã vậy khi lúa trổ bông độ mặn cao quá nên lúa chết hết. Một ha lúa chỉ thu hoạch được 100 – 200kg lúa. Vì thế, hiện nay gia đình ông phải vay tiền bà con hàng xóm để đong gạo ăn hàng ngày.

Trước cảnh khó của gia đình con gái ông là chị H. (40 tuổi) phải đi bán vé số phụ tiền lo thuốc thang cho người mẹ đang đau yếu và đứa cháu gái đang học lớp 6.

Những hộ như ông Hoàng, anh Kiếm đang trông chờ vào vụ tôm, hy vọng gỡ gạc lại chút đỉnh sau vụ lúa thất trắng. Tuy nhiên với hộ anh Phạm Công Thức – khu phố Vĩnh Đông 2 thì chua chát hơn khi ruộng tôm còn hơn 1 tháng nữa thu hoạch nhưng tôm đang chết dần.

Cầm rổ tôm chết vừa vớt ở ruộng về, anh Thức nói như khóc: “Vợ chồng tôi làm 3 ha lúa, chi phí mỗi công trên 2,5 triệu đồng, tính ra trong vụ lúa thua trắng đợt rồi tôi đã mang nợ trên 70 triệu đồng. Tuy nhiên vì cuộc sống gia đình, con cái đi học, cha già bệnh đau… tôi tiếp tục vay tiền đổ xuống cả chục triệu đồng tiền tôm giống nhưng nay còn hơn 1 tháng nữa là thu hoạch. Nào ngờ, mấy ngày qua số tôm chết cứ tăng dần… Chẳng biết đến này thu hoạch còn con nào để bắt. Xem ra, vụ lúa – tôm năm nay thua trắng rồi”.

3 ha tôm sú của anh Thức còn hơn 1 tháng nữa là thu hoạch nhưng hiện nay số tôm chết cứ tăng dần.
3 ha tôm sú của anh Thức còn hơn 1 tháng nữa là thu hoạch nhưng hiện nay số tôm chết cứ tăng dần.

Ông Lê Văn Đủ - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thuận cho biết, mặc dù là thị trấn nhưng phần lớn diện tích trồng lúa và nuôi tôm. Toàn thị trấn có gần 2.200 ha trồng lúa, tôm, trong vụ lúa vừa rồi có trên 895 ha bị thiệt hại. Đời sống người dân nơi đây cũng còn nhiều khó khăn và tính theo tiêu chí mới của hộ nghèo thì thị trấn còn 445 hộ nghèo. Vừa qua, Đảng ủy, UBND cũng biết bà con có lúa bị thiệt hại gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên trong công tác xác minh địa phương phải làm lại nhiều lần, hợp tổ tự quản đi đến thống nhất rồi niêm yết danh sách công khai. Do vậy, đến giờ này địa phương đã hoàn thành theo đúng chỉ đạo của huyện, chỉ chờ có tiền là hỗ trợ ngay cho bà con.

Ông Dương Tuấn Kiệt, Bí thư kiêm Trưởng khu phố Vĩnh Đông 2 (thị trấn Vĩnh Thuận) cho biết hiện địa phương dã niêm yết công khai danh sách số hộ dân có lúa bị thiệt hại nên chỉ chờ có tiền là địa phương phát ngay cho dân
Ông Dương Tuấn Kiệt, Bí thư kiêm Trưởng khu phố Vĩnh Đông 2 (thị trấn Vĩnh Thuận) cho biết hiện địa phương dã niêm yết công khai danh sách số hộ dân có lúa bị thiệt hại nên chỉ chờ có tiền là địa phương phát ngay cho dân

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Tài Mon – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Tính đến thời điểm này, toàn huyện Vĩnh Thuận bị thiệt hại do mặn là gần 11.600 ha. Hiện chúng tôi đã chốt danh sách và đã báo cáo về UBND huyện và các tổ tự quản đã niêm yết danh sách công khai các hộ có lúa bị thiệt hại theo đúng qui định. Còn việc hỗ trợ cho bà con thì địa phương đang chờ “lệnh” giải ngân của cấp trên là phân phát cho bà con ngay”.

Tiếp xúc với nhiều bà con có lúa bị thiệt hại ở huyện Vĩnh Thuận, đa phần người dân nơi đây dù rất khó khăn nhưng bà con cố gắng xoay xở để thả lại vụ tôm với hy vọng “trúng mánh” làm vốn lo cho vụ lúa kế tiếp. Tuy nhiên, người dân nơi đây rất mong các cơ quan nhà nước sớm giải quyết tiền hỗ trợ để bà con trang trải cuộc sống khó khăn trước mắt và tái sản xuất.

Nguyễn Hành - Nguyễn Trần