Quảng Ngãi:
Lũ về lại lo… “cát tặc”
(Dân trí) - Mỗi khi lũ về cũng là lúc nạn “cát tặc” hoành hành, bới móc đất cát ven bờ sông thuộc thôn Trường Xuân (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), làm sạt lở và nhấn chìm nhiều ruộng vườn, nhà cửa…
"Cát tặc" hoành hành, sông đang ngoạm dần đất sống của con người
Tham gia đội bảo vệ làm nhiệm vụ canh giữ, chống người dân lấy cát trái phép, gây sạt lở bờ sông, ông Lâm cho biết: “Nhiều lúc họ hiên ngang xúc cát và đánh lại anh em chúng tôi khi ngăn cản lấy cát nơi đây. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn việc sạt lở bờ sông, ngày càng nghiêm trọng, người dân ven sông cũng thấp thỏm, đứng ngồi không yên với nạn “cát tặc” hoành hành”.
Tại khu vực bị sạt lở, UBND huyện Sơn Tịnh giao cho hộ ông Trần Ngọc Thạch trồng cây rừng từ năm 1994 đến nay. Nhờ khu rừng keo lá tràm của ông Thạch, đã che chở, bảo vệ khu dân cư nơi đây yên tâm sinh hoạt. Đau xót trước ý thức thiếu hiểu biết của người dân, ông Thạch cho biết: “Nhận thấy khu vực này có lớp đất thịt, tôi xin chính quyền địa phương được trồng rừng, vừa có nhiệm vụ bảo vệ người dân mỗi khi lũ về, vừa là “lá phổi xanh” và góp phần tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, vào mùa lũ năm nay, người dân lại ồ ạt khai thác cát, làm sạt lở nền đất cát trồng rừng, cây rừng cũng trôi theo dòng sông. Đến nay, số diện tích đất ven sông bị mất hơn 7ha”.
Theo quan sát của PV Dân trí, mỗi ghe có từ 2 - 4 lao động, sau khi tận thu “cát vàng” giữa lũ, họ vận chuyển đến sát chân cầu Trường Xuân (thuộc bờ Nam sông Trà Khúc) để chờ đưa cát lên xe tải đã chờ sẵn.
Ông Trần Hồng Long - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh - cho biết: “Khu vực sát bờ sông thuộc thôn Trường Xuân, địa phương không cho phép bất kỳ ai khai thác cát. Thế nhưng, lợi dụng mùa nước lũ dâng cao, người dân tự ý lấy cát, làm sạt lở bờ sông và hư hại rừng keo bảo vệ khu dân cư. Từ khi xuất hiện tình trạng này, chúng tôi đã cử lực lượng bảo vệ, canh gác. Khi chúng tôi có mặt thì họ đưa ghe neo đậu giữa dòng, chờ lực lượng bảo vệ vắng mặt, họ chạy vào lấy cát. Đây là vấn nạn mà chúng tôi khó xử lý khi lực lượng mỏng, chế tài xử lý không trong thẩm quyền và nhiều cái khó kéo theo”.
Bên cạnh đó, UBND xã Tịnh Hà tiếp tục kiến nghị cấp trên hỗ trợ, phối hợp để giải quyết tình trạng khai thác cát ồ ạt, gây sạt lở vùng đất trồng rừng, tài nguyên đất dần mất đi và loài người phải gánh chịu hệ lụy từ sự vô ý thức vì đồng tiền mưu sinh.
Nghẹn ngào trước sự thiếu ý thức của chính người dân xóm ghe, ông Thạch nuốt ngược nước mắt trong lòng, tâm sự: “Không ở đâu có được khu rừng ven sông như thế này, chính nó đem lại sự bình yên cho người dân nơi đây. Đổi lại, gia đình tôi đã đổ mồ hôi và nước mắt gần 20 năm nay. Thật chua xót!”.
Vì lợi tức của đồng tiền, vô tình dân nghèo xóm ghe “triệt hạ” rừng xanh và bờ sông vững chãi. Họ không biết hay cố tình không biết, phải đánh đổi gần 20 năm mới có được khu rừng xanh che chở thôn quê ấy?
Hồng Long