1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Lũ lớn đe dọa miền Trung

Các chuyên gia khí tượng thuỷ văn cảnh báo, trong 3 tháng tới, thiên tai sẽ tiếp tục đe dọa các tỉnh miền Trung sau đợt mưa lũ làm 13 người chết và thiệt hại 200 tỷ đồng vừa qua chỉ ở riêng tỉnh Nghệ An.

Các mô hình dự báo mới nhất được tính toán bởi Viện Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho thấy, lượng mưa trong thời gian còn lại của tháng 8, và hai tháng 9, 10 có khả năng vượt chuẩn khoảng 50 đến trên 200mm tại một phần diện tích Trung Bộ.

 

Sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các đợt mưa lũ tới đây ở các tỉnh miền Trung này có thể về sớm hơn mọi năm.

 

Các địa phương miền Trung có nguy cơ đón lũ cao nhất trong thời gian tới là Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hoà. Xác suất lượng mưa vượt trung bình nhiều năm ở những nơi này được xem là rất cao, từ 66 đến trên 77%.

 

Khu vực Quảng Nam và Quảng Ngãi có thể có lượng mưa vượt chuẩn trung bình nhiều năm từ trên 200 đến 600mm. Lượng mưa vượt chuẩn này rất lớn, vì chỉ cần mưa 200mm, nhiều đường phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ngập với hệ thống thoát nước vừa được nâng cấp.

 

Theo Đài Khí tượng - Thuỷ văn Trung Bộ, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị sẽ có mưa lớn trong hai tháng 9 - 10. Dự kiến, lũ đầu mùa ở khu vực Trung Trung Bộ sẽ có từ 4 - 6 đợt. Từ tháng 9 đến cuối tháng 11, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có khả năng có lũ.

 

Trong khi đó, các sông từ Đà Nẵng- Quảng Ngãi có lũ từ tháng 9 đến đầu tháng 12. Lũ lớn tập trung vào tháng 10 - 11 và đỉnh lũ có thể cao hơn báo động cấp 3.

 

Với diễn biến mưa nhiều hơn trung bình năm như trên, các nhà khoa học đề nghị cần đề phòng các trận lũ quét, lũ ống, nhất là ở một số vùng lâu nay không có lũ.

 

Ngoài miền Trung, một số vùng khác trong 3 tháng tới cũng có lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm và vì thế, nguy cơ lũ lớn cũng cao hơn. Điển hình là vùng Tây Sơn La và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

 

Ngược với mấy vùng “thừa nước” trên, một số nơi lại có dự báo lượng mưa hụt chuẩn, ít hơn trung bình nhiều năm, và đòi hỏi có kế hoạch tích nước cho sinh hoạt cũng như tưới tiêu. Điển hình cho nhóm thiếu nước là vùng Nam Bắc Bộ, và hai tỉnh của Tây Nguyên là Đắc Nông và Lâm Đồng.

 

Kết quả dự báo nhiệt độ ba tháng 8, 9, và 10 năm nay cho thấy, trời có thể mát hơn rải rác ở một số nơi trên lãnh thổ, nhất là ở Nam Bộ. Đáng chú ý, các vùng nóng truyền thống như Tây Nghệ An, Đắc Lắc, và Khánh Hoà cũng có vẻ lạc quan bởi thời tiết không đến nỗi nóng như mọi năm cùng thời kỳ.

 

Ngược lại, miền Bắc năm nay đón mùa Thu muộn hơn hay nói cách khác, trời nóng hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Các chuyên gia dự báo nhiệt độ sẽ vượt chuẩn trên phần lớn diện tích phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra. Hai tỉnh thiếu nước là Đắc Nông và Lâm Đồng cũng không được hưởng khí hậu mát mẻ cao nguyên trong vòng 3 tháng tới.

 

Nhìn chung, nóng hơn trong 3 tháng tới là chiều hướng chính, chiếm đa phần diện tích lãnh thổ nước ta. Tình hình này phù hợp với xu thế thời tiết nóng kéo dài một cách đáng lo ngại ở nhiều nơi trên thế giới do biến đổi khí hậu. Nếu không có không khí lạnh với dự báo khoảng 4 cơn trong khoảng thời gian này, thời tiết nóng miền Bắc có lẽ còn tồi tệ hơn.

 

Do tình trạng tàn phá môi trường chưa được ngăn chặn và xét về chiều hướng, tình hình thời tiết, mưa lũ diễn biến có vẻ ngày càng bất lợi. Tiến trình lũ sông Hồng năm nay cũng phản ánh phần nào tính phức tạp của thiên nhiên.

 

Mọi năm, cao điểm mưa, lũ, bão thường bắt đầu từ rằm tháng Bảy âm lịch. Vậy mà 2 tuần qua liên tiếp có 2 trận bão trực tiếp đổ bộ vào Bắc Bộ sau 10 năm vắng bóng. Mưa lũ do 2 cơn bão trên gây ra khiến lũ sông Hồng lên báo động cấp I nhanh hơn mọi năm và rồi rút cũng nhanh hơn.

 

Nếu xâu chuỗi hiện tượng mực nước sông Hồng xuống thấp nhất trong vòng 100 năm trở lại đây, khoảng 1,58m vào ngày 7/3/2005 vừa qua, hiện tượng không có lũ tiểu mãn, mưa rào cường độ lớn kèm giông lốc, mưa đá ở đô thị cuối tháng 4 đầu tháng 5, v.v..., người ta không thể không nghĩ đến việc thiên nhiên ngày càng "đỏng đảnh".

 

Theo QD
Tiền phong