Tính đến sáng nay 10/9, khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ lụt vừa qua tại tỉnh Thanh Hóa là huyện Thọ Xuân. Theo báo cáo của địa phương, hiện tại các xã Xuân Châu, Quảng Phú đang bị chia cắt, hàng nghìn ngôi nhà vẫn chìm trong nước lũ.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại xã Quảng Phú, hàng trăm ngôi nhà vẫn đang ngập chìm trong nước lũ. Thống kê của Ban phòng chống lụt bão huyện Thọ Xuân, hiện còn hơn 600 hộ dân của xã Quảng Phú bị ngập nước, cả huyện Thọ Xuân còn 1.350 hộ với khoảng trên 6.000 nhân khẩu đang bị nước lũ cô lập và nhấn chìm tài sản, hoa màu. Nhiều tuyến giao thông bị nhấn chìm trong nước lũ.
Nhiều đoạn đê sông Cầu Chày bao quanh xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân bị vỡ làm cho nước tràn vào ngập toàn bộ 14/17 thôn trong xã.
Hàng trăm hộ dân xã Quảng Phú do bị vỡ đê nước ngập đến nay vẫn bị cô lập hoàn toàn.
Hiện hai xã Quảng Phú và Xuân Châu, huyện Thọ Xuân vẫn trong tình trạng bị cô lập, tuyến đê chắn giữa sông Cầu Chày với xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân bị tràn bờ 5km, 3 đoạn đê bị vỡ, mỗi đoạn dài tới 40m, khiến nước ngập khắp nơi.
Đến thời điểm này, hàng nghìn nhân khẩu của các xã Quảng Phú và Xuân Châu vẫn bị chia cắt và đang sinh sống trong điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, thiếu thốn. Huyện Thọ Xuân đang huy động lực lượng, phương tiện tập trung ứng cứu vùng bị lũ lụt. Toàn bộ học sinh các cấp của xã Quảng Phú chưa thể đến trường vì bị nước lũ chia cắt, cô lập.
Sau 2 ngày vỡ đê, nước lũ vẫn còn ở mức rất cao.
Tại huyện Thường Xuân, ngay sau khi lũ rút, chính quyền địa phương đã huy động gần 200 đoàn viên, thanh niên ở các cơ quan trên địa bàn huyện và đoàn viên thanh niên tại địa phương tình nguyện về xã Lương Sơn - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ vừa qua, giúp các nhà trường và người dân khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ông Lê Minh Hành, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết: “Hiện còn một số xã bị chia cắt, xe cứu trợ chưa thể đến nơi. Muốn vào các khu vực này phải đi bằng đường rừng rất lâu. Thiệt hại về người đến thời điểm này là 3, trong đó có 2 người chết, 1 người bị thương”.
Các trường mầm non, tiểu học tại các xã Tam Văn, Giao An, Giao Thiện vẫn chưa thể học trở lại được vì bị ngập nước, hư hỏng bàn ghế, đồ dùng học tập. Tại khu vực thị trấn Lang Chánh, có trên 50 cháu ở bậc học tiểu học chưa thể đến trường vì nhà cửa bị trôi hết, không có sách vở, quần áo... Hiện huyện Lang Chánh đã chỉ đạo ngành giáo dục và các cơ quan chức năng có biện pháp giúp đỡ các cháu khắc phục để nhanh chóng ổn định học tập.
Đê vỡ, nước tràn vào quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp
Tại huyện Quan Sơn, đến thời điểm này, đang tiến hành khắc phục các tuyến đường giao thông vào các xã. Toàn huyện có 3 người bị thương, 1 người mất tích từ ngày 7/9 đến nay vẫn chưa tìm thấy. Các ngành chức năng của tỉnh và huyện đang tổ chức thăm hỏi, động viên nhân dân khắc phục hậu quả và hỗ trợ bước đầu cho người dân bị ảnh hưởng.
Ông Lò Đình Múi, Chủ tịch UBND Huyện Quan Sơn cho biết: “Hiện nay, địa phương đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, bước đầu, huyện đã hỗ trợ cho các nhà bị sập, trôi mỗi trường hợp từ 1 - 2 triệu đồng, ngoài ra, các đoàn cứu trợ cũng đã đến địa phương để ủng hộ các gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ”.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 16 tuyến đường liên xã, huyện vẫn bị ngập và bị ách tắc, 34 hồ đập và 600m đê bị tràn vỡ, cần phải mất nhiều ngày tới để khắc phục hậu quả.
Chiều 8/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt cùng đoàn cán bộ của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề ở xã Lương Sơn.
Các đoàn viên thanh niên giúp đỡ người dân và các đơn vị trường học khắc phục hậu quả.
Lãnh đạo Tỉnh đoàn Thanh Hóa cùng Đoàn Trường dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn cũng đã đến thăm hỏi, động viên, tặng hơn 500 bộ quần áo cho người dân đang gặp khó khăn do mưa lũ ở xã Lương Sơn.
Trong ngày 9/9, nhiều đoàn cứu trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã về các địa phương bị ảnh hưởng bởi trận lũ vừa qua để thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang chỉ đạo các địa phương sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống và sản xuất.
Ông Vương Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - trao quà cứu trợ cho bà con xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn lũ vừa qua.
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ cho biết, theo báo cáo nhanh của các địa phương đến ngày 9/9, trên địa bàn các địa phương số người chết đã tăng lên 15 người (trong đó Thanh Hóa 8 người; Nghệ An 5 người; Hà Tĩnh 2 người). Số người bị ở các địa phương cũng lên con số 15 người (Nghệ An 7 người; Hà Tĩnh 8 người). Mưa lũ đã làm đổ, cuốn trôi 183 nhà (Thanh Hóa 100 nhà, Nghệ An 83 nhà); 9.670 nhà (Thanh Hóa 2.387 nhà, Nghệ An 5.783 nhà, Hà Tĩnh 1.500 nhà). Mưa lũ cũng làm gần 36 nghìn ha lúa và gần 15 nghìn ha hoa màu ngập úng, hư hỏng, gần 4 nghìn diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập. Tại Nghệ An và Thanh Hóa có 25 đập nhỏ bị vỡ, 36 hồ chứ đập dâng bị thiệt hại. Theo báo cáo, đê bao xã Quảng Phú, Thọ Lập và Xuân Châu huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa (thượng nguồn sông Cầu Chày): vỡ 5 đoạn với tổng chiều dài, gây ngập 400ha. Thanh Trầm |
Duy Tuyên - Thái Bá