Lòng mẹ…
Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên thịt da theo năm tháng cũng lành trở lại, nhưng những vết thương lòng của các mẹ Việt Nam Anh hùng vẫn còn nặng mang. Đa số các mẹ đều đã già yếu, sức khỏe giảm sút rất nhiều nhưng các mẹ vẫn kiên trung, vượt qua nỗi đau tinh thần để tiếp tục sống, coi đây là niềm tự hào bởi chồng, con của mẹ đã ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Tám lần tiễn chồng, con đi…
Men theo con đường làng thẳng tắp, chúng tôi tìm đến nhà mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Mau (xã Ninh Thọ, Ninh Hòa) nằm sát bên ruộng lúa đang vào độ trổ bông. Năm nay, mẹ Cao Thị Mau bước sang tuổi 81, cái tuổi xưa hay hiếm. Sức khỏe của mẹ tuy đã suy giảm phần nào, nhưng trí nhớ vẫn còn khá minh mẫn và đặc biệt tấm lòng nhân hậu của mẹ vẫn luôn hiển hiện, có sức lay động lòng người. Trong cuộc sống hôm nay, dẫu thiếu sự hiện diện của chồng và 2 người con của mẹ, nhưng trong căn phòng nhỏ bé của mẹ dường như luôn hiện hữu bóng dáng của chồng, con. Thắp nén nhang lên bàn thờ cho chồng là liệt sĩ Bùi Hữu Định và hai con là liệt sĩ Bùi Hữu Tính, Bùi Thị Qua, mẹ Mau bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về những ký ức xưa.
Mẹ Trần Thị Nhị thắp hương cho chồng và 2 con liệt sĩ.
Mẹ Mau quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Khi lên 5 tuổi, mẹ theo gia đình sơ tán vào Ninh Hòa sinh sống. Mười chín tuổi, mẹ đi làm dâu. Đám cưới nào có gì đâu, chỉ một cơi trầu làm lễ rồi nên nghĩa vợ chồng. Mẹ sinh được 7 người con (5 trai, 2 gái) và khi các con lớn lên đều lần lượt theo bố đi làm cách mạng. Bản thân mẹ cũng tham gia cách mạng, với nhiệm vụ tiếp tế lương thực nuôi bộ đội ở căn cứ cách mạng Đá Bàn. Mẹ Mau nhớ lại: “Ngày đó sao mà khỏe lắm! vừa làm ruộng, vừa đưa lương thực cho bộ đội, lại nuôi con nhỏ và còn lo chạy giặc, cứ luôn tay, luôn chân mà không biết mệt”. Trong những năm tháng làm nhiệm vụ, mẹ đã 5 lần bị địch bắt giam cầm, tra tấn. Nhưng với tấm lòng kiên trung, căm thù giặc ngoại xâm, mẹ quyết chí không khai báo nơi đóng quân của bộ đội. Vì không thể lấy được lời khai, quân địch đành phải thả mẹ về. Rồi mẹ tiếp tục làm cách mạng cho đến ngày đất nước giải phóng. Cũng trong những năm tháng khói lửa ấy, mẹ lần lượt tiễn đưa chồng và 7 người con yêu quý lên đường làm cách mạng. Lúc đó, lòng mẹ vừa thấy mừng, vừa thấy lo canh cánh. Mừng vì các con mẹ đã trưởng thành và giác ngộ được lý tưởng yêu nước; lo vì chiến trường lửa đạn hiểm nguy.
Cũng như mẹ Mau, mẹ Trần Thị Nhị (Khu tái định cư Sông Lô, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) vốn là một cô du kích địa phương kiên trung. Mẹ Nhị sinh năm 1925, trong một gia đình yêu nước ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Lúc còn nhỏ, thấy các anh, chị làm cách mạng, mẹ cũng tham gia làm giao liên, đưa thư cho cơ sở, rải truyền đơn. Lớn lên, mẹ xung phong làm vệ quốc đoàn và chăm sóc bộ đội bị thương ở khu chiến trường Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Cũng chính trong thời gian này, mẹ gặp và kết hôn với ông Nguyễn Trãi (hay Nguyễn Đăng Me). Nên nghĩa vợ chồng, mẹ lần lượt sinh hạ được 8 người con (6 trai, 2 gái). Cứ tưởng cuộc đời của mẹ ấm áp mãi cùng con nơi làng quê thanh bình. Nhưng đất nước còn chia cách, bom đạn quân thù còn reo rắc khắp mọi miền Tổ quốc. Cũng như bao bà mẹ ViệtNamlúc ấy, mẹ Nhị đã lần lượt tiễn đưa 8 người con lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Cứ mỗi lần tiễn con đi đánh giặc là lòng mẹ lại lo lắng nên ngày nào mẹ cũng thắp hương cầu khấn ông bà tổ tiên phù hộ cho chồng và các con được bình an, mạnh khỏe.
Ba lần mẹ khóc thầm lặng lẽ!
Hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại trải qua nhiều mất mát, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước như dân tộc ViệtNam. Cũng hiếm có nơi nào trên thế giới lại có nhiều bà mẹ hiến dâng những giọt máu, những người con rứt ruột sinh ra cho Tổ quốc như những bà mẹ ViệtNam. Tám lần tiễn chồng, con đi đánh giặc cứu nước thì 3 lần mẹ Cao Thị Mau khóc thầm lặng lẽ. Năm 1968, mẹ nhận được hung tin người chồng - ông Bùi Hữu Định hy sinh khi vừa hoàn thành nhiệm vụ đưa bộ đôi lên căn cứ cách mạng Đá Bàn trở về. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì cũng trong năm 1968, mẹ lại nhận được tin con trai đầu Bùi Hữu Tính đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường khi mới 17 tuổi. Chưa nguôi đau buồn thì năm 1974, cô con gái Bùi Thị Qua vừa bước sang tuổi 18 cũng nằm lại trên quê hương Khánh Hòa sau một trận đánh lớn. Đôi mắt mẹ trùng xuống, đưa tay gạt đi những giọt lệ đang lăn dài trên gò má nhăn nheo, mẹ Mau nói: “Mỗi lần nhận được tin báo chồng và con hy sinh, từng khúc ruột của mẹ quặn thắt, đau nhói. Thế nhưng, nén nỗi đau vào lòng, mẹ vẫn tiếp tục phục vụ cách mạng và nuôi những người con còn lại đến tuổi trưởng thành tiếp bước theo gương cha và các anh, chị mình lên đường tòng quân".
Mỗi lần các cháu về thăm, mẹ Cao Thị Mau lại kể chuyện về ông và các cô, bác cho các cháu nghe.
Với mẹ Trần Thị Nhị, 8 lần tiễn chồng, con lên đường tham gia cách mạng thì 3 lần lòng mẹ nhói đau vì chồng và 2 con trai đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Mẹ Nhị bồi hồi kể: “Năm 1964, mẹ tiễn người con trai thứ 3 là Nguyễn Phải theo các anh, chị lên đường đánh giặc. Vào chiến trường, nó được tham gia nhiều trận đánh lớn và thu nhiều chiến công, được cấp trên khen ngợi. Niềm vui vì chiến công của con chưa được lâu thì đến năm 1968 mẹ nhận được tin báo con trai mẹ đã hy sinh khi mới 14 tuổi…”. Kể đến đây mẹ Nhị im lặng như đang cố kìm nén một nỗi buồn, mắt mẹ nhìn vào xa xăm vô định.
Năm 1975, khi đất nước vừa hoàn toàn giải phóng, niềm vui thống nhất đang lan truyền đi khắp nơi thì cũng là lúc mẹ Nhị lại đón nhận một nỗi buồn lớn, chồng là ông Nguyễn Trãi và con trai thứ 4 là Nguyễn Mình hy sinh. Dẫu biết rằng Tổ quốc đã ghi công chồng và những người con của mẹ hy sinh vì nghĩa cả, là niềm vinh dự cho gia đình và quê hương, nhưng đây là sự mất mát lớn của mẹ.
Tỏa bóng cho đời
Cả cuộc đời mẹ Nhị, mẹ Mau sống thanh bạch, hết lòng vì nước, vì dân, sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì quý giá nhất cho hòa bình, thống nhất đất nước. Khi Tổ quốc cần, các mẹ không ngần ngại tiễn đưa chồng, con ra chiến trường làm nhiệm vụ. Giờ đây, niềm vui và tự hào lớn nhất của các mẹ là thấy được con, cháu trưởng thành, chăm ngoan, học giỏi và thường xuyên lui tới, ân cần thăm hỏi, trò chuyện cùng mẹ. Mẹ Nhị nói: “Mẹ không cần gì nhiều, ngày xưa gian khó, chiến tranh ác liệt thế mà còn sống được, giờ hoà bình là hạnh phúc lắm rồi, không phải lo gì nữa, chỉ mong sống yên bình, hạnh phúc nốt quãng thời gian cùng con, cháu là được rồi”.
Hàng năm, các cấp, các ngành đều đến thăm hỏi, động viên, an ủi sức khỏe mẹ Nhị.
Trong cuộc sống gia đình, làng xóm, các mẹ đều là những “cây cao bóng cả”, tích cực vận động con cháu đẩy mạnh sản xuất, học hành đỗ đạt, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế của địa phương. Mẹ Mau cho biết: “Các con, cháu của mẹ luôn sống lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tình làng nghĩa xóm đoàn kết, gắn bó là điều mẹ vui mừng nhất. Chính những tình cảm đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất của mẹ lúc xế chiều”. Trong gia đình, mẹ là người mẹ, người bà gương mẫu để các con, cháu noi theo. Mẹ thường xuyên giáo dục con cháu phải biết giữ gìn truyền thống gia đình, sống giản dị, đoàn kết, cần, kiệm, liêm chính, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng xã hội.
Tuổi trẻ hôm nay có thể không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát trong chiến tranh, nhưng chúng tôi luôn hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của cả một lớp người đi trước, là chiến công của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Sẽ chẳng có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh của các mẹ, các anh cho Tổ quốc. Nhắc lại những hy sinh lớn lao của các mẹ phải chăng là nhắc nhủ chúng ta - những người đang hưởng hạnh phúc trong hòa bình, đừng bao giờ quên lãng quá khứ, một quá khứ thiêng liêng và oanh liệt. Và đừng bao giờ để mẹ phải chịu thêm một nỗi đau, bởi mẹ đã viết lên bằng máu một trường thiên tiểu thuyết, một huyền thoại về người những bà mẹ ViệtNamanh hùng.
Theo Mai Đông - Văn Giang
Báo Quân đội nhân dân