1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đà Nẵng:

Long đong phận hàng rong nhảy tàu

(Dân trí) - Mặt trời đứng bóng, trên sân ga Kim Liên, quận Liên Chiểu, nhiều người tay xách, nách mang túi hàng “mắt la, mày lén” nhìn nhân viên bảo vệ. Đối với họ ngày đôi ba lần nhảy tàu kiếm sống rồi bị té ngã, thậm chí bị gãy chân là chuyện quá bình thường.

Nghe tiếng còi tàu hú, đoàn quân bán hàng rong vội vã chạy ra đứng sát bên lề đường ray chờ tàu vào. Tàu chưa dừng lại hẳn, những “phận hàng rong” đã nhanh chân bám chặt vào lan can nhảy lên tàu rồi chui qua ô cửa sổ len lỏi đến từng toa mời hành khách mua quà tặng người thân, gia đình.

Tiếng rao bán hàng vang hoà cùng tiếng tàu chạy xình xịch, phút chốc còi tàu lại hú lên liên hồi làm ầm một góc trời.

Mạng người treo chuyến tàu

Tàu chạy tới chân đèo Hải Vân thì lắc lư, uốn lượn, rồi chạy chậm hắn. Tiếng phanh nghe rờn rợn. Vào hầm Hải Vân mấy người trên nóc tàu vội cúi rạp người xuống để khỏi chạm trần. Ánh sáng trong hầm khi tối, khi sáng trông phát khiếp.

Khi tàu ra khỏi hầm, một người trong bọn nói: “Đi riết thành quen, tất cả mọi hầm dài ngắn ra sao, thấp cao gì bọn em đều rành”.

C một thanh niên mới 21 tuổi, nhưng đã có thâm niên 8 năm trong nghề nhảy tàu, tay ôm chặt túi hàng, tay thoăn thoắt nắm lấy thanh sắt gắn giữa khoảng nối toa tàu leo lên. Phía trên, nhiều người bán hàng rong thản nhiên ngồi mặc cho nóc tàu nóng như lửa đốt và không có một chỗ bám víu.

Phía dưới, một số phụ nữ đu bám vào hành lang tàu tỏ ra không có gì đáng sợ. Giữa khớp nối hai toa, nhiều người đứng ngồi, mặc cho hai toa cứ đụng vào nhau ầm ầm mỗi lần tàu phanh.

20 phút sau tàu tới ga Hải Vân (giữa đỉnh đèo). Không đợi tàu dừng hẳn, C nhảy vọt xuống đất rồi chạy tới các ô cửa toa tàu. Tay bưng cao túi hàng quá đầu, miệng liên tục mời chào khách. Những cái lắc đầu, nhưng C vẫn kiên trì rao. Phía trước, hai người phụ nữ nhỏ thó cố nhói người lên cửa sổ mời chào khách.

10 phút sau, tàu chuyển bánh, những người bán hàng rong nhanh tay đu bám vào lan can, một số nhảy lên nóc tàu, nhiều người nhảy lên ngồi phía trước đầu máy. Tới gác chắn chân đèo Hải Vân bắc, tàu chạy chậm nên nhiều người nhảy xuống, còn một số vẫn cứ bám theo tàu để vào ga Lăng Cô (TT-Huế).

C bảo: “Cứ bám theo, nếu tàu dừng thì bán được một ít là ổn. Sợ nhất là bị nhân viên đuổi xuống”.

Về chiều ga Lăng Cô không còn một chuyến tàu nào quay vào Đà Nẵng, mấy người bán hàng rong đành phải cuốc bộ ra trạm trung chuyển hầm Hải Vân để bắt xe quay lại.

“Xóm liều”

Gọi “xóm liều” vì phần đông gia đình ở xóm 2, Kim Liên, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu này đều có người tham gia đội quân bán hàng rong trên tàu.

Xóm chỉ có khoảng hơn 30 hộ, nhưng đàn ông thì vào rừng kiếm củi, làm thuê cho các ông chủ thầu xây dựng, số đàn bà, con trẻ phải bám theo tàu bán hàng để mưu sinh. Cứ thế, ngày lại qua ngày họ với tàu như hình với bóng không thể xa rời.

Đã quá lâu rồi xóm này cũng có nghề làm pháo, nhưng sau khi có lệnh của Chính phủ cấm đốt pháo thì tất cả xóm rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, số người lớn thì đi làm thuê chặt củi trên núi Hải Vân đem ra chợ bán, còn lại phần đa là nhảy tàu bán hàng rong.

Nhật trình của họ là cứ 6 giờ sáng đi mua hàng, 7h30 ra ga để kịp nhảy tàu chuyến 8h, khoảng 11h cơm trưa rồi nhảy tàu chuyến 12h. Có người chậm chân phải tới cầu Nam Ô nhảy những chuyến tàu khách không dừng lại ở ga Kim Liên. Món hàng họ bán cũng chỉ là ít mực khô, đá mỹ nghệ và ít kẹo bánh quê hương...

C tự hào kể: “Gia đình nghèo quá nên em chưa một lần được học con chữ, tuy nghề này có nguy hiểm nhưng cũng có thu nhập đồng ra đồng vào không phụ thuộc vào gia đình”. Nhà bốn anh em, bố phải đi làm ăn xa, mẹ bán quán chè nhỏ gần cạnh nhà. Thu nhập không đủ ăn nên C phải nhảy tàu kiếm sống cũng là đỡ phần gánh nặng cho gia đình.

“Đợt tết vừa rồi, em cần tiền để cho mấy đứa em đóng học phí nên cố nhảy tàu bán thêm ít hàng. Nhưng không may trong lần đó bị nhân viên bảo vệ tịch thu hàng, thậm chí còn bị đánh cho thâm mặt nữa. Tuy nhiên “nhục” nhất khi hành khách trên tàu suy nghĩ bọn em nhảy tàu để trộm đồ của khách” - C buồn rầu kể.

Chị Phương (45 tuổi), quê tận huyện Hoà Vang, nhưng phải bỏ 4 con nhỏ ở lại ông bà, một mình chị xuống đây thuê phòng trọ tham gia đội quân nhảy tàu bán hàng rong.

Chị nói: Bảy năm nhảy tàu, hai lần bị bảo vệ bắt thu hết đồ, nhiều lần nhảy tàu bị trượt chân ngã lăn dưới đất, tay chân bị xây xát phải nghỉ mất cả tuần nhưng vẫn cố sống theo nghề. Phải cố thôi, khi nào đôi chân không thể leo được nữa thì…”

Tội nhất là trường hợp anh Lê Xuân Bé (38 tuổi) một thân một mình, không nơi nương tựa. Cuộc đời anh giống như bài vọng cổ buồn, ngày thì cố bám theo tàu mưu sinh, đêm về vật vờ sân ga, hoặc mái hiên nhà dân để ngủ.

Cách đây 7 tháng, một lần “đi làm” về mệt, anh thiếp đi bên đường sắt nên bị tàu kéo, may mà bà con xóm “nhảy tàu” thương tình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Mỗi người giúp một ít và còn chia nhau cắt công vào chăm sóc anh. Giờ đây bị điếc nhưng anh vẫn phải nhảy tàu để kiếm ăn lần hồi.

Đến xóm “nhảy tàu” người dân vẫn còn nhớ như in cái chết của bà Hải 5 năm về trước. Ngày đó, trời mưa, xóm “nhảy tàu” ở nhà, chỉ có mình bà nhảy tàu đi bán. Khi tàu mới ra tới hầm đầu tiên, bà leo xuống nhoài người vào cửa sổ mời khách, nhưng không may xẩy chân bà bị tàu cán.

Chị Thực trầm ngâm: “Ai cũng biết là nguy hiểm nhưng không nhảy tàu đi bán thì biết làm gì. Chỉ mong có một cơ sở dạy nghề nhận làm việc để cho người dân xóm nhảy tàu có cái ăn, cái mặc, chứ nhảy tàu như thế này chán lắm rồi”.

Minh San

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm