Long đong phận đời người tình báo giả gái
Trong khi chờ quyết định của tổ chức thì chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, ngụy quyền Sài Gòn lao đao trước sức tiến công của quân giải phóng, cha con nhà Lộc bận việc nên cũng quên chuyện cưới xin Năm Thanh. “Chị” nhanh chóng lui về cứ hoạt động chìm chờ ngày giải phóng.
Sau chiến thắng 30/4/1975, điều đầu tiên mà Năm Thanh làm là đi tìm gặp vị bác sĩ trước kia để chích lại hoócmôn nam nhằm lấy lại vóc dáng đàn ông. 5 năm, chính là quãng thời gian người chiến sĩ tình báo Năm Thắng phải chịu đựng thân phận con gái để làm nhiệm vụ, giờ đây anh khát khao được trở lại con người của chính mình.
“Rất may là ông bác sĩ nói vẫn còn kịp, chứ chờ 1 năm nữa là coi như tui mất hết cơ hội làm thằng đàn ông trở lại rồi”, ông Năm Thắng cười lớn nhớ về những ký ức giờ đây đã lùi xa vào quá khứ.
Cái sự thật Năm Thắng chịu đựng đau khổ giả gái làm cách mạng không chỉ làm ông bác sĩ kính phục, mà người dân, chòm xóm gần xa mới biết được lý do Năm Thanh theo địch và không còn nhìn anh và mẹ anh bằng con mắt khinh bỉ như trước kia. Thế nhưng bà con lối xóm lại nghi kỵ cái chuyện “thằng Thắng sao nhìn nó bóng bóng bê bê như con gái, liệu nó có phải là đàn ông không?”.
Lời bàn tán của bà con chỉ khiến Huỳnh Văn Thắng cười nhiều hơn là buồn: “Tui là đàn ông con trai chính cống mà, với lại 5 năm làm con gái cũng khiến mình có những cử chỉ, hành động giống con gái, cộng với đó là trong suy nghĩ nhiều người, mình là con gái 5 năm nay nên giờ họ nghi ngờ cũng phải thôi, kiểu này chắc phải lấy vợ đẻ con họ mới tin quá à”.
Sau giải phóng được 4 tháng, cô thôn nữ Đỗ Thị Kình ở cùng quê cảm phục trước sự hy sinh của Năm Thắng đã đồng ý làm vợ người chiến sĩ tình báo giả gái xưa kia. Hai vợ chồng ăn ở có với nhau được 5 người con và từ đây, cuộc sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền “ghì sát đất” người đàn ông này.
Sau chiến tranh trở lại làm người dân bình thường, Huỳnh Văn Thắng không đòi hỏi bất kỳ điều gì và anh cũng không được hỗ trợ bất kỳ một chính sách nào. Phải nuôi gia đình với 5 miệng ăn, anh phải ly hương qua tận Campuchia, trở lại với nghề bán bánh bò, bánh dừa trước kia ở quê nhà kiếm sống.
Từ người chiến sĩ tình báo lập nhiều chiến công, nay lại là người bán bánh dừa không có thân phận, hỏi Năm Thắng buồn không thì anh trả lời: “Nói không buồn thì không đúng, nhưng mà Nhà nước còn khó khăn, còn lo cho nhiều người, mình còn khỏe mạnh còn lo được thì ráng mà lo thôi. Mình phải tự đi, cậy nhờ ai là không đúng với bản than, bởi mình còn sức lao động mà”.
Sau 10 năm buôn bán ở Campuchia, do tình hình bạo loạn Pôn Pốt bên nước bạn nên việc buôn bán cũng gặp khó, Năm Thắng lại trở về quê nhà ở huyện Mỏ Cày. Cái nghèo và tương lai cho các con khiến Năm Thắng trăn trở để rồi anh quyết định lên vùng kinh tế mới Trảng Bom (Đồng Nai) theo sự gợi ý của người anh thứ tư là ông Tư Hoàng - người mà sau này làm Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Dắt díu cả gia đình lên khu vực cạnh lòng hồ Trị An, Năm Thắng ngày này qua ngày nọ đi làm thuê rồi tích cóp tiền mua những mảnh đất ngập úng, trũng phèn.
“Đất ở đó địa hình xấu không ai mua nên rẻ lắm, mà cũng có rẻ như thế tôi mới đủ tiền mua được mười mấy mẫu đất mà không mất quá nhiều tiền. Có đất trong tay với nông dân tụi tui là mừng lắm rồi”, ông Năm Thắng cười khà khà lộ sự khoái chí trong cái toan tính làm giàu của người tình báo giả gái năm xưa, nay quyết thành công trên mặt trận đời thường.
Cơ duyên đưa nhóm phóng viên chúng tôi được gặp ông Năm Thắng - người chiến sĩ tình báo giả gái năm xưa, nhưng ít người biết tới là từ trang trại này. Tuy có thành tích lớn trong kháng chiến là vậy, nhưng nhiều người biết tới Năm Thắng là một ông chủ trang trại có thu nhập hơn 1 tỉ đồng mỗi năm hơn là một chiến sĩ tình báo giả gái nổi tiếng xưa kia. Từ mấy năm trở lại đây, ông Năm Thắng luôn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Đồng Nai.
“Này, để Năm nói con nghe”, chất giọng đặt trưng của người Nam Bộ phát ra từ một người đàn ông đứng tuổi tất bật đón chúng tôi vào nhà sau khi được giới thiệu. Nhìn ông, ít ai nghĩ đây là người đã sống dưới thân phận “phụ nữ” trong 5 năm dưới cái bóng của một nữ thám báo.
Dẫn chúng tôi thăm trang trại mà đưa tay chỉ đâu cũng là của Năm Thắng, chúng tôi mới giật mình về những thành quả ông đạt được ở vùng đất mới Đồng Nai, nơi mà hiện giờ nhiều người vẫn không muốn vào lập nghiệp bởi sự hoang sơ, xa khu dân cư.
Khi xưa, mảnh đất mà người ta xem là bỏ đi ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom được ông Năm Thắng ra UBND xã Bắc Sơn thuê lại 2 hécta và cùng vợ ngày qua ngày, năm qua năm nạo vét, tạo hình thành những chiếc ao nuôi cá rộng cả nghìn mét vuông. Hai vợ chồng mua cá giống về thả rồi đến vụ thu hoạch bán lấy tiền nuôi sống gia đình đông con, chỗ đất bằng thì ông dựng chuồng nuôi heo, trồng cây ăn trái…
Cứ như thế nhờ sự siêng năng, tiết kiệm, dành dụm và mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi nên chỉ một thời gian sau, từ 2 hécta rẫy đầu tiên, ông đã tích cóp mua lại, mua thêm tổng cộng được 14 hécta đất nữa. Từ thu nhập cây, quả, chăn nuôi heo mà Năm Thắng có thêm tiền để mở rộng quy mô, hiện đại hóa sản xuất. Năm 2001, Công ty Thắng Vinh của ông thành lập với mô hình khép kín theo hướng VAC, mở ra một lối đi mới rất khả quan.
Trang trại của Năm Thắng từ lâu nay luôn là kiểu mẫu của địa phương và được nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu, bởi dù khi diễn ra dịch tai xanh hay dịch cúm gia cầm thì vật nuôi của ông hoàn toàn miễn nhiễm khi những tính toán khoa học luôn được ông cập nhật ứng dụng vào sản xuất.
“Tui nuôi heo, gà vịt ở khu này là nó lợi lắm, nó ở giữa cánh đồng lại có sông suối bao quanh, cách xa khu dân cư nên dịch bệnh không bao giờ bén mảng đến chuồng trại của tui. Ngoài dựa vào yếu tố thiên nhiên, tui phải vệ sinh chuồng trại tích cực và tiêm thuốc định kỳ nữa đấy, có như thế mới yên ổn, mới đủ khả năng mà phát triển được”, ông Thắng chân chất trần tình về trang trại được mệnh danh 15 năm không mắc dịch bệnh của mình.
Trại heo hơn 1.000 con trong “trang trại vàng” của ông Năm Thắng
Hiện nay, trang trại của ông có diện tích gần 20ha, trong đó có trên 300 heo nái nằm chuồng, hơn 1.000 heo con, heo thịt và 12.000m2 mặt nước với 12 ao nuôi cá. Hằng năm cho sản lượng trên 200 tấn cá, hơn 50 tấn heo thịt, nhờ đó mà ông trở thành chủ trang trại lớn với thu nhập trên 1 tỉ đồng mỗi năm ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom.
Trong khi những thành tích thời kháng chiến chưa được ghi nhận thì trên mặt trận kinh tế, những đóng góp của Năm Thắng đang được ghi danh. Năm 2010, trang trại của ông được Hội Làm vườn Việt Nam bình chọn là “Trang trại Vàng Việt Nam” duy nhất của tỉnh Đồng Nai.
Từ một chiến sĩ tình báo giả gái, đến người đàn ông của gia đình 5 con phải chạy ăn từng bữa, rồi trở thành ông chủ nông dân là một chặng đường dài với Huỳnh Văn Thắng, chặng đường mà những giọt mồ hôi, công sức của ông dần được ghi nhận và đền đáp xứng đáng.
Là người có tấm lòng đôn hậu nên Năm Thắng không quên những tháng ngày cơ cực đã qua, ông thường xuyên đóng góp xây cầu, làm đường, hưởng ứng các phong trào giúp người nghèo mà chính quyền địa phương phát động.
Ông tâm sự: “Năm cũng từng nghèo khổ, cũng đói ăn đói mặc nên nhìn những hộ nghèo, Năm nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa, nên làm được gì cho họ trong khả năng có thể là Năm giúp liền, đặc biệt là bà con nghèo ở quê nhà Bến Tre...”. Theo con số mà UBND xã Bắc Sơn cung cấp thì mỗi năm ông Thắng đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện không dưới 100 triệu đồng.
Với ý chí và nghị lực phi thường của một con người đã can qua chất thép, đã được tôi luyện vững vàng trong chiến đấu với kẻ thù, người chiến sĩ tình báo Năm Thắng giả gái năm xưa nay đã thành công, một thành công là tất yếu với những gì ông đã cho đi…
Theo Hoàng Duy
Lao động