Chiến sĩ tình báo giả gái giỏi đến nỗi con trai Tỉnh trưởng Bến Tre nằng nặc... đòi cưới! (2)

Vào tổ chức thám báo Thiên Nga năm 1971, F5 Huỳnh Thị Thanh bắt đầu lập được những chiến công đầu tiên sau khi nhận được sự tin tưởng của các sếp lớn.

Gặp lại những người bạn đã cùng kề vai sát cánh thời giả gái làm thám báo.

Gặp lại những người bạn đã cùng kề vai sát cánh thời giả gái làm thám báo.


Lúc này ở ban nam của Mười Râu có 2 tên thám báo là Phạm Văn Hương (nhân viên tình báo Tiểu khu Mỏ Cày) và Nguyễn Văn Tư (Tư Một) thuộc tổ chức Cảnh sát đặc biệt Bến Tre. Đây là hai tên thám báo giấu mặt, đã từng chỉ điểm bắt giữ và giết hại 4 cán bộ của ta chỉ trong thời gian ngắn khiến phong trào cách mạng bị suy giảm, lòng dân hoang mang.

Nhận định phải bắt 2 tên này đền tội, F5 Năm Thanh quyết định “ve vãn” với Sáu Dung vốn một mực quý mến “chị” để xin qua nhóm thám báo nam một phen. Nhân dịp hai chị em đi uống càphê, Năm Thanh liền đề nghị: “Chị Sáu ơi, mấy ảnh bên đó giỏi quá. Chị cho tụi em qua bên trỏng làm quen học tập mấy ảnh để ban nữ mình lập công lãnh thưởng nữa chứ. Với anh Hương, anh Tư hoạt động ở đâu vậy chị? Ảnh có đẹp trai không? Em làm quen để noi gương lập công cho bên mình mới được”. Nghe lời “tỉ tê” của Năm Thanh có lý bởi lâu nay Thiên Nga Mỏ Cày chưa lập được công lớn, nên Sáu Dung liền bàn bạc với Mười Râu cho nhóm của ả sang ban nam thám báo học hỏi. Tên trung úy này dĩ nhiên là đồng ý bởi vừa muốn ban nữ lập công, y vừa muốn ve vãn những nữ thám báo xinh đẹp bên Sáu Dung, trong đó Năm Thanh đã lọt vào tầm mắt của y từ bấy lâu.

Bằng cách ăn nói có duyên cộng với nét xinh đẹp của “cô gái” tuổi 20, F5 nhanh chóng lấy được cảm tình của đám thám báo Phượng Hoàng, rồi lén xin được ảnh của Phạm Văn Hương và Tư Một, những tấm ảnh này được “chị” chuyển lập tức về cho lãnh đạo cơ sở để nắm tình hình và lên phương án tiêu diệt. Sau đó một tuần lễ, du kích ta đã phục kích và tiêu diệt được 2 tên thám báo ngay tại huyện Mỏ Cày, khiến bà con mừng vui khôn tả.

“Diệt được 2 tên ác ôn, thấy bà con vui sướng tui cũng mừng lắm vì chính mình đã trực tiếp khiến tụi nó đền tội, nhưng tui chỉ dám cười vui trong lòng bởi chỉ cần một biểu hiện lạ ra bên ngoài là bị lộ ngay” - ông Năm Thắng kể. Cái khổ của người làm tình báo là vậy, không bao giờ được sống với cảm xúc của mình, thế nhưng Năm Thanh đã chấp nhận con đường đi của mình, chấp nhận hy sinh bản thân để góp công sức vào chiến thắng chung của dân tộc.

Sau khi diệt được 2 tên thám báo mang nhiều nợ máu, “chị” tiếp tục báo về căn cứ tên phản bội chỉ điểm Ba Đằng. Người này nguyên là cán bộ du kích của ta, nhưng do không chịu được khổ cực đã đầu hàng nhóm thám báo của Mười Râu. Do từng hoạt động nhiều nên Ba Đằng nắm rất rõ đường đi lối lại của du kích cũng như các cơ sở kháng chiến, nên những lời khai, chỉ điểm điên cuồng của kẻ phản bội gây cho ta rất nhiều thiệt hại. Trước tình hình đó, Năm Thanh ngay lập tức báo cáo với lãnh đạo để thay đổi địa điểm và cung cấp thông tin về nơi trú ngụ của Ba Đằng để du kích lên kế hoạch bắt giữ. Nhờ sự kịp thời của F5 Năm Thanh mà nhiều cơ sở kháng chiến không bị ảnh hưởng. Trong 5 năm làm thám báo Thiên Nga, F5 Năm Thanh lập được nhiều chiến công xuất sắc giúp phong trào cách mạng ở Mỏ Cày nói riêng và Bến Tre nói chung nhanh tới ngày chiến thắng.

Thế nhưng làm tình báo viên cái đau nhất vẫn là sự hiểu lầm của bà con lối xóm, gia nhập đội Thiên Nga với cái giấy chứng nhận thám báo thì sự thật hiển nhiên bà con nghĩ Năm Thanh con bà Chánh theo địch, bà con xem “chị” như kẻ thù, nhưng chịu nhiều điều tiếng và nhẫn nhục nhất chính là bà Chánh - mẹ Năm Thanh. “Nhiều lúc muốn hét lên cho bà con hiểu rằng con mình đang làm cách mạng, nó phải làm thế mới lấy được tin tức, nhưng rồi tui kiềm lại được, bởi với bà con thì mình được trải lòng, nhưng bọn địch chỉ chờ có thế, thằng Thắng chắc chết mất. Chiến tranh mà, mỗi người một nhiệm vụ, sau này hòa bình thống nhất mọi người sẽ hiểu” - bà Chánh trải lòng.

Ông Đặng Tấn Phong - người nảy ra ý tưởng đưa Năm Thắng giả gái làm tình báo viên.
Ông Đặng Tấn Phong - người nảy ra ý tưởng đưa Năm Thắng giả gái làm tình báo viên.

Thật ra chuyện Năm Thanh ở trong đội thám báo Thiên Nga sẽ không bị bà con biết nếu trong một lần “chị” không đứng ra can thiệp để cứu một bà lão bị bọn lính ở Mỏ Cày bắt nạt cướp gà, cướp heo. Việc đưa tấm thẻ chứng nhận thám báo Thiên Nga ra giúp giải cứu bà lão này, nhưng chính từ đó thông tin Năm Thanh theo Mỹ truyền từ người này sang người khác và cả cái xã Định Thủy ai cũng hay tin. Nhiều du kích lên kế hoạch giết “chị”, nhưng rất may là lãnh đạo cơ sở lúc bấy giờ là ông Đặng Tấn Phong biết mà can thiệp.

“Tui nghe bà con nói tui dữ lắm, họ nói với má tui rằng bà thà sinh ra cái hột vịt lộn mang đi nấu ăn còn hơn sinh ra đứa con đi theo Mỹ, theo ngụy về hại nước hại dân như thế. Tui buồn một, má tui bả buồn mười, bả khóc suốt ngày hà, may có chú Phong tới động viên nên cũng bớt” - ông Năm Thắng nhớ lại.

Con trai tỉnh trưởng đòi cưới làm vợ

“Phận đàn bà con gái trong chế độ cũ đong đưa như ngọn đèn trước gió mấy chú à” - câu thở than của ông Năm Thắng trước những điều mà người đàn ông giả gái này phải chịu đựng trong thời gian hoạt động bí mật.

Sáu Dung, Năm Mỹ thân thiết và coi Năm Thanh như em gái và hết mực cưng chiều không vụ lợi, ông trung úy Mười Râu cũng cưng chiều và chuyện gì cũng một Năm Thanh, hai Năm Thanh. Thế nhưng cách mà Mười Râu đối xử với F5 là cách của một thằng lính thám báo hám gái muốn cưỡng đoạt thân thể phụ nữ nhờ quyền lực trong tay. Dù có vợ là Năm Mỹ nhưng y vẫn qua mặt lén lút với nhiều phụ nữ khác, tất nhiên, một “cô gái” tuổi đôi mươi xinh đẹp như Năm Thanh làm sao thoát được cặp mắt thèm thuồng của Mười Râu.

Cũng chính vì muốn gần “người đẹp” Năm Thanh nên khi Sáu Dung đề nghị với Mười Râu đưa tổ thám báo nữ Thiên Nga qua tổ thám báo nam học hỏi, Mười Râu đã không chút ngần ngại nhận lời, trong suy nghĩ của y đây là cơ hội tốt nhất để y ve vãn những đóa hồng của đội Thiên Nga, mà Năm Thanh với y có lẽ là đóa hồng tươi sắc nhất. Tận dụng những lúc vắng vẻ, Mười Râu ra sức dụ dỗ, buông lời ong bướm để tán tỉnh Năm Thanh, nhưng “chị” ra sức tránh né và từ chối. Mười Râu mời “chị” đi xem xinê, ca nhạc, càphê… để giãi bày tâm sự, nhưng Năm Thanh nhanh chóng ứng phó bằng cách mời bằng được Sáu Dung và nhất là Năm Mỹ đi theo. Đây chính là những “tấm khiên” chống lại sự háo sắc của Mười Râu, bởi dẫu hung tợn và quỷ quyệt nhưng Mười Râu đặc biệt sợ “sư tử Hà Đông” Năm Mỹ.

“Lệnh của Mười Râu là lệnh của cấp trên nên tui không thể không tuân thủ, nếu mà không khôn khéo thì tui sẽ dính bẫy và bị phát hiện ra thân thế, như vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Song, nếu không làm vừa lòng y thì việc lấy tin sẽ khó khăn, y sẽ khó chịu và mục đích ban đầu lúc vào đội thám báo sẽ không đạt được” - ông Năm Thắng kể.

Chú ý từng li từng tí là vậy, nhưng có một lần suýt nữa Năm Thanh bị lộ thân phận khi “chị” ở lại cơ quan thám báo vào buổi trưa, Mười Râu nhân cơ hội này mò vào định sàm sỡ, y đưa tay vào vùng nhạy cảm khi Năm Thanh đang nằm thiu thiu trên võng, thế nhưng rất may lúc đó “chị” bừng tỉnh giấc vùng dậy, lấy Năm Mỹ ra dọa thì Mười Râu mới tức tối bỏ đi. “Lần đó chỉ một tích tắc nữa thôi tui đã bị lộ, hắn mà phát hiện ra tui giả gái chắc không chỉ tôi mất mạng mà má tui ở nhà cũng nguy mất” - ông Năm Thắng kể lại. Công việc tình báo nguy nan là thế bởi mọi điều đều có thể xảy ra nên tình báo viên phải chuẩn bị cho tất cả các tình huống dù nhỏ nhất. Qua những lần cận kề bị phát hiện như vậy mới thấy được sự hy sinh và gan lì đến cỡ nào của những chiến sĩ tình báo như ông Năm Thắng.

Thoát “vỏ dưa” Mười Râu thì Năm Thanh lại gặp “vỏ dừa” Lộc - con trai đại tá, Tỉnh trưởng Phạm Chí Kim - kiêm Tiểu khu trưởng Kiến Hòa (Bến Tre). Lộc sau vài lần gặp Năm Thanh ở trại thám báo Thiên Nga đâm ra mê mẩn vẻ đẹp của “chị”, nên đặc phái trung úy Tư Nghệ cũng ở đội thám báo đứng ra mai mối xin làm quen. Lộc dựa vào vị thế của cha nên y lộng hành ngang dọc chẳng coi ai ra gì, thế nên chuyện Lộc để ý và muốn làm quen với Năm Thanh khiến “chị” vô cùng lo lắng. “Chị” liên tiếp lựa lời từ chối đi chơi, xem phim, càphê với Lộc, bởi dính vào tên này Năm Thanh không dễ thoát được như với Mười Râu. Hơn nữa, Lộc là kẻ quỷ quyệt và nổi tiếng lắm kế nhiều mưu nên nếu gặp y, nguy cơ bị bại lộ thân phận là rất lớn.

Sự đời lắm nỗi éo le, càng từ chối, sự tự ái và cái tôi của con trai tỉnh trưởng càng cao ngùn ngụt và hình như y đã yêu người “con gái” cứng đầu đầy bản lĩnh kia, nên nằng nặc đòi cưới cho bằng được. Chiều con trai, cha của Lộc lệnh cho Mười Râu, Sáu Dung phải sắp xếp bằng được một cuộc gặp với Năm Thanh, nếu không sẽ bãi chức hết. Trước sự tấn công của Lộc và sự can thiệp của tỉnh trưởng, F5 không có đường lùi và không còn phương án chống chọi khả thi, “chị” xin chỉ thị của cấp trên xin rút vào cứ để hoạt động, bởi đồng ý gặp Lộc, đồng ý làm người “nâng khăn sửa túi” cho Lộc là bao bí mật bấy lâu nay lộ hết...

(Còn tiếp)

Theo Hoàng Duy
Lao Động