Nghệ An:
Lợn nhựa nghĩa tình
(Dân trí) - “Nuôi lợn” không phải để có tiền chi tiêu mà là dành dụm tiền để làm từ thiện. Từ nhiều năm nay, phong trào nuôi lợn nhựa từ thiện này đã rất phát triển ở khối Hưng Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An.
Gặp người “chăn lợn giống”
Người đưa ra ý tưởng nuôi lợn nhựa từ thiện đó là bác Vũ Quang Thanh, Chi hội phó Hội Chữ thập đỏ khối Hưng Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh (Nghệ An). Năm nay đã 80 tuổi nhưng bác vẫn tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, nhân đạo của khối, xóm.
Nghĩ là làm, trong một lần Đại hội Hội Chữ thập đỏ khối năm 2006, bác bỏ tiền ra mua hàng trăm con lợn nhựa phát cho các hội viên, nói rõ mục đích, ý nghĩa của con lợn nhựa nghĩa tình này và kêu gọi mọi người thực hiện. 85 con lợn nhựa được phát cho các hội viên, trên mỗi con bác ghi nắn nót hai câu thơ: “Mỗi ngày làm một việc thiện giấc ngủ sẽ bình yên/Một đời làm việc thiện thanh thản về cõi tiên”.
Riêng bản thân bác, hàng ngày không quên bỏ vào con lợn nhựa 2.000 đồng, hôm nào nhận lương, hay có “lộc” của con cháu thì bỏ 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng… Còn vợ bác sau mỗi lần đi chợ về, có sẵn tiền lẻ là nhớ ngay đến con lợn nhựa từ thiện để trên cái bàn.
“Những đồng tiền lẻ như 500, 1,000 đồng… chẳng thấm vào đâu, chẳng thể làm được việc gì. Nhưng “tích tiểu thành đại”, mỗi ngày 500 đồng, thì mỗi tháng sẽ có 15.000 đồng và một năm có 180.000. Với 85 con lợn nhựa, cũng góp lại được tiền triệu. Đối với người nghèo khoản tiền đó lớn lắm”, bác Nguyễn Thị Thanh Tâm, vợ bác Thanh, cho biết thêm.
Lợn nhựa sinh tiền triệu
Sau 2 năm phát động phong trào, 85 con lợn nhựa đã “đẻ” ra số tiền 16 triệu đồng. Một số tiền không nhỏ đối với quỹ Hội Chữ thập đỏ cấp khối. Hôm “mổ lợn”, nhiều người không khỏi bất ngờ vì con “nhỏ” nhất cũng đến 100.000 đồng, nhiều thì vài ba trăm. Số tiền đó Hội giao cho các hội viên tự quản lý, khi có đối tượng cần giúp đỡ, ủng hộ thì mang lợn đến khối mổ và góp tiền.
Không thể nào nói hết niềm vui của những người gắn bó với phong trào nuôi “lợn nhựa nghĩa tình”. Vì phong trào không chỉ vận động quyên góp có hiệu quả nguồn quỹ hội mà hơn hết là đã tạo được niềm tin trong nhân dân, khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
“Ở các gia đình việc “nuôi lợn” không chỉ thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh mà còn có sự đóng góp tích cực của các cháu học sinh. Các cháu giành tiền ăn sáng, tiền thưởng điểm 10, tiền làm kế hoạch nhỏ… bỏ vào lợn để giúp đỡ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, bác Thanh cho biết.
Từ những con lợn nhựa nghĩa tình này, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khối, trong phường nhận được sự hỗ trợ về vốn, nhận được tấm chăn ấm, hộp bánh, gói quà… mà trong đó chất chứa bao nhiêu tình cảm về sự tương thân tương ái, giúp đỡ, sẻ chia.
Ông Lê Xuân Trị, người nhận được sự hỗ trợ của khối từ phong trào nuôi lợn nhựa từ thiện cảm động: “Số tiền tui nhận được từ sự hỗ trợ của khối không phải là nhiều, nhưng chính sự chia sẻ, giúp đỡ, cảm thông của bà con lối xóm sẽ là động lực để tôi vươn lên. Dù khó khăn, vất vả đến đâu thì tôi vẫn còn có sự chia sẻ của mọi người…”
Số quỹ này không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong phạm vi khối, xóm mà Hội còn dùng để giúp đỡ đồng bào các huyện miền núi, các địa phương khác trong nước và cả những quốc gia gặp thiên tai, bão lũ…
Nhờ việc làm ý nghĩa trên, nhiều năm liên tục, Chi Hội Chữ thập đỏ khối Hưng Phúc luôn dẫn đầu về các hoạt động từ thiện nhân đạo; liên tục được thành hội, tỉnh Hội tặng giấy khen, bằng khen.
Phúc Thanh - Nguyễn Duy