Lời kể của một nữ sinh thoát khỏi ổ buôn người
“Đêm thứ nhất hết sức hãi hùng khi lần lượt năm cô gái người Việt đã bị lừa bán như tôi nay trở thành những cô chủ buôn người đến “làm việc” với tôi…” - Một nữ trí thức trẻ tại Hà Nội kể lại những ngày kinh hoàng của mình như một lời cảnh báo cho những cô gái cả tin.
...Khi đang học năm thứ 2 đại học, những ngày rỗi học tôi thường ra đọc sách tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Sau mỗi buổi đọc tôi rất thích đi dạo quanh hồ Gươm để suy ngẫm những gì từng làm tôi để tâm trên mỗi trang sách.
Một chiều yên tĩnh, đang ngồi trên ghế đá tôi thấy một người phụ nữ tầm ngoài 50 tuổi nói giọng Hà Nội rất ngọt ngào nhưng ăn mặc đậm nét thôn quê. Chân chị đi đôi dép cao su. Ngực chị đeo một vòng tràng hạt màu nâu. Chị gánh một gánh hàng rong đi bán dạo quanh hồ. Như “đọc” được suy nghĩ của tôi về nỗi vất vả của người phụ nữ ở quê ra Hà Nội kiếm sống, chị gợi những mẩu chuyện mưu sinh đầy gian khổ mà chị đã trải qua rồi lại quẩy gánh hàng đi.
Lần thứ hai cũng tại chiếc ghế đá yên tĩnh ấy tôi lại gặp chị nhưng lần này câu chuyện thân thiết hơn với những lời hỏi han sức khỏe chân tình. Chị khuyên tôi cách ăn học làm sao để người không gầy gò khiến tôi cảm thấy mủi lòng và nghĩ trên đời này hiếm có một người phụ nữ nào tốt bụng như chị bán hàng rong.
Lần ba, chị cảm động kể về gia cảnh tang thương của chị khi chồng mất, một mình chị phải lặn lội nuôi một đàn con thơ, trong đó có người con trai duy nhất bị khuyết tật nằm một chỗ. Tình thương người trỗi dậy và tôi không ngần ngại rút chiếc nhẫn vàng tây trao cho chị ấy với mong muốn giúp một phần nhỏ để chị lo thuốc thang cho đứa con tật nguyền. Đó là chiếc nhẫn mẹ cho ngày tôi rời làng vào khoa văn Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn Hà Nội.
Đã trở thành thân quen, chị rủ tôi về nhà chị chơi. Tôi đã tận mắt nhìn thấy người con trai khuyết tật đúng như chị kể. Đường vào nhà phải đi vòng vèo qua nhiều ngõ ngách phố xá tối tăm khiến tôi không nhớ nổi. Một hôm chị bảo bán hàng rong không đủ sống nên phải chuyển nghề buôn bán hàng biên giới. Chị muốn nhờ tôi đi cùng “người cháu họ” lên cửa khẩu Lạng Sơn lấy hàng về giúp. Tôi vui vẻ nhận lời vì giúp được người nghèo dù việc nhỏ tôi cũng cảm thấy vui vui, vả lại tôi rất thích di du lịch để khám phá những điều mới mẻ, may ra viết được một cái gì đó mà mình mong ước khi đang là sinh viên. Chiều hôm sau khi sắp lên tới cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, “người cháu họ” bảo hàng buôn mà đi qua cửa khẩu xem như không có lãi nên phải vượt biên bằng đường tắt. Và tôi gật đầu.
Mịt tối hai người lần qua khỏi biên giới rồi tìm vào một ngôi nhà nhỏ mà chủ nhà là một cô gái người Việt. Tôi nghe người ta thầm thì chuyện hàng hóa gì đấy rồi lúc sau không thấy “người cháu họ” đâu nữa. Linh tính báo điềm không hay. Tôi sực nhớ một bạn gái tên H. bỗng dưng bị mất tích ngay bên hồ Gươm. Hôm đó H. cũng đang ngồi đọc sách trên ghế đá.
Sau khi “người cháu họ” đi, cô chủ người Việt giới thiệu mình là người Hà Tây, tên K.. K. nói: “Chị cũng bị họ lừa đem sang đây bán. Bây giờ rất nhiều cô gái như em sa bẫy bọn chúng. Thôi đành chấp nhận số kiếp này vậy”. Mới nghe vậy tôi hoảng hốt lao ra khỏi nhà nhưng K. đã ngăn lại. Qua câu chuyện K. kể tôi mới biết “chị” bán hàng rong chính là “mẹ mìn” đã lừa tôi như đã lừa K..
Đêm thứ nhất hết sức hãi hùng khi lần lượt năm cô gái người Việt đã bị lừa bán như tôi nay trở thành những cô chủ buôn người đến “làm việc” với tôi. Họ khẩn trương đưa tôi lên taxi đến địa điểm giao “hàng”, nghĩa là sẽ bán tôi cho mối khác ngay trong đêm thứ nhất khi nạn nhân vừa đặt chân tới biên giới. Tôi hốt hoảng nghĩ cô bé học sinh giỏi văn của tỉnh Nghệ An từ lớp 5, từng đạt nhiều danh hiệu, trong đó có danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ” rồi trở thành sinh viên Hà Nội sao lại bị chôn chết một cách nhục nhã nơi xứ người xa lạ kiểu này. Tôi cương quyết cự tuyệt miếng cơm đầu tiên mà các cô chủ hết sức dỗ dành tại địa điểm chuẩn bị “bàn giao hàng”.
Ngay tức khắc bọn họ hăm dọa: “Nếu em không thích nghe thì hãy trương mắt mà nhìn”. Vừa dứt lời họ lôi một cô gái Việt “đã lỡ mua nhưng không bán được vì hình thức không đạt chuẩn” ra, lột quần áo của cô và vặt hết… chỗ kín, bật lửa đốt. Họ vênh váo, giễu: “Em chịu nổi không. Xinh đẹp như em bán mấy họ cũng mua. Gật đầu đi cho đẹp chợ”. Tôi lắc đầu và trừng mắt nhìn lại bọn họ. Bốp! Bốp! Mắt tôi hoa lên bởi những cái tát như mưa của nhiều bàn tay cùng lúc vào mặt cho đến khi tôi ngất lịm. Lúc tỉnh dậy trời đã mờ sáng.
Đêm thứ hai biết khó có thể cự lại nhưng tôi nghĩ mình không thể như cô gái xấu số kia vì mình là sinh viên phải có nghị lực và mưu mẹo lừa lại bọn nó. Đêm, bọn họ lại mời khách khác đến tiếp tục gạ bán. Khách mua cũng là người Việt. Lúc ấy miệng tôi bị họ tát đến nỗi méo lệch một bên. Tôi nghĩ “méo càng hay vì mình đã xấu xí đi nhiều nên chắc bọn họ sẽ khó bán”. Để khắc họa thêm sự xấu xí, khi có khách đến xem mặt, tôi chào họ bằng ánh mắt ngây dại như người bị tâm thần. Khách hỏi:
- Học lớp mấy rồi?
- Tôi là sinh viên. Bị lừa sang đây nhưng tôi không phải là loại “hàng” cho các người mua bán. Nếu các người có một hành động dã man nào tôi sẽ tìm cách tố cáo. Nhà tôi không ít người làm công an. Nếu họ biết chuyện buôn bán thân xác phụ nữ kiểu này thì các người không thể yên đâu!
Nghe vậy khách lắc đầu ra về. Mụ chủ béo nục nịch đang tức giận thì có điện thoại gọi. Lợi dụng mụ đang nghe máy tôi cắm dây điện vào ổ rồi gí vào người mụ nhưng không thành do dây điện quá ngắn. Tức tối, mụ chủ bắt nhốt tôi. Còn tôi thì hận mình vì việc không thành. Đêm đó chính cô gái xấu số đã bò đến chỗ tôi nằm giúp tôi tháo chạy. Thế là tôi chạy như một mũi tên ai đó vừa bắn khỏi cánh cung. Ra đường gặp bất kỳ ai tôi cũng quì xuống van xin nhưng không ai hiểu tôi muốn nói gì vì bất đồng ngôn ngữ nên họ cứ mặc nhiên đi qua. Thế là tôi bị bọn buôn người bắt lại.
Đêm thứ ba trong khi đang thất vọng tôi sực nhớ số điện thoại của người thân ở Hà Nội và nhờ “cô gái xấu số” giúp đỡ tìm cách điện về. Từ người thân này bố mẹ tôi mới biết chuyện kinh hoàng này và lên cửa khẩu Lạng Sơn tìm tôi.
Thế rồi những người thân có thể giải vây cho tôi ngày càng nhiều. Họ lập phương án buộc những tay anh chị trong giới xã hội đen bên kia biên giới không được bán tôi. Bí thế, đường dây “mẹ mìn” ra điều kiện gia đình tôi phải cử một đại diện mang tiền sang chuộc. Người đại diện là anh rể của tôi đã đi theo những tay “trùm” sang nạp tiền chuộc.
Ngay khi bước chân về qua cửa khẩu Lạng Sơn tôi thấy cả gia đình mình “ngạc nhiên” bởi họ nghĩ rằng tôi sẽ khóc lóc, suy sụp; nhưng không, họ chỉ thấy tôi nở miệng cười. Tôi cười vì nghĩ rằng mình là kẻ hiếm hoi đã nguyên vẹn trở về từ hang ổ ghê tởm của lũ buôn người xuyên biên giới.
Hà Nội, ngày 13/9/2005
Theo Tuổi trẻ