Lợi dụng kẽ hở, người Trung Quốc sở hữu đất tại Đà Nẵng
(Dân trí) - Sáng 26/7, Đoàn công tác liên ngành do Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì đã có buổi làm việc với Đà Nẵng về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trong tâm 6 tháng cuối năm của thành phố.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Đà Nẵng cho biết, liên quan đến việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, điều 46 Nghị định 118 quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Về vấn đề này, thực tế thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đã vận dụng kẽ hở tại điểm b, khoản 3, điều 9 nghị định 139/2007/NĐ-CP, nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ và quyết định số 88/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng (đặc biệt các nhà đầu tư Trung Quốc).
Do đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội bổ sung Luật đầu tư nội dung: “Đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”.
Liên quan đến chuyển nhượng vốn, dự án và chấm dứt hoạt động của công ty mẹ ở nước ngoài, ông Sơn - cho biết thời gian qua, việc chuyển nhượng dự án FDI từ nước ngoài diễn ra ồ ạt trên phạm vi cả nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng.
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty mẹ ở nước ngoài, sau đó thành lập công ty con tại TP Đà Nẵng để thực hiện dự án, nhất là các dự án lĩnh vực bất động sản du lịch. Sau đó, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác. Đáng chú ý là việc chuyển nhượng dự án được nhà đầu tư nước ngoài thực hiện ở nước ngoài thông qua việc thay đổi chủ sở hữu công ty mẹ ở nước ngoài mà không làm thay đổi pháp nhân công ty con tại TP Đà Nẵng.
Trong một số trường hợp, công ty mẹ ở nước ngoài chỉ có thời gian hoạt động ngắn, thậm chí là 1 năm (luật nước ngoài cho phép) nhưng tại Việt Nam nhà đầu tư đã đề nghị và được cấp thời gian hoạt động của dự án lên đến 50 năm
“Nếu công ty mẹ tại nước ngoài chấm dứt hoạt động thì đối với dự án đã được thành lập tại Việt Nam sẽ được xử lý như thế nào?”, ông Sơn đặt câu hỏi.
Ông Sơn đề nghị cơ quan Trung ương ban hành văn bản quy định cụ thể nội dung nêu trên.
Khánh Hồng