Lốc xoáy làm sập tường và tốc mái 60 ngôi nhà trong bản.
Nằm ở vùng đồi núi cao và khá kín gió, chưa bao giờ bị lốc đe dọa nhưng thật bất ngờ, cơn lốc trong vòng gần 20 phút đã làm 60 hộ/ tổng số 83 hộ dân của bản Hạ Long bị tốc mái, tường sập.
Theo thống kê ban đầu, có 5 nhà sập hoàn toàn, 15 nhà sập gần hết và 40 nhà bay mái và đòn tay. Cụ ông Trần Ngọc Me, 80 tuổi, 50 năm tuổi Đảng có nhà bị sập bất ngờ, không kịp chạy ra bị phần mái đè xuống người và chấn thương đầu nặng. Trong lúc đưa lên bệnh viện huyện Phong Điền vì vết thương quá nặng nên ông Me đã trút hơi thở cuối cùng.
Tại trường Tiểu học Tân Mỹ và trường Mầm non Phong Mỹ thuộc bản Hạ Long cũng bị tốc mái nặng, phần ngói rơi xuống lớp trong giờ học làm cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngoan và 3 học sinh bị chấn thương vùng đầu nặng. Hiện, cả 4 người đang được điều trị tại bệnh xá xã phong Mỹ và bệnh viện huyện.
Cấp cứu những người bị thương.
Sau cơn lốc đi qua xã này nửa tiếng, cán bộ xã Phong Mỹ đã tìm cách tiếp cận đường vào bản nhưng rất khó khăn vì mưa to, nước nguồn chảy xiết, ngập quá cầu Đầu Cột nối đường về bản Hạ Long. Chỉ có duy nhất một chiếc ghe vận chuyển cán bộ và những đồ dùng thiết yếu vào bản.
Mãi đến chiều tối, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường. Ngồi trên chiếc ghe chòng chành xoay mòng trong dòng nước lũ, sau gần nửa tiếng đã vào được bến. Lội bộ gần 3 km qua những cung đường nhảo nhoẹt bùn đất, chúng tôi đã chứng kiến một khung cảnh tan hoang với cây đổ, nhà sập. Nhiều dân do không còn chỗ ở đã ra đứng bên đường đội mưa chờ cứu giúp..
Tại nhà bà Trần Thị Chiên, dân tộc Pa Hy, mái đã bay gần hết, toàn bộ vật dụng, máy móc, lúa đã ướt hết. Ngồi co ro, bà khóc nói "Chừ không còn chi hết chú ơi. Làm cả đời bị một trận lốc nhà tan hoang hết. Đói lắm, chưa có đồ gì ăn".
Gió lốc thổi bay gần hết mái tôn của nhiều ngôi nhà trong bản.
Gần đó, nhà cụ bà Hồ Thị Đào cũng bị thổi bay toàn bộ phần mái tôn, duy chỉ còn 1 phòng ướt nhưng còn mái làm nơi tránh mưa. Bà Đào vẫn còn hoảng loạn nói: "Tự nhiên thấy gió mạnh, rồi tiếng tường sập, tôn bay và nhiều tiếng la hét, tôi vội kịp chạy ra khỏi nhà thì hàng loạt giàn giáo rơi xuống. Sém chút nữa, tôi đã không còn sống nữa".
Có mặt tại bản Hạ Long có ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch huyện Phong Điền và bà Nguyễn Thị Xuân, Bí thư xã Phong Mỹ cùng hàng chục cán bộ khác đang giúp dân dựng tạm những dàn giáo trên có bạt để bà con đỡ mưa lạnh. Một số dân đã được di dời qua trú tại nhà dân không bị lốc trú tạm qua đêm.
Bà Nguyễn Thị Xuân cho hay, hiện toàn bộ cây cối tại bản bị san bằng gồm keo và một ít cao su, hệ thống điện tắt hết, nước máy cũng ngưng không hoạt động, chưa thể thống kê hết con số thiệt hại.
Con đường tiếp cận vào bản hiện rất khó khăn do nước đang dâng lên cao. Ngay trong đêm, Thượng tá Nguyễn Hữu Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền đã điều 1 xe tải, 1 ca nô gồm 18 chiến sĩ và 1 trung đội cơ động chở hàng cứu trợ gồm 1.000 gói mỳ tôm, một ít nước sạch, nến và bạt vượt dòng nước lũ qua cứu trợ cho bà con.
Lực lượng cứu trợ của huyện kịp thời tiếp tế lương thực cho người dân.
Bên cạnh đó, chiếc ghe nhỏ do 3 nông dân Ngô Khiêm (thôn Đông Thái), Võ Ngang (thôn Đông Thái) và Nguyễn Khoa Thỉ (thôn Lưu Hiền Hòa) đã chèo hàng trăm chuyến chở dân bị thương ra ngoài và nhu yếu phẩm vào bản cho bà con.
Chưa ai ăn gì nhưng tất cả đều cùng một quyết tâm "Giúp dân trên hết, chúng tôi rã rời hết cả người nhưng hết sức cố gắng vì dân bản đang bị cô lập đang cần sự giúp đỡ".
Theo ông Nguyễn Văn Cho trong tối qua, toàn bộ cán bộ đã ở lại xã giúp dân. Sáng nay (16/10), tỉnh sẽ chuyển hàng tiếp tục gồm 100 thùng mỳ tôm, nước sạch cùng các nhu yếu phẩm khác để bước đầu cứu đói cho dân bản.
Nước lũ đang lên nhanh Một đường trong TP Huế bị ngập úng cục bộ do mưa Các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lên nhanh, dự báo một trận lũ lớn sắp xảy ra. Các phương án chống lũ đang được người dân, chính quyền chuẩn bị rốt ráo. Lượng mưa 24 giờ qua phổ biến từ 100 - 250mm. Tại sông Ô Lâu (huyện Phong Điền), nước đã vượt quá báo động 2 là 0,51m. Sông Thượng Nhật (Nam Đông) nước rất lớn. Sông Hương tại Kim Long đang ghi nhận nước lũ lên từng giờ. Theo ghi nhận của PV, trên những con đường dẫn về xã Phong Sơn (huyện Phong Điền), nước đã tràn qua đường. Tại các vùng thấp trũng ở Bao Vinh (huyện Quảng Điền) đã có nhiều khu nhà ven sông bị ngập. Nước sông đã mấp mé chuẩn bị tràn vào nhà người dân. Hiện các địa điểm sạt lở ven sông, vùng thấp trũng đã lên phương án ứng phó với lụt. Hàng chục ngàn ngôi nhà đã di dời lên chỗ cao. Thuyền bè đã có lệnh vào bờ khẩn cấp. Tại 9 huyện, thị xã và TP Huế đã dự trữ 246 tấn gạo, 154 tấn mỳ tôm và dầu hỏa, xăng, muối. UBND tỉnh này cũng dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ tôm đề phòng lũ kéo dài sẽ cứu trợ về cơ sở. BCH PCLB và TKCN tỉnh đã phân bổ 2.000 phao áo cứu sinh, 1.500 phao tròn, 15 nhà bạt và 15 phao bè loại nhẹ cho các huyện, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng BCH PCLB & TKCN tỉnh cho biết, các cán bộ trung tâm trực ban 24/24h theo dõi những tin tức mới nhất. |
Đại Dương