1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Loạn xét nghiệm máu khi nội soi tiêu hóa (kỳ 1): Nơi yêu cầu, chỗ bỏ qua

Thế Hưng

(Dân trí) - Khi đến nội soi tiêu hóa để phát hiện sớm ung thư, không ít người bệnh bị một số cơ sở khám bệnh ở Hà Nội "dọa" phải xét nghiệm máu trước khi nội soi, nếu không có thể lây nhiễm HIV, viêm gan B.

Hoang mang vì nội soi tiêu hóa lây nhiễm HIV?

Theo phản ánh của nhiều bạn đọc về việc, khi họ đến một số cơ sở khám chữa bệnh để nội soi tiêu hóa nhằm kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm bệnh của mình, nhưng các cơ sở này lại yêu cầu họ phải xét nghiệm máu trước khi nội soi nếu không có thể lây nhiễm HIV, viêm gan B.

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Dân trí, đã trực tiếp đi ghi nhận tại một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội.

Trong vai một người có nhu cầu đưa người nhà đi nội soi tiêu hóa, phóng viên đến cơ sở khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, có địa chỉ tại Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Theo giới thiệu trên website của bệnh viện, đơn vị này không ngừng đón đầu kỹ thuật y khoa mới nhất, phần lớn trang thiết bị đều được nhập khẩu hoàn toàn từ Châu Âu, Mỹ. Tổng mức đầu tư các công nghệ lên tới chục triệu USD.

Tại bàn tư vấn, phóng viên được hai nhân viên nữ mặc áo choàng trắng liên tục thông tin về các gói nội soi tiêu hóa, khám tổng quát với mức giảm giá ưu đãi. Theo đó, gói nội soi tiêu hóa có gây mê bao gồm nội soi dạ dày, đại tràng, test (kiểm tra) vi khuẩn HP khoảng 4,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, gói này chưa bao gồm chi phí xét nghiệm máu. Một nhân viên nữ yêu cầu người bệnh phải thực hiện tổng phân tích tế bào máu hoặc 3 chỉ số đông máu cơ bản.

Loạn xét nghiệm máu khi nội soi tiêu hóa: Không xét nghiệm dễ lây nhiễm HIV?

"Đây là yêu cầu bắt buộc vì nếu bệnh nhân bị viêm gan B, HIV thì cùng một bộ dụng cụ đó chúng em có tiệt trùng đến mấy cũng không đảm bảo, có thể bị lây bất kỳ lúc nào. Cái này là để đảm bảo an toàn cho người bệnh thôi", nữ nhân viên nói.

Ghi nhận của phóng viên, mỗi cơ sở khám chữa bệnh lại thực hiện nội soi tiêu hóa một kiểu. Đa phần các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân ở Hà Nội đều yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm chỉ số đông cầm máu cơ bản trước khi nội soi tiêu hóa, chỉ có 2 cơ sở không yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm máu.

Theo giải thích của đội ngũ tư vấn tại các cơ sở khám chữa bệnh về việc bệnh nhân phải xét nghiệm máu là do trong quá trình nội soi có cắt polyp dẫn tới chảy máu thì cần phải biết được tình trạng bệnh nhân có bị máu không đông hay không. Ngoài ra, một bệnh viện còn "dọa" người bệnh rằng, nội soi tiêu hóa có thể lây nhiễm HIV, viêm gan B, C do dụng cụ nội soi không thể làm sạch hoàn toàn (?),

Khi thắc mắc về việc, khách hàng gọi điện đến bệnh viện để hỏi trước khi đến nội soi tiêu hóa có gây mê, nhân viên tư vấn nói rằng, không cần xét nghiệm máu, sao khi đến đây lại yêu cầu xét nghiệm?. Thấy vậy, nhân viên bệnh viện cho rằng: "Nhân viên bán hàng không có chuyên môn, họ chỉ biết về gói khám".

Bệnh viện sẽ có riêng một gói tầm soát ung thư riêng về đường tiêu hóa. Gói này đã bao gồm các bước trên kèm theo phân tích tế bào máu, xét nghiệm 3 chỉ số đông máu cơ bản, tầm soát ung thư tiêu hóa đại tràng qua đường máu, tầm soát ung thư dạ dày.

Nội soi tiêu hóa cắt polyp không xét nghiệm máu?

Để có cái nhìn khách quan, phóng viên đến Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có địa chỉ tại số 9 phố Viên (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để nghe tư vấn về nội soi tiêu hóa.

Loạn xét nghiệm máu khi nội soi tiêu hóa (kỳ 1): Nơi yêu cầu, chỗ bỏ qua - 1

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông địa chỉ số 9 phố Viên, Bắc Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Thế Hưng).

Khi đến bệnh viện Đa khoa Phương Đông, phóng viên đã yêu cầu được bác sĩ khám để đảm bảo hơn về chuyên môn. Tại đây, vị bác sĩ N.T.M.H. tư vấn về nội soi gây mê gồm các bước: điện tim, nội soi dạ dày, đại tràng gây mê, đồng thời cho biết "Các xét nghiệm máu là không kiểm tra".

Theo vị bác sĩ H., việc xét nghiệm cơ bản siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu là tùy nhu cầu của khách hàng và không bắt buộc trong nội soi, mà chỉ có điện tim là bắt buộc. Kể cả trường hợp bệnh nhân có polyp, bệnh nhân cũng không cần xét nghiệm máu.

Qua 2 cơ sở khám chữa bệnh, thấy mỗi bệnh viện lại thực hiện nội soi tiêu hóa một kiểu khác nhau, khiến phóng viên cũng như không ít người bệnh khác cảm thấy bất an.

Để tìm hiểu rõ ràng về quy trình nội soi tiêu hóa có gây mê và cắt polyp, phóng viên tiếp tục tới Phòng khám đa khoa TOMEC tại địa chỉ 38 Lê Văn Hưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bởi theo quảng cáo của phòng khám này, nội soi tiêu hóa chính là 1 trong 4 thế mạnh của họ.

Loạn xét nghiệm máu khi nội soi tiêu hóa (kỳ 1): Nơi yêu cầu, chỗ bỏ qua - 2

Phòng khám đa khoa TOMEC 38 Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh: Thế Hưng).

Vào khu vực tư vấn, phóng viên được một nữ bác sĩ trẻ tuổi tiếp đón nhiệt tình. Khi biết người bệnh đến để thực hiện nội soi tiêu hóa, nữ bác sĩ chỉ hỏi có triệu chứng gì bất thường hay không? Khi thấy bệnh nhân thông báo sức khỏe bình thường thì được bác sĩ thông báo chi phí nội soi là 2.900.000 đồng.

Chi phí này bao gồm: Khám bệnh, Nội soi, Điện tim, Gây mê, test HP. Chi phí phát sinh là cắt Polyp nếu có và người bệnh không cần xét nghiệm máu.

Sau khi thanh toán tiền, nhân viên phòng khám đưa người bệnh lên khu vực làm nội soi tiêu hóa. Tại đây, một nữ nhân viên tên N.T.P. của Phòng khám đa khoa TOMEC đã đề nghị người bệnh tự viết giấy cam kết tự nguyện làm nội soi tiêu hóa có gây mê. 

Đồng thời, nữ nhân viên tên P. hỏi thêm người bệnh: "Trong quá trình nội soi phát hiện Polyp bạn có muốn cắt hay không? Vì trong quá trình gây mê bạn ngủ rồi, trước khi nội soi mình sẽ hỏi trước vì đó là chi phí phát sinh.

Ngoài phí cắt ra còn tùy thuộc vào kích thước của Polyp chi phí phát sinh dao động từ 700.000-1.500.000 đồng. Trường hợp Polyp cần phải kẹp để đảm bảo an toàn chống chảy máu thì phải thêm tiền".

Loạn xét nghiệm máu khi nội soi tiêu hóa (kỳ 1): Nơi yêu cầu, chỗ bỏ qua - 3

Người bệnh đi nội soi tiêu hóa viết cam kết cắt Polyp những không được xét nghiệm máu để đảm bảo an toàn (Ảnh: Thế Hưng).

Viết giấy cam kết xong, người bệnh được đưa vào nội soi mà không thực hiện thêm bất kỳ xét nghiệm máu nào.

Trước sự việc nội soi tiêu hóa nơi yêu cầu xét nghiệm máu, nơi không, cũng như việc có thể dẫn tới nguy hiểm khi cắt polyp hoặc lây bệnh truyền nhiễm khi nội soi, phóng viên đã liên hệ với các chuyên gia để tìm hiểu xem việc cắt giảm như trên có phải là chiêu trò để cạnh tranh về giá của các bệnh viện?

Hiện nay, nội soi dạ dày (nội soi tiêu hóa) là thủ thuật đưa ống nội soi mềm vào trong đường tiêu hóa, tiến hành thăm khám trực tiếp niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng để kiểm tra tình trạng, phát hiện những tổn thương và tiến hành điều trị.

Nội soi dạ dày được chỉ định thực hiện với các mục đích: Phát hiện và điều trị các bệnh dạ dày, tiêu hóa: loét dạ dày, trào ngược dạ dày, đau thượng vị dạ dày, xuất huyết dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản... Lấy các dị vật trong đường tiêu hóa, chẩn đoán, phát hiện vi khuẩn H.Pylori (Helicobacter Pylori) trong dạ dày. Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày. Tầm soát và điều trị các bệnh ung thư và tiền ung thư dạ dày, đại trực tràng...

Người bệnh cần tiến hành nội soi dạ dày khi thấy các triệu chứng bất ổn về đường tiêu hóa như: Đau ở vùng xương ức, vị trí thượng vị dạ dày; Thường xuyên ợ chua, ợ hơi; Có cảm giác bị trào ngược; Chán ăn, chậm tiêu, đầy hơi; Buồn nôn hoặc nôn, nôn ra máu... Ngoài ra, người bệnh có nhu cầu khám sức khỏe cũng thường làm nội soi tiêu hóa để phát hiện bệnh sớm bệnh ung thư.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm