1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Loạn thuốc Đông y

Bên cạnh câu hỏi về chất lượng công tác quản lý hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân, dư luận còn đặt câu hỏi, phải chăng chất lượng Đông dược đang bị thả nổi.

Hơn một bệnh nhân đã tử vong

 

Mới đây, ngay giữa Thủ đô, bệnh nhân Lê Thanh Quang đã tử vong sau khi uống bài thuốc Đông y có tác dụng trị cao huyết áp, mỡ máu của lương y P.P.T (trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

 

Nguyên nhân gây chết người bước đầu được xác định do trong chu sa và sâu ban miêu (hai loại thuốc chính của bài thuốc) chứa độc tố cực mạnh.

 

Trước đó không lâu, ngày 23/2/2006, bệnh nhân Phan Thị D.H, 41 tuổi (trú tại đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM) cũng nhập viện trong tình trạng hoại tử gan, suy thận nặng, tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Được biết, bệnh nhân này có tiền căn suy thận mãn nên  tự đi chữa trị bằng Đông dược, uống hết thuốc này đến thuốc khác không khỏi bệnh. Hậu quả là bị ngộ độc thuốc.

 

Cách đây ít lâu, một lương y chết do dùng vị dược liệu chính mình chế từ phụ tử. Với phương pháp riêng, ông muốn chứng minh khả năng loại bỏ chất độc aconitin (độc tính mạnh, có khả năng gây chết người) ra khỏi phụ tử.

 

Đáng tiếc dự định của ông không thành. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do ông dùng loại phụ tử được trồng ở một vùng núi phía Bắc, hàm lượng aconitin cao hơn nhiều lần trong phụ tử thông thường.

 

Theo GS. TS Nguyễn Thị Dụ, Trưởng Khoa Chống độc, BV Bạch Mai, có rất nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc Đông y.

 

Thói quen chữa bệnh truyền miệng, một bài thuốc áp dụng chung cho cả trăm loại bệnh dẫn đến tình trạng bán và sử dụng Đông dược một cách bừa bãi. Lãnh hậu quả không ai khác chính là bệnh nhân.

 

Chất lượng thả nổi

 

30% dược liệu lưu hành trên thị trường hiện đang bị mốc - Dược sĩ Nguyễn Huy Văn, Trưởng phòng Nghiên cứu & Phát triển Công ty Cổ phần Traphaco - nhận định.

 

Để bảo quản dược liệu, chống nấm mốc, mối mọt, người ta chủ yếu dùng lưu huỳnh hay còn gọi là diêm sinh. Dược liệu khi được xông lưu huỳnh có màu sắc đẹp, để được lâu. Lượng lưu huỳnh được sử dụng theo thói quen, không ai hạn chế về liều lượng. Tại các làng trồng thuốc ở miền Bắc, nhà nào cũng có một lò xông lưu huỳnh, khói và khí độc bốc lên suốt ngày.

 

Ông Nguyễn Thế Viễn, một người trồng cây thuốc lâu năm tại Hưng Yên cho biết, toàn bộ quá trình sản xuất Đông dược như trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công, kèm theo kinh nghiệm thực tế truyền miệng cho nhau chứ chẳng theo một tiêu chuẩn nào.

 

Người sản xuất dùng vô tội vạ phân bón ngoài danh mục và phun thuốc trừ sâu bất kể liều lượng. Những vườn cây thuốc ở làng Nghĩa Trai (Hưng Yên) – một trong những làng nghề trồng thuốc nổi tiếng miền Bắc - nằm ngay cạnh những vườn cây ăn quả phun đẫm thuốc trừ sâu, cạnh những lò gạch ngày đêm nhả khói.

 

Tuy nhiên hiện chưa có thống kê cụ thể nào về dư lượng thuốc trừ sâu trong dược liệu ở Việt Nam. Vấn đề nữa là sự hiện diện của kim loại nặng trong dược liệu như chì, thủy ngân. Những độc tố này có thể gây chết người nếu dược liệu đó không được chế biến đúng cách. Nhiều thầy lang vẫn tuỳ tiện dùng dược liệu có độc tính cao để chữa trị, gây nên những tác hại khôn lường đối với sức khỏe người bệnh.

 

Theo dược sĩ Văn, mỗi lương y có một kinh nghiệm chế biến riêng và thường đem áp dụng quy mô nhỏ. Vì vậy, chất lượng thuốc phụ thuộc vào người chế biến và rất khó kiểm soát.

 

Chẳng hạn hà thủ ô đỏ để sống hoặc chế không cẩn thận gây tác dụng táo bón, rối loạn tiêu hóa. Nhưng nếu chế biến đúng cách có tác dụng bổ huyết, bổ can thận. Các dược liệu có độc tính như ô đầu phụ tử, mã tiền, nếu chế biến không cẩn thận có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.

 

Tiếc là mức độ ảnh hưởng của kim loại nặng độc hại tồn tại trong Đông dược đến người bệnh như thế nào, đến nay vẫn chưa có ai nghiên cứu.

 

Theo Mỹ Hằng
Tiền Phong