1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Loạn đất” tại khu đô thị An Khánh

(Dân trí) - Mặc dù khu đô thị mới Nam An Khánh (xã An Khánh - Hoài Đức - Hà Tây) mới đang thi công hạ tầng nhưng ngay gần đó đã mọc lên rất nhiều “văn phòng mua bán, tư vấn bất động sản”. Tại đây, đất loại gì cũng có, tất cả mọi thắc mắc của khách đều được giải thích bằng một tấm bản đồ photo.

Thỏa sức rao bán đất đô thị

Con đường thôn Phú Vinh dẫn vào xã An Khánh đang xuất hiện rất nhiều “văn phòng mua bán, tư vấn bất động sản miễn phí”. Có văn phòng còn lấy luôn tên “văn phòng nhà đất đô thị mới An Khánh”, ai cũng ngỡ đây là văn phòng của ban quản lý dự án đô thị.

Tại các “văn phòng bất động sản” này khách hàng muốn mua loại đất nào cũng có, thậm chí cả tư vấn đầu tư dự án bất động sản, chuyển nhượng dự án các khu đô thị công nghiệp, nếu khách hàng có nhu cầu (theo như quảng cáo trên namecard của họ?!).

Dường như người dân nơi đây đã quá quen với những đoàn xe ô tô con biển Hà Nội kéo nhau về đây “săn đất”. Chỉ cần xe có tín hiệu xin đường vào thôn Phú Vinh sẽ có người bám theo mời chào bằng một seri tiếp thị đất loại gì, giá bao nhiêu và tất nhiên họ đọc vanh vách vị trí từng lô trong khu đô thị.

Còn sau những chiếc cửa kính đóng im ỉm của những “văn phòng tư vấn bất động sản” luôn có vài khách hàng ngồi chờ được tư vấn nhưng chỉ có một nữ nhân viên văn phòng tíu tít giải thích qua những tấm bản đồ mà chỉ chị ta mới có thể hiểu.

Nào là đất phân lô, đất biệt thự, căn hộ cao tầng, đất dịch vụ, đất thổ cư… ở vị trí nào trên bản đồ. Với đất phân lô và đất biệt thự có diện tích từ 150 - 500 m2, với giá dao động từ 17 - 18,5 triệu/m2, chưa kể tiền xây dựng.

Nhưng có một điều đặc biệt là giữa các văn phòng nhà đất nơi đây lại đưa ra những mức giá chênh đến vài triệu đồng/m2 mặc dù trên cùng một vị trí. Trong khi các văn phòng luôn khẳng định với khách hàng rằng giá là do ban quản lý dự án đưa ra.

Nếu khách hàng có nhu cầu mua thực sự thì đặt cọc 100 triệu đồng cho văn phòng, đợi đến cuối tháng 1/2008 mới nhận được thông báo đến Ban quản lý dự án để ký hợp đồng, nộp tiền. Về phí dịch vụ thì “tùy tâm”, nếu khách hàng cảm thấy độ ưng ý vì “các văn phòng đã có phần trăm dịch vụ từ phía ban quản lý dự án” (?!) - một nhân viên văn phòng BĐS cho biết.

Còn giá đất thực ban đầu do Ban quản lý dự án khu đô thị Nam An Khánh đưa ra là bao nhiêu vẫn đang được người dân đoán già đoán non, gây tò mò cho nhiều khách hàng. Có người nói giá đất ban đầu ở khu đô thị này khoảng trên 10 triệu đồng/m2 nhưng có người lại bảo chỉ 8 triệu đồng/m2...

“Loạn đất” tại khu đô thị An Khánh - 1
  

Khu đô thị Nam An Khánh đang thi công những mét
đường đầu tiên.

Có thông tin lại cho rằng nhiều lô đất trong khu đô thị Nam An Khánh được giới thiệu tại các văn phòng nhà đất thôn Phú Vinh đã mua bán trao tay qua rất nhiều người, giá đất bị đẩy lên khá cao. Nhiều người kháo nhau rằng giá đất nơi đây đang bị các “cò” tự đẩy giá lên vì tâm lý khách hàng nào cũng nghĩ mua trước cho rẻ.

Nhưng theo chị Phương, nhân viên văn phòng nhà đất Hà Thành thì hiện tại vẫn chưa có giá, những lô đất các văn phòng đã bán với giá 17 - 18,5 triệu/m2 là do một số người có suất nhưng không có nhu cầu nên bán lại. Điều đó càng khẳng định nơi đây đang diễn ra một luồng thông tin kinh doanh mua bán kiểu “chợ đen” mang danh văn phòng tư vấn.

Đất ven đô thị, mua bán bằng…niềm tin

Thấy chúng tôi có vẻ lưỡng lự về mức giá các lô đất nằm trong khu đô thị, chị Huyền nhân viên một văn phòng tư vấn “lái” chúng tôi sang hướng mua các lô đất dịch vụ (đất giãn dân, trả lại 10% cho những nhà có đất nông nghiệp nằm trong khu quy hoạch).

Loại đất này ở đây cũng đang được rao bán rất nhiều với những mức giá dao động từ 8 - 10 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí. Đó là mức giá do một số văn phòng đưa ra còn với những tay cò lang thang ở những quán nước thì thường chỉ từ 6 - 7 triệu đồng/m2.

Cũng có loại đất giãn dân không bán theo m2 mà bán theo từng lô với mức giá từ 250 - 400 triệu/lô.

Sau khi tìm hiểu chúng tôi mới biết sở dĩ cùng một loại đất nhưng lại có nhiều mức giá và kiểu bán khác nhau như vậy vì theo quy định nơi đây, mỗi hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ được trả lại 10% trên tổng số diện tích đất bị thu hồi.

Do vậy diện tích đất nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào số nhân khẩu trong hộ dân đó. Hơn nữa, diện tích đó nằm trong khu vực thôn nào vì trong xã An Khánh có 4 thôn: Phú Vinh, An Thọ, Vân Lũng và Yên Lũng và hiện tại đất giãn dân trong khu vực thôn An Thọ đang “được giá” nhất vì gần với khu đô thị An Khánh.

Về giấy tờ thì các nhân viên “văn phòng tư vấn” hay những tay cò ngồi quán nước sẵn sàng cho khách xem cả tập giấy với lời giải thích cho những suất đất rao bán là hợp pháp. Thậm chí có những tờ đã được để trống vài dòng ở dưới, chỉ cần điền tên người mua vào là xong.

Xem kĩ thì đây thực chất chỉ là những tờ giấy photo chứng nhận những hộ gia đình trên có diện tích đất nông nghiệp nằm trong diện giải tỏa, phía dưới là mấy dòng chữ nguệch ngoạc và chữ kí của trưởng thôn, họa hoằn lắm mới thấy có chữ kí của Hợp tác xã nông nghiệp.

Giấy tờ thì như vậy, còn vị trí lô đất đó ở đâu, đến bao giờ được bốc thăm chia đất chính thức thì ngay bản thân những gia đình được chia đất cũng còn chưa biết.

Theo anh Nguyễn Văn Trọng, một tay đang “săn đất” ở An Khánh cho biết, mua những dạng đất này là rất mạo hiểm bởi anh đã từng mất không 100 triệu tiền đặt cọc khi mua lô đất kiểu này ở trên khu vực Tứ Liên (Hà Nội).

Phan Tùng