1. Dòng sự kiện:
  2. Lật tàu thảm khốc ở Quảng Ninh
  3. Bão Wipha (cơn bão số 3)

Lộ trình xây Metro Bến Thành - Tham Lương trong 5 năm

Ngọc Tân

(Dân trí) - Cơ chế tổng thầu EPC từng áp dụng tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng sẽ được triển khai tại dự án Metro Bến Thành - Tham Lương. Điểm khác biệt là gì?

Sau khi đưa Metro Bến Thành - Suối Tiên vào vận hành, Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư) đang đẩy nhanh việc thực thi cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 188 của Quốc hội để triển khai đầu tư tuyến Metro số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương.

Theo kế hoạch, chủ đầu tư đang xúc tiến thủ tục điều chỉnh dự án, dừng chủ trương sử dụng vốn vay ODA, bổ sung quy mô công trình tại ga Bến Thành... Giai đoạn chuẩn bị từ nay đến cuối năm, khởi công từ ngày 20/12 và thi công trong khoảng 4,5-4,8 năm, hoàn thành vào năm 2030.

Lộ trình xây Metro Bến Thành - Tham Lương trong 5 năm - 1

Giải phóng mặt bằng trên đường Cách Mạng Tháng 8 để thi công Metro Bến Thành - Tham Lương (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Một điểm đáng chú ý là chủ đầu tư dự kiến áp dụng cơ chế đặc thù của Quốc hội để lựa chọn một tổng thầu EPC đảm nhiệm thiết kế, xây dựng và cung cấp thiết bị cho toàn dự án. Tổng thầu dự kiến được chỉ định từ một liên danh nhà thầu trong nước và nhà thầu quốc tế.

Cách làm này khiến nhiều người liên tưởng đến hợp đồng tổng thầu EPC từng được áp dụng tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) khi đó xác định việc tổng thầu EPC do bên cho vay vốn ODA (Trung Quốc) chỉ định, yếu kém về năng lực, cộng với việc pháp luật Việt Nam về thực hiện hợp đồng EPC chưa đầy đủ, dẫn tới dự án chậm tiến độ và đội vốn.

Đến nay chưa rõ chủ đầu tư metro Bến Thành - Tham Lương sẽ chỉ định tổng thầu EPC theo tiêu chí nào. Trước mắt, khả năng lựa chọn tổng thầu theo ràng buộc của hiệp định vay ODA sẽ không xảy ra do UBND TPHCM đã thống nhất dừng sử dụng vốn ODA, chuyển sang vốn ngân sách và các nguồn huy động khác.

Theo Nghị quyết 188, UBND TPHCM được trao thẩm quyền chỉ định thầu khi lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công, nhà thầu EPC, chìa khóa trao tay... Đối với việc lựa chọn nhà thầu EPC, các Bộ Quốc phòng, Công An, Xây dựng, Tài Chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm cử đại diện tham gia thẩm định.

Trên cơ sở thực thi Nghị quyết 188, UBND TPHCM đang mời các bộ ngành cử đại diện tham gia Tổ thẩm định việc lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài, nhà thầu EPC tại dự án metro Bến Thành - Tham Lương.

Dự án Metro số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11km, với 9km đi ngầm và 2km đi trên cao. Trên tuyến có 10 nhà ga (9 ga ngầm, 1 ga trên cao). Dự án đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú.

Dự án trải qua 8 lần điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư và thời hạn hoàn thành. Đến năm 2019, tổng mức đầu tư dự án được ước tính 47.890 tỷ đồng, gồm khoảng 37.000 tỷ đồng vốn vay ODA và 10.000 tỷ đồng vốn đối ứng. 

Dự án từng được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2010. Trong 15 năm qua, hầu hết hạng mục thi công vẫn nằm trên giấy, dù khối lượng GPMB đã đạt 99%. Còn 8/13 gói thầu chính chưa lựa chọn nhà thầu.