1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lo ngại qui định đặc thù cho Hà Nội khó vào cuộc sống

(Dân trí) - Từ những vấn đề có tính cụ thể như mức phí, mức xử phạt cao hơn các địa phương khác nhiều lần, đến những vấn đề lớn hơn như “mắc” Hiến pháp, trái với các luật khác đều được các đại biểu tranh luận gay gắt khi bàn về dự án Luật Thủ đô.

Về việc áp dụng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính và mức thu một số loại phí ở khu vực nội thành cao hơn so với mức áp dụng chung cho cả nước, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt vấn đề: “Nếu địa phương khác cũng xin được áp dụng như thế có được hay không? Phải chăng do người Thủ đô có thu nhập cao hơn nơi khác, hoặc mặt bằng dân trí cao hơn hay ý thức chấp hành pháp luật của dân Thủ đô kém hơn nơi khác?”

Hơn nữa, đại biểu này cũng băn khoăn về việc chỉ đặt ra mức phạt cao ở một vài lĩnh vực mà không đặt ra ở tất cả các lĩnh vực, chẳng hạn như gây mất trật tự xã hội, chống người thi hành công vụ, các loại tiêu cực như đưa, nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng… “Các loại tội phạm hình sự khác có bị xử lý cao hơn nơi khác cùng một tội danh hay không?”, bà Khá phản biện.
Lo ngại qui định đặc thù cho Hà Nội khó vào cuộc sống - 1
Nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở các đặc thù cho Hà Nội (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lại lo ngại, mức phí cao hơn trong lĩnh vực môi trường và giao thông sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân thủ đô, nhất là những người ở nội thành, kể cả một số người vì kế sinh nhai đang ở Hà Nội hoặc những người công tác, lao động học tập tại Hà Nội.

Chính vì vậy, ông Minh đề xuất, chỉ nên chấp nhận phương án trên sau khi lấy ý kiến nhân dân của nội thành Thủ đô Hà Nội.

Chuyển sang quy định giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ cơ cấu dân cư hợp lý theo quy định chung của Thủ đô, đại biểu Khá cũng đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc.

"Thóc đến đâu, bồ câu đến đó… Ở đâu có việc làm, có cơm ăn, có áo mặc, con cái được học hành, an ninh trật tự được bảo đảm thì người ta tìm đến", đại biểu Khá phân tích.

Bà Khá đề nghị, thay vì dùng các biện pháp hành chính thủ đô nên dùng biện pháp kinh tế - xã hội khác như thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh với cơ sở hạ tầng đồng bộ tại các vùng ngoại thành để thu hút người dân giãn ra.

Để thuyết phục các đại biểu, đại diện cơ quan doạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đưa ra con con số, một năm có 176.000 người nhập cư vào nội thành, vào các quận cũ, huyện cũ của Hà Nội trong những năm vừa qua.

Cũng theo ông Cường, vừa qua Chính phủ phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 để hướng dẫn thi hành Luật cư trú, với nội dung “thắt lại” một phần điều kiện cư trú đối với các thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở Luật cư trú và trong dự án luật Thủ đô, Chính phủ muốn xin một cơ chế nữa để kiểm soát chặt hơn.

“Rất đồng tình với đại biểu là phải có biện pháp xã hội, biện pháp kinh tế v.v... nhưng biện pháp trước mắt vẫn phải có hành chính”, ông Cường nói.

Chuyển sang vấn đề tổng thể của luật, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng,  dự thảo không chỉ không phù hợp với Hiến pháp và 7 luật như trong Báo cáo thẩm tra, mà còn liên quan đến 13 luật khác nhau. Theo đại biểu Lợi, khi ban hành luật sẽ gây ra sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Đánh giá rất cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với dự án luật, nhưng đại biểu Lợi cho rằng, UB này chưa mạnh dạn đặt vấn đề với Thường vụ là Chính phủ nên chuẩn bị lại dự án này và trình Quốc hội vào một thời điểm nào đó cho chắc chắn và kỹ hơn.
Lo ngại qui định đặc thù cho Hà Nội khó vào cuộc sống - 2
Các đại biểu "truy" Bộ trưởng Hà Hùng Cường trong giờ giải lao (Ảnh: Việt Hưng)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường lại biện luận, quan điểm đã được quán triệt xuyên suốt quá trình xây dựng luật Thủ đô là nội dung phải phù hợp với Hiến pháp, “không tạo ra thiết kế độc lập gì đó trên lãnh thổ đất nước”.

Không tranh luận với các ý kiến khác, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhìn nhận, việc xây dựng Luật thủ đô thể hiện rất nhiều tình cảm, ý chí, mong muốn thủ đô phát triển nhưng sẽ bất cập, sẽ không đi vào đời sống và dễ biến yếu tố đặc thù trở thành đặc lợi, đặc quyền vì ta không có bộ máy quản lý tương ứng.

“Việc quản lý đô thị của chúng ta rất bất cập bởi vì không có cơ chế thích ứng, không có những chế độ mang tính tự trị nhất định nên luôn vấp phải những vấn đề của Hiến pháp, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải xây dựng sớm Luật đô thị”, ông Quốc phân tích

Theo ông Quốc, nên cố gắng sửa đổi, hoàn thiện pháp lệnh Thủ đô, sau đó sửa lại Hiến pháp để tạo một cơ hội phát triển lâu dài cho Hà Nội và trên nền tảng đó sẽ xây dựng Luật đô thị trước khi xây dựng Luật thủ đô.

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm