1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Linh thiêng lễ hội báo ân danh nhân Bùi Cầm Hổ

(Dân trí) - Hàng năm, cứ vào 12 tháng Giêng âm lịch, nhân dân phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh lại nô nức tổ chức lễ hội báo ân vị danh nhân Bùi Cầm Hổ, cầu cho quốc thái dân an, con cháu dòng tộc, dân làng ấm êm hạnh phúc.

Linh thiêng lễ hội báo ân danh nhân Bùi Cầm Hổ - 1
Đền thờ linh thiêng Bùi Cầm Hổ, tọa lạc tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

 

Bùi Cầm Hổ sinh năm 1390, mất năm 1483 tại xã Đậu Liêu, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Chuyện kể rằng lúc thân mẫu Bùi Cầm Hổ chuyển dạ thì bỗng dưng từ núi Hồng Lĩnh xuất hiện một con Hổ đi ra và thét lên mấy tiếng, sau đó đứa bé được sinh ra, được đặt tên Bùi Cầm Hổ, có nghĩa là “họ Bùi bắt được Hổ”.

 

Tuổi thơ của Bùi Cầm Hổ lớn lên tại quê hương Đậu Liêu, sau này ông ra kinh thành Thăng Long học hành tiến tới.

 

Có một câu chuyện về “Cháo lươn giải oan cho người oan” đã nói lên trí thông minh, sáng suốt hơn người thời học trò của Bùi Cầm Hổ. Chuyện kể rằng có một gia đình nọ trước lúc người chồng đi xa, người vợ mua lươn về nấu cháo cho chồng ăn, không may vừa ăn xong thì người chồng đột tử. Người vợ bị nghi oan tội giết chồng.

 
Phiên xét xử của triều đình rơi vào thế bế tắc vì chị ta một mực kê oan và từ trước tới nay người vợ luôn hiếu thảo, thương yêu chồng; không thể có chuyện ra tay hạ sát chồng. Trước các vị quan và muôn dân, cậu học trò thông minh Bùi Cầm Hổ tự xưng là mình có thể minh oan được vụ việc, nếu không thành thì tự nguyện chém đầu.

 
Để minh oan cho người phụ nữ, cậu học trò thông minh đã ra chợ mua một mớ lươn giống với số lươn mà phụ nữ đã nấu cháo cho chồng ăn, sau khi nấu xong thì cháo được cho chó ăn và chó lăn ra chết. Trước quan lại và dân chúng, Bùi Cầm Hổ đi đến kết luận: cháo lươn được nấu từ loài xà lươn có độc, người và động vật ăn vào sẽ chết, vì vậy tội lỗi của người phụ nữ được minh oan, triều đình dân chúng thán phục trí tài cao của ngài. 
 
Linh thiêng lễ hội báo ân danh nhân Bùi Cầm Hổ - 2

 

Về sau Bùi Cầm Hổ có 30 năm được phong làm quan trong triều đình nhà Lê thời Hậu Lê và có đóng góp công trạng to lớn cho đất nước muôn dân. Ông được sung chức đi sứ nhà Minh 3 lần vào những năm 1433, 1437, 1439. 

 
Về hưu ông đã có nhiều đóng góp xây dựng quê hương Đậu Liêu như đắp đập ngăn khe đưa dòng nước từ núi Hồng Lĩnh về tưới cho cánh đồng Kẻ Treo (thị xã Hồng Lĩnh ngày nay).

 

Sau khi Bùi Cầm Hổ mất, nhân dân đã lập đền thờ ghi nhận công lao to lớn của ngài với nước với dân. Năm 1992, đền thờ của ngài được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, vào ngày 20/9 âm lịch, các chi trong họ Bùi luân phiên nhau làm chủ tổ chức lễ kỵ (ngày giỗ), tộc trưởng họ Bùi nay là ông Bùi Văn Thạc, khối 1, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh và lễ hội báo ân được diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm, do 7 khối phố luân phiên tổ chức.
 
Lễ báo ân năm nay được tổ chức linh thiêng với sự góp mặt của đông đảo con cháu họ Bùi từ khắp nơi trong cả nước, quan chức cấp tỉnh, thị xã và người dân về dâng hương dự lễ. Phần lễ được tổ chức với nhiều nghi lễ trang nghiêm, chỉnh tề. Nét độc đáo của Lễ hội Bùi Cầm Hổ là lễ tam sinh, theo truyền thống tam sinh dâng lên cúng ngài phải gọi là ba “Ông” Bò, Lợn, Dê; cả ba “Ông” được người trong địa phương thay phiên nhau nuôi dưỡng và gia đình nuôi được chọn là gia đình không có tang, nề nếp văn hóa gia phong tốt.
 
Linh thiêng lễ hội báo ân danh nhân Bùi Cầm Hổ - 3

Ngày hội kéo co truyền thống dược diễn ra trong bầu không khí náo nhiệt, khán giả chật kín sân.

 
Lễ hội năm nay chỉ có đàn ông trên 60 tuổi trong phường mới được chầu lễ khấn vái, những người mặc áo ngắn tay không được vào dự lễ, thắp hương.

 

Trước đó, ngày 11 tháng 1 âm lịch, phần hội được tổ chức trước theo truyền thống; phường tổ chức kéo co hàng năm nhằm tạo không khí tươi vui, phấn khởi và lấy sức khỏe cho một năm mới dân làng làm ăn phát đạt.

 

 

Nguyễn Văn Sơn