1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lính tăng đi giữ đảo

(Dân trí) - “Tàu mất, con cháu chúng ta có thể làm ra những con tàu khác to hơn nhưng đảo mất thì con cháu ta không thể làm ra đảo khác” - Lời Đại tướng Lê Đức Anh như một mệnh lệnh quyết tâm giữ đảo đến cùng đối với những người lính làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

Ra trận

Bắt đầu từ năm 1987, tình hình khu vực Quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng. Ít ai biết rằng, từ Nghệ An một đoàn 12 xe tăng và 48 thành viên thuộc Trung đoàn xe tăng 206, Quân khu 4 đã được tăng cường ra làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Rất tiếc, sự kiện quan trọng này chỉ xuất hiện vỏn vẹn 5 dòng trong cuốn lịch sử của Trung đoàn xe tăng 206, nay là Lữ đoàn xe tăng 206, Quân khu 4. Những người lính tăng năm xưa đi giữ đảo giờ tản mát mỗi người một phương.

Người lính xe tăng Chu Trí Thành thời trẻ.
Người lính xe tăng Chu Trí Thành thời trẻ.

May mắn, sau nhiều nỗ lực, chúng tôi gặp được cựu chiến binh Chu Trí Thành (SN 1964, trú tại TP Vinh, Nghệ An), một trong 48 người lính tăng ngày ấy.

“Năm 1987, đơn vị chúng tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ ở nước bạn Lào trở về. Lúc này, tình hình ở quần đảo Trường Sa đã bắt đầu căng thẳng, các đơn vị chủ lực được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Rất nhiều anh em vừa mới ở Lào về nhưng vẫn viết đơn xin ra đảo.

Năm đó, chúng tôi cũng không được về Tết với gia đình mà ở lại đơn vị, sẵn sàng nhận lệnh lên đường. Ngày 2/5/1987, 12 xe tăng cùng 48 người là trưởng xe, lái xe, pháo thủ và pháo hai lên đường vào Cam Ranh (Phú Khánh) để sẵn sàng chi viện cho Trường Sa”, trưởng xe Chu Trí Thành nhớ lại.

Sáng ngày 2/5/1987, rất đông học sinh các trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn, cán bộ nhân dân xã Nghĩa Thuận và công nhân nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đến đưa tiễn. Đoàn xe tăng đi giữa, dòng người đứng hai bên đường, vẫy tay, tung những mẩu giấy cắt vụn lên xe để tiễn chân. Xe tăng cùng 12 lái xe được chuyển vào Cam Ranh bằng tàu hỏa. 36 người còn lại gồm trưởng xe, pháo thủ và pháo hai di chuyển bằng ô tô.

“Trên xe, vừa đi, vừa hát hò rất phấn khởi. Xe đi ngang qua chợ Sy (Diễn Châu), hôm ấy là ngày 20/3 âm lịch, đúng ngày chợ phiên. Bà con vẫy tay chào đoàn quân đi giữ đảo. Đến khu vực cửa hàng ăn uống Bến Thủy (TP Vinh), chúng tôi được tiếp sức bằng những ly nước chanh mát rượi”, cựu chiến binh Chu Trí Thành kể.

Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Nghĩa Đàn (nơi đóng quân của Trung đoàn xe tăng 206, giờ là Lữ đoàn xe tăng 206) tiễn những người lính đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa (ảnh Bảo tàng Quân khu 4 cung cấp)
Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Nghĩa Đàn (nơi đóng quân của Trung đoàn xe tăng 206, giờ là Lữ đoàn xe tăng 206) tiễn những người lính đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa (ảnh Bảo tàng Quân khu 4 cung cấp)

Trong mạch dòng cảm xúc hồi tưởng, người cựu binh kể tiếp: “Trên đường hành quân, chúng tôi ghé vào viếng mẹ lái xe Dũng (quê huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Bà vừa mất được 41 ngày. Anh Dũng là con trai duy nhất trong gia đình có 9 chị em. Bố của Dũng đã hơn 70 tuổi, sau khi vợ mất sống 1 mình nhưng vẫn nén nỗi đau động viên con lên đường.

Hôm sau, đoàn qua huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Đoàn nghỉ lại Vĩnh Điện 1 ngày đêm và đi thăm gia đình những chiến sỹ có nhà gần khu vực Vĩnh Điện, Điện Thọ, Điện Quang, Điện Nam.

Đến nhà Quang, mẹ Quang nhất định giữ con ở lại, không cho đi. Nhà Quang có 7 anh em thì đến 4 anh đã nằm lại ở các chiến trường. Động viên mãi mẹ vẫn không đồng ý cho Quang đi, anh Hân (khi đó là Trung đoàn phó, dẫn quân đi) bảo “Thôi, thế nếu mẹ không đồng ý thì cho Quang ở nhà”.

Anh trai Quang nháy mắt với Quang. Quang giả vờ vào buồng nằm, rồi trốn cửa sau, qua bờ rào hàng xóm, chạy một mạch ra đường lớn, đợi cả đoàn. Đoàn chia tay gia đình, ra đường lớn thì gặp Quang đứng đợi, lên xe, đi tiếp. Vừa đi vừa nghỉ, 12 ngày thì đến Cam Ranh”.

Giữ đảo

48 thành viên xe cùng 12 xe tăng K36-85 của Trung đoàn tăng 206, Quân khu 4 được tăng cường cho Tiểu đoàn 7, Lữ đoàn 126, vùng 4, là đơn vị tăng cường cho Lữ đoàn 146 có nhiệm vụ giữ đảo. Cùng với số cán bộ, hạ sỹ quan và chiến sỹ cũ của tiểu đoàn 7, 48 thành viên lần lượt bổ sung cho Lữ đoàn 146 để rải đi các đảo.

Tình hình căng thẳng leo thang, toàn đảo luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Sự kiện ngày 14/3/1988 tại cụm đảo Sinh Tồn trở thành một trong những kí ức đau thương mà bi tráng của những người lính đi giữ đảo năm ấy.

12 xe tăng cùng 48 thành viên thuộc Trung đoàn xe tăng 206 tăng cường cho Trường Sa trong chiến dịch CQ88 (ảnh Bảo tàng Quân khu 4 cung cấp)
12 xe tăng cùng 48 thành viên thuộc Trung đoàn xe tăng 206 tăng cường cho Trường Sa trong chiến dịch CQ88 (ảnh Bảo tàng Quân khu 4 cung cấp)

Từ đảo Trường Sa Lớn, người lính Chu Trí Thành đã cảm tác thành những vần thơ, như một lời hứa với đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ chủ quyền biển đảo quê hương:

Tin Gạc-Ma dội về từ cụm Bắc

Cướp đã tấn công khu vực Sinh Tồn

Lửa hờn căm tràn khắp cụm Nam

Đá Lát, Phan Vinh, Trường Sa Lớn, Thuyền Chài …

(...)

Máu xương ta sẽ thêm cứng san hô

Ngăn bão tố hòng xóa vùi Đảo nhỏ

Đất nước này ngàn năm vẫn đó

Sẽ có thêm những trận thắng Bạch Đằng”.

Cựu chiến binh Chu Trí Thành trong dòng hồi tưởng về những ngày đi giữ đảo.
Cựu chiến binh Chu Trí Thành trong dòng hồi tưởng về những ngày đi giữ đảo.

Sau khi thất bại trong việc đánh chiếm các đảo thuộc cụm đảo Sinh Tồn, trước hỏa lực mạnh và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị vũ trang ở quần đảo Trường Sa, tàu Trung Quốc không dám manh động. Hàng ngày, những chiếc tàu chiến Trung Quốc vẫn lượn lờ ngoài khu vực thuộc vùng biển quốc tế để nghe ngóng tình hình rồi lảng ra xa.

“Thời điểm đó, cả nước hết sức khó khăn nhưng luôn dành cho những người lính đảo sự quan tâm đặc biệt. Ở đảo thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, anh em nhiều người bị phù thũng nhưng luôn động viên nhau xây dựng công sự, đóng gạch xây nhà, bảo quản khí tài, học tập huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đảo”, ông Thành nhớ lại.

Trong chuyến thị sát và dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988) được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn vào ngày 7/5/1988, Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một lần nữa khẳng định: “… Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Mất tàu, con cháu chúng ta có thể làm ra những con tàu mới, to hơn. Nhưng mất đảo thì con cháu ta không thể làm ra đảo”, Đại tướng Lê Đức Anh nói về tàu HQ 505 ủi bãi, quyết bảo vệ đảo Cô Lin trong sự kiện ngày 14/3/1988 tại cụm đảo Sinh Tồn (ảnh tư liệu)
"Mất tàu, con cháu chúng ta có thể làm ra những con tàu mới, to hơn. Nhưng mất đảo thì con cháu ta không thể làm ra đảo”, Đại tướng Lê Đức Anh nói về tàu HQ 505 ủi bãi, quyết bảo vệ đảo Cô Lin trong sự kiện ngày 14/3/1988 tại cụm đảo Sinh Tồn (ảnh tư liệu)

“Nhắc đến sự kiện ngày 13/4/1988, đặc biệt là hành động ủi tàu HQ 505 lên bãi, quyết tâm giữ đảo Cô Lin, Đại tướng Lê Đức Anh nói: “Mất tàu, con cháu chúng ta có thể làm ra những con tàu mới, to hơn. Nhưng mất đảo thì con cháu ta không thể làm ra đảo”. Câu nói của Đại tướng như mệnh lệnh đối với những người lính đi giữ đảo ngày ấy.

Từng hòn đảo là máu thịt, là chủ quyền Tổ quốc mà cha ông chúng ta đã dùng chính tính mạng, bằng chính xương máu, mồ hôi và nước mắt của mình để xác lập, xây dựng và giữ gìn. Bởi vậy, dù bằng bất cứ giá nào, chúng tôi và những thế hệ tiếp theo sẽ giữ đảo, giữ chủ quyền trên biển của Tổ quốc mình”, người cựu binh nắm chặt bàn tay.

Tháng 7/1989, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa, ông Chu Trí Thành được vào bờ, phục viên và chuyển về tiếp tục tới giảng đường Đại học...

Hoàng Lam