1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Lính đặc nhiệm” - Một trò chơi nguy hiểm

Thời hiện đại, không chỉ trẻ con mới bày trò đánh trận giả. Người lớn muốn chơi trò này phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua vũ khí, tập hợp trong các CLB, “tác nghiệp” ở “chiến trường” tự tạo…, dù không được pháp luật cho phép.

Airsoft là gì?

 

Airsoft không phải là một công ty phần mềm mà là một thú chơi mới được xã hội biết đến. Airsoft - tiếng Việt gọi là súng hơi hạng nhẹ. Đây chỉ đơn thuần là một trò chơi sưu tầm mô hình các loại súng giống súng thật với mục đích trưng bày hoặc chơi trò đánh trận giả để giải trí.

 

Súng được làm chủ yếu bằng thép mô phỏng theo hình dáng của súng thật và nhà sản xuất thiết kế sao cho nó không trở nên quá nguy hiểm đến tính mạng và không vi phạm qui định về vũ khí tại một số quốc gia.

 

Trò này được du nhập vào Việt Nam có lẽ từ năm 1996, dưới dạng những khẩu súng ngắn bắn đạn nhựa, thô và rẻ tiền, bắn phát một bằng lực nén lò xo, có xuất xứ từ Trung Quốc nhập dưới dạng đồ chơi qua đường tiểu ngạch và  cũng như người anh em trước đó là súng hơi bắn đạn nhựa loại nhỏ.

 

Một khẩu súng airsoft có thể thừa sức bắn vỡ toác chiếc xô nhựa, xuyên thủng hai thành của một lon bia rỗng! Và những loại súng bắn bằng ga thì tiếng nổ và sức công phá không thua súng thật là bao!

 

Do tính chất nguy hiểm đến sức khoẻ của người dân, kèm tác hại kích động tính hiếu chiến của trẻ em, đồng thời cảnh giác kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu nên chính phủ đã cấm nhập, buôn bán, lưu hành và liệt chúng vào danh sách những loại đồ chơi nguy hiểm, cần ngăn chặn.

 

Tuy nhiên, vẫn dễ dàng mua được thứ đồ chơi airsoft dạng cấp thấp, rẻ tiền (từ 15.000 - 40.000 đồng) ở các cửa hàng đồ chơi, đặc biệt trên phố Lương Văn Can (Hà Nội) với kiểu dáng và chất lượng ngày càng đa dạng, từ AK, shotgun, MP5 hay Glock đến Berreta...

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn hàng xuất phát từ biên giới phía Bắc và được cửu vạn bê qua biên giới, giấu vào các xe hàng, chở bằng thuyền qua sông Kalong, Quảng Ninh. Còn hàng cao cấp hơn thì được khách du lịch xách tay mang qua biên giới với số lượng hạn chế.

 

“Lính đặc nhiệm” - Một trò chơi nguy hiểm - 1


 

 

 

 

 

 

 

 


Nhập vai airsoft

Nhưng airsoft thực sự phát triển, khi loại súng bắn tự động bằng điện ra đời! Nó giúp khẩu súng bắn đạn nhựa giống thật hơn với tốc độ bắn có khi đạt tới 600-900phát/phút!

 

“Đặc nhiệm SWAT liên tỉnh”

 

Để sở hữu khẩu súng thực sự là airsoft ở Việt Nam, thấp nhất cũng 100 USD trở lên đối với đồ Trung Quốc và không dưới 300 USD đối với đồ Nhật, Hàn Quốc hay Đài Loan. Kèm theo súng là các đồ đi kèm, bảo hiểm như túi đựng, trang phục, găng tay, mũ, kính bảo hộ, mặt nạ và các đồ để nâng cấp… cũng tính tới tiền trăm USD.

 

Những người cùng ham thích trò chơi này hợp với nhau thành nhóm. Các nhóm trong Nam, ngoài Bắc thi thoảng lại hẹn gặp nhau để “giao lưu”, “trao đổi kinh nghiệm” và “sản phẩm”. Và những CLB ra đời và gọi trò chơi này bằng từ “Thể thao airsoft”.

 

Những trận đánh như thật được diễn ra tại những khu vực hiếm người qua lại như các khu nhà hoang, các trang trại ven đô để bảo đảm an toàn cho người khác và để tránh con mắt dòm ngó của pháp luật.

 

Trò chơi này rất hấp dẫn vì người chơi có cảm giác được cầm trong tay một thứ vũ khí hiện đại, đẹp, đầy uy lực, được bắn thoải mái mà không gây sát thương, (trừ trường hợp cá biệt). Môn chơi cho phép bạn được nhập vai và thể hiện những nhân vật mà mình ưa thích trên phim ảnh như là đặc nhiệm SWAT, lính bắn tỉa, đặc công, cảnh sát,…

 

Trên thực tế, một khẩu súng, kể cả bắn đạn nhựa cũng là vật dụng nguy hiểm. Tuy Nhà nước đã có những quy định nghiêm ngặt về tàng trữ và sử dụng vũ khí nhưng có cầu ắt có cung, và ngược lại, mặt hàng này vẫn được tuồn vào trong nước.

 

Mặc dù các diễn đàn về airsoft đã được các thành viên thắt chặt việc kiểm soát thông tin hơn, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, nhưng những đam mê của người chơi môn này dường như không suy giảm. Nó vẫn đang là một dòng chảy ngầm nguy hiểm.

 

Theo Vũ Trung Kiên – Thế Vinh

Gia đình & Xã hội