"Liệt sĩ" trở về sau mấy chục năm thất lạc

(Dân trí) - Sau bao nhiêu năm tìm kiếm trong vô vọng, năm 2006, gia đình nhận được bằng Tổ Quốc ghi công công nhận liệt sĩ Nguyễn Thị Ân đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đầu tháng 7 năm 2015, gia đình bất ngờ nhận được thông tin bà Ân vẫn còn sống.

Mấy ngày nay, ngôi nhà của chị luôn có người ra vào hỏi thăm và chia sẻ niềm vui trước sự trở về của “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân (sinh 1945) – cô chồng của chị Xuân.


Chị 
Nguyễn Thị Xuân (45 tuổi, ngụ xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, gia đình chồng chị là gia đình có truyền thống cách mạng. Ngoài bà Ân (cô chồng chị Xuân) còn có bố chồng chị Xuân và một người cô chồng khác là liệt sĩ.

Năm 20 tuổi, bà Ân đã tham gia cách mạng ở Ban Lương thực Quảng Đà. Lúc đầu, đơn vị đóng quân ở khu vực Đồng Xanh – Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) nên thỉnh thoảng bà Ân còn liên lạc với gia đình. Cuối năm 1965, giặc Mỹ leo thang, các cơ sở cách mạng phải chuyển lên núi hoạt động nên gia đình cũng mất liên lạc với bà Ân.

Bà Ân trở về sau chiến tranh với một thân hình ốm yếu, bệnh tật.

Bà Ân trở về sau chiến tranh với một thân hình ốm yếu, bệnh tật.

Sau ngày thống nhất đất nước, không thấy bà Ân trở về, gia đình bắt đầu đi tìm kiếm. Tuy nhiên, do gia đình nghèo không có điều kiện nên chỉ đi tìm ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

“Gia đình có đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỏi và nhờ giúp đỡ. Họ bảo, nếu là người miền Nam (tính từ Đà Nẵng trở vào) thì đã đưa về Nam rồi. Thử vào Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công ở Hội An xem có không. Nhưng gia đình vào đó tìm cũng không có”, chị Xuân cho biết.

Bà Ngô Thị Phán (sinh năm 1945, mẹ chồng của chị Xuân, chị dâu của bà Ân) tiếp lời: “Ngày đó, chính tui là người đi tìm kiếm cô ấy. Tìm kiếm mấy chục năm mà không thấy tin tức gì. Đến năm 2006, gia đình có tìm được đồng đội của cô Ân. Người đồng đội đó cho biết, hồi đó cô Ân bị thương nặng nên được chuyển ra Bắc điều trị. Sau đó thế nào thì người này không biết. Và người này đã xác nhận cô Ân đã hy sinh để gia đình hoàn tất thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ”.

Cũng trong năm 2006, gia đình nhận bằng Tổ quốc ghi công công nhận liệt sĩ Nguyễn Thị Ân đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hằng năm, gia đình lấy ngày 27/7 làm ngày cúng giỗ cho bà Ân.

Hiện sức khỏe của bà Ân rất yếu

Hiện sức khỏe của bà Ân rất yếu

Nhưng đầu tháng 7 vừa qua, gia đình nhận được thông tin bà Ân vẫn còn sống. Người đưa thông tin tốt lành này đến với gia đình là ông Nguyễn Văn Ba (trú xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Ông Ba cho biết, ông có người anh trai tham gia cách mạng và mất liên lạc từ năm 1966. Thời gian gần đây, ông có đi tìm và được biết, anh trai mình bị thương nặng nên chuyển ra Bắc, đến năm 2004 thì được chuyển vào Nam.

Ông Ba có vào Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng anh trai đã mất.

Sau đó, ông Ba có đến Trung tâm nuôi dưỡng thương binh và người có công Long Đất (Bà Rịa – Vũng Tàu). Giám đốc Trung tâm cho biết, năm 2003, Trung tâm có tiếp nhận một thương binh tên là Nguyễn Thị Ân (sinh 1945, quê quán ở thôn Gò Hà, xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà cũ). Trung tâm đã nhiều lần tìm kiếm người thân của bà Ân nhưng không có kết quả và nhờ ông Ba tìm giúp.

Sau khi cầm thông tin này, ông Ba về đi khắp Đà Nẵng để tìm kiếm. Do xã Hòa Lương nay đã đổi thành xã Hòa Khương nên sau 12 ngày tìm kiếm, ông mới tìm được gia đình của bà Ân.

Bằng Tổ quốc ghi công công nhận bà Ân là liệt sĩ vào năm 2006

Bằng Tổ quốc ghi công công nhận bà Ân là liệt sĩ vào năm 2006

Ngày 11/7, chiếc xe của Trung tâm Nuôi dưỡng thương binh và người có công Long Đất chở bà Ân về quê nhà trong sự vui mừng của người thân và bà con lối xóm.

Theo chị Xuân, hiện sức khỏe bà Ân rất yếu, không nhớ gì, không nhận biết được mọi vật xung quanh và phải ăn cháo xay như trẻ con.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Thiên – Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, bà Ân được công nhận liệt sĩ vào năm 2006 sau thời gian dài gia đình đi tìm nhưng không có tin tức. Vì bà không còn bố mẹ, không có con cái nên theo chế độ chỉ hỗ trợ tiền hương khói cho gia đình. Hiện chúng tôi đã báo cáo sự việc bà Ân còn sống trở về cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để cấp trên giải quyết các bước tiếp theo.

Khánh Hồng