Liệt sĩ bị "lãng quên": Hai trích lục trái chiều về cái chết một quân nhân

(Dân trí) - Trong bản trích lục của Bộ Tư lệnh quân đoàn 4 (Cục Chính trị) năm 2010 ghi rõ: đồng chí Bá hy sinh bị nổ trái phá. Trong khi đó bản trích lục năm 2013 của Ban Chỉ huy quân sự Nghệ An lại nói là do nghịch chất nổ.

Chuyện lạ từ hai bản trích lục

Trong quá trình đi điều tra về “một liệt sĩ bị lãng quên” - quân nhân Lê Văn Bá hy sinh năm 1973 đến nay vẫn chưa có giấy báo tử, chúng tôi tìm được 2 bản trích lục có nội dung hoàn toàn khác nhau.  

Trích lục thứ nhất từ Hồ sơ danh sách liệt sĩ hy sinh trong những năm đánh Mỹ của TW Cục miền Nam sau giải phóng miền Nam đã bàn giao cho Quân đoàn 4, có kèm theo Bản xác nhận quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4.

Kỳ III: Hai trích lục có nội dung trái chiều về cái chết một quân nhân
Tại trích lục của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 - Cục Chính trị có tên liệt sĩ Lê Văn Bá rất chi tiết: Đồng chí Bá hy sinh: Bị nổ trái phá.

Ông Thiệu - trợ lý chính sách Quân đoàn 4 - cho biết: “Đây là một việc thuộc công tác chính sách đòi hỏi phải rất cẩn trọng, sau khi truy lục hồ sơ lưu trữ của Trung ương Cục miền Nam bàn giao có tên Liệt sĩ Lê Văn Bá, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã tổ chức cuộc họp gồm đại diện của Phòng Chính trị Quân đoàn, của Lữ 24 và Lữ 434 kết luận, lập văn bản xác nhận Quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã có Công văn số 502, ngày 14/12/2010 gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An (Công văn này cũng được gửi cho gia đình liệt sĩ như đã nói ở bài trước).

Tuy nhiên nội dung bản trích lục thứ hai chúng tôi nhận được từ Ban Chính sách, Phòng Chính trị Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An lại cho rằng quân nhân Bá từ trần chỉ vì nghịch chất nổ.
Kỳ III: Hai trích lục có nội dung trái chiều về cái chết một quân nhân
Trong khi đó bản trích lục mới toanh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An ngày 16/11/2013 ghi rằng: quân nhân Bá từ trần khi nghịch chất nổ.

Tôi là một phóng viên quân đội đã có những năm sống, công tác ở chiến trường Tây Nguyên, Tây Ninh trong năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những năm gian khó không quên ấy, tính kỉ luật của quân đội ta rất cao. “Kỉ luật sắt” - chỉ có thế mới đánh thắng được giặc Mỹ. Những năm tháng ấy nếu bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào vi phạm tới cái kim, sợi chỉ của dân đều bị kỷ luật nghiêm khắc. Trường hợp như quân nhân Lê Văn Bá nếu đúng từ trần khi nghịch chất nổ như trích lục thông tin thì ngày ấy phải có văn bản án kỷ luật kèm theo.

Những kiến nghị của đồng đội

Cựu chiến binh Trần Văn Hoàng và một số cựu chiến binh ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An khẳng định: “Chúng tôi trân trọng gọi quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ.
Kỳ III: Hai trích lục có nội dung trái chiều về cái chết một quân nhân
Đơn xin kiến nghị của hơn 50 lính già là đồng đội cùng tiểu đội, cùng đại đội, cùng tiểu đoàn, cùng lữ đoàn ngày ấy rất bức xúc đã làm đơn kiến nghị với Cục chính sách, Cục người có công và các cơ quan chức năng.

Mặc dù hơn 40 năm qua, kể từ ngày hy sinh gia đình không nhận được giấy báo tử, mặc dù có đủ các văn bản, giấy tờ và ảnh hy sinh trong những năm đánh Mỹ, 1 bản sao xác nhận quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ của Bộ tư lệnh quân đoàn 4, 1 phiếu mộ và 2 tấm ảnh chớp phần mộ của Liệt sĩ Lê Văn Bá. Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội cần trả lại ngay danh dự cho liệt sĩ và gia đình thân nhân liệt sĩ”.

Hơn 50 lính già là đồng đội cùng tiểu đội, cùng đại đội, cùng tiểu đoàn, cùng lữ đoàn ngày ấy rất bức xúc đã làm đơn kiến nghị với Cục Chính sách, Cục Người có công và các cơ quan chức năng với nội dung kiến nghị phòng chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, Cục Chính sách Bộ Quốc phòng và Cục Người có công xem xét giải quyết chế độ chính sách cho liệt sĩ Lê Văn Bá.
 
Liệt sĩ bị lãng quên: Hai trích lục trái chiều về cái chết một quân nhân
Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng hai cụ vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế độ nào và câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng về đứa con đã hy sinh trong kháng chiến.

Hiện nay phần mộ của của liệt sĩ Bá được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi gia cảnh hai cụ thân sinh liệt sĩ Bá bao năm ngược xuôi đến các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội tìm tung tích, danh dự cho con mình vẫn không được câu trả lời thỏa đáng.

Thuận Thắng - Nguyễn Phê