1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Lênh đênh sau bão lũ

(Dân trí) - Trong báo cáo tình hình phòng chống và khắc phục hậu quả sau bão số 5, hôm qua 9/10, UBND tỉnh Nghệ An đã kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ xây cầu Nậm Giải, thuộc xã Nậm Giải, nơi vừa bị cơn lũ quét cướp đi tính mạng của 13 người dân.

Tỉnh Nghệ An cho rằng cầu Nậm Giải là cầu duy nhất để vào xã Nậm Giải (huyện Quế Phong). Trường hợp nếu không thể đầu tư thì phải di dời 324 hộ dân với gần 2 ngàn khẩu.

 

Ngoài ra tỉnh này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho xây dựng 5 cầu trên QL48 thường xuyên bị ngập; đồng thời kiến nghị khoanh nợ cho các hộ dân đã vay vốn ngân hang chính sách với số tiền 63 tỷ đồng, nay đã bị thiệt hại nặng do bão lũ. 

 

Một vấn đề cấp bách đó là cho phép tỉnh lập dự án Quy hoạch bố trí dân cư vùng có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn, trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở đầu tư đồng bộ các khu định cư có độ an toàn cao…

 

Khốn đốn và khó khăn

 

Sáng nay 10/10, một lãnh đạo huyện Thanh Chương cho biết, hiện trên địa bàn còn 12 xã bị cô lập, để vào được trung tâm những xã này chỉ có cách đi bằng thuyền, mọi phương tiện lưu thông bằng động cơ không thể đi lại được; 22 trường học với hàng chục nghìn học sinh không thể đến lớp; cuộc sống sinh hoạt của hàng vạn người dân bị đảo lộn.

 

Xóm, làng bị cô lập đồng nghĩa với việc hệ thống điện bị mất; gạo hết, có lúa trong nhà nhưng không thể xay xát. Thức ăn cũng vận dụng những thứ sẵn có như lạc, chuối xanh. Tuy nhiên, “những thứ đó đến nay cũng cạn kiệt cả rồi. Ai cũng khó khăn nên cũng chẳng dám kêu ca. Cứ như thế này chừng một tuần nữa thì nguy…”, một người dân ở xóm Sơn Lĩnh 1, xã Thanh Lâm (Thanh Chương) than thở.

 

4 xóm Sơn Lĩnh 1, Sơn Lĩnh 2, Triệu Long 1, Triệu Long 2 của xã Thanh Lâm có  hơn 1 ngàn dân đang lâm vào cảnh khốn đốn. Con đường độc đạo vào những xóm này đã bị nước sông Lam nhấn chìm, ngập sâu hơn 3m; bơi thuyền qua chỉ thấy những đỉnh cột điện lấp ló.

 

Ngoài ra, một số xã ở huyện Tân Kỳ cũng  bị nước phong toả, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn…

 

34 người chết và mất tích, thiệt hại 550 tỷ đồng

 

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, tính đến 17 giờ chiều qua 9/10, tỉnh này có 32 chết và mất tích, 16 người bị thương; trong đó huyện Quế Phong có tới 16 người thiệt mạng.

 

Ngoài thiệt hại về người, Nghệ An cũng bị tổn thất rất lớn về vật chất: Gần 7 ngàn nhà dân bị ngập, hàng trăm nhà trường bị hư hỏng khiến học sinh chưa thể đến lớp; nhiều con đê, hồ đập bị vỡ, sạt lở… thiệt hại ban đầu ước tính 550 tỷ đồng.

 

Trao đổi với Dân trí sáng nay, ông Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết: “Tình trạng một số xã bị nước bủa vây là có nhưng mọi thông tin có thể trao đổi được và có thể đi lại bằng thuyền. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho lãnh đạo các huyện bằng mọi cách không để dân đói, nếu không có điện thì phải có máy nổ để xay xát gạo cho dân...”.

 

Đề cập đến sự việc hai chị em học tiểu học bị lũ cuốn trôi trên đường đến trường, ông  Chi cho biết tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải giám sát chặt chẽ các bến đò, khe suối nơi có học sinh hay qua lại. Nếu thấy chưa an toàn thì tuyệt đối chưa cho học sinh đi học.

 

Theo thông tin mới nhất từ huyện Nam Đàn, khoảng 10 sáng nay, đã tìm thấy thi thể cháu Đoàn Thị Anh (SN 1996), một trong hai nạn nhân xấu số bị lật thuyền ở cầu Nam Đàn hôm 8/10. Nạn nhân thứ hai là em Đoàn Văn Hùng (SN 2001) hiện vẫn chưa tìm thấy xác.

 

Hiện UBND huyện Nam Đàn phối hợp với lữ Đoàn 414 cùng các xã ven sông Lam tiếp tục tìm kiếm xác nạn nhân trong thời gian sớm nhất. 

Được biết, trước khi tai nạn xảy ra, hai chị em Anh và Hùng cùng bố là ông Đoàn Văn Côi (35 tuổi) đã bất chấp nước lũ đang lên, vẫn dong thuyền chở nứa mét và bị đâm vào chân cầu Nam Đàn khiến chiếc thuyền lật. Trên thuyền có 4 người nhưng hai người thoát chết.

 

Nguyên Nghĩa - Nguyễn Duy