1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lên Điện Biên nghe những chuyện kể về vị Tướng tài ba

(Dân trí) - Một sự may mắn trong cuộc đời làm báo, trong dịp 50 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc “người và cảnh” ở đây và càng xúc động hơn được nghe họ kể những mẩu chuyện cảm động về vị Tướng tài ba của mình.

Chiều ở Mường Phăng

Vượt qua hàng trăm cây số , xe của chúng tôi đã vượt được “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ. Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát” để tới Mường Phăng, một căn cứ chỉ huy quân sự quan trọng bậc nhất để làm nên kỳ tích chiến thắng Điện Biên Phủ. Bây giờ đã hết mùa hoa ban nở, nhưng hình ảnh những cô gái Thái trắng nõn, tóc búi cao, mặc váy thổ cẩm đi dưới những cánh rừng trẩu trắng đã gieo vào hồn du khách vẻ đẹp con người của vùng sơn cước.

Căn cứ địa Mường Phăng vốn là một khu rừng nguyên sinh nằm trong địa phận xã Mường Phăng huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Vượt qua dốc Tà Lời, với những đoạn đường cua khúc ngoằn ngoèo, chúng tôi đã tới Sở Chỉ huy. Cảnh cũ vẫn còn nguyên dấu cũ và hơi ấm người xưa, với những cây cổ thụ cao hàng trăm tuổi, những cây non bây giờ trỗi dậy tầng tầng lớp lớp, khiến cho khu rừng càng tĩnh lặng. Dẫu mệt nhọc nhưng mọi người trong đoàn cũng cố leo lên đài quan sát trên  đỉnh núi cao 1.000 mét để nhìn bao quát được địa phận Mường Thanh. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm căn cứ địa Mường Phăng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm căn cứ địa Mường Phăng

Theo hướng dẫn viên du lịch là một phụ nữ trẻ trung, duyên dáng (dân tộc Thái), chúng tôi đã được lần lượt thăm chòi canh gác số 1, hầm thông tin liên lạc, lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán ở và nơi làm việc của tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, đường hầm xuyên núi dài gần 100 mét nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái, rồi tới hầm của ban cố vấn Trung Quốc, nhà hội trường, hầm Ban Chính trị. Hiện ra trước mắt chúng tôi  là những ngôi nhà lá bé nhỏ, hai mái nhà lá loại lá cỏ gianh, cả bốn bức vách đều cũng đều cỏ gianh. Lán nằm khép kín dưới một cánh rừng được cây cối ngụy trang cho Sở Chỉ huy rất cẩn mật. Chắc hẳn với căn nhà nhỏ và những ngày đông Tây Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nếm trải và chịu đựng những cơn rét buốt, mưa dầm thấu da thấu thịt đã trở nên quá đỗi bình thường. Ngủ đã vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và các cán bộ, chiến sĩ tại căn cứ địa ăn uống, sinh hoạt, cũng hết sức kham khổ. Hầu như thực phẩm chỉ là măng rừng, rau tàu bay, muối vừng. Ngô bắp được đồng bào chi viện thêm là những thực đơn hàng ngày. Không ít người trong số này đã có lúc vật lộn với “cơn sốt  run người vầng trán toát mồ hôi”.

Một chiếc bàn dài được kết bằng những thanh tre ngà, chân bàn là những ống tre đóng hẳn vào đất và hai dãy ghế cũng vậy. Phòng này chính là phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường chủ trì buổi họp giao bàn, bàn những nội dung công việc trong ngày và những kế hoạch quan trọng cho những trận đánh. Không ít những lần, sau buổi họp, Đại tướng lại thân mật động viên anh em: “Tôi cũng như các đồng chí vì nước, vì dân mà phải chịu gian khổ và hy sinh. Ai cũng có những hoàn cảnh riêng nhưng trong lúc này phải biết đấu tranh tư tưởng để vượt lên chính mình thì chúng ta sẽ thắng địch”.

Tình cờ khi chúng tôi bước vào đường hầm được nghe ông Lù Vân Khảy (trú tại bản Then) kể thêm một mẫu chuyện nhỏ:  Vào dịp Tết Giáp Ngọ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chiến sĩ ăn tết trong rừng sâu. Biết tin tỉnh Vĩnh Phú đã cử một đoàn đại biểu lên đây để thăm hỏi và tặng quà động viên các chiến sĩ, dân công đang nô nức chuyển bị cho chiến dịch giải phóng Điện Biên. Hôm đó đoàn có tặng Đại tướng ba quả bưởi Đoan Hùng. Đại tướng sai lính bóc bưởi và mời mọi người cùng thưởng thức vị bưởi thơm. Đại tướng giao cho ông Đỗ Hải lúc đó làm đại đội trưởng cảnh vệ (bảo vệ Sở Chỉ huy) nắm hạt bưởi rồi nói: “Đồng chí đem gieo những hạt bưởi này vào giống đất tốt để các thế hệ sau sẽ có bưởi ăn”. Vâng lời Đại tướng, ông Hải đã chọn những hạt to, đẹp nhất trong nhóm hạt rồi gieo xuống trước lán Đại tướng. Do đất tốt, ba hạt bưởi nảy mầm và lớn nhanh trông thấy. Ông Hải ra công chăm sóc cây bưởi đúng như lời dặn của Đại tướng. 

Khách du lịch tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên

Khách du lịch tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên

Sau chiến thắng Điện biên phủ, Sở Chỉ huy rút về chiến khu Việt Bắc, lúc này ba cây bưởi đã vào độ khép tán. Bẵng đi một thời gian dài, mãi đến năm 1973 ông Hải quay tìm về căn cứ cũ, khi qua lán Đại tướng, ông vừa bịn rịn vừa ngỡ ngàng bởi ba cây bưởi tuy xa vắng người những vẫn vươn cành, tỏa nhánh và ra những quả tròn mọng nước. Nhưng đến năm 2003, khi ông Hải quay lại lần thứ hai với nhiệm vụ được trên giao là chuẩn bị tôn tạo cho khu di tích lịch sử Điện Biên, ông Hải lặng người đi khi thấy hai cây bưởi đã bị ai chặt mất, chỉ còn trơ lại gốc. Duy nhất còn lại một cây bưởi lớn đang nở đầy hoa trắng, cạnh đấy là một cây bưởi con tự mọc. Trong dịp 50 năm khi trở lại cánh rừng Mường Phăng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghẹn ngào rơi nước mắt khi đồng bào vây kín quanh Đại tướng, khi những đồng đội ôm vai Đại tướng. Lại thêm giọt nước mắt dành riêng cho 2 cây bưởi bị mất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo “Cần chăm sóc và giữ gìn cây bưởi còn lại bởi cây bưởi đó là dấu ấn tình cảm sâu đậm một thời”.

Gặp lại người bắt sống tướng Đờ Cát

Sáng ngày hôm sau, đoàn anh em nhà báo chúng tôi đi viếng các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong 56 ngày đêm tại chiến trường Điện Biên Phủ. Hàng trăm ngôi mộ đứng thẳng hàng thẳng lối như đội hình của các anh hôm nào ra trận, nghi ngút khói hương, rực rỡ màu hoa của dòng người từ Nam chí Bắc đổ về đây.

Khi anh Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh - đang lặng lẽ đưa từng cây hương cho mọi người để cắm lên mộ người anh hùng lấp lỗ châu mai Phan Đình Giót, thì bất ngờ gặp một cựu chiến binh mặc đồ quân nhân, đeo lon đại tá, nửa ngực trái gắn đầy huy hiệu, huy chương, huân chương. Người đàn ông đã 75 tuổi, khuôn mặt chữ điền, cười nói hồn nhiên như tuổi thanh xuân. Ông tự giới thiệu ông là Hoàng Đăng Vinh, người đầu tiên cùng hai chiến sĩ khác bắt sống tướng Đờ Cát.. Cánh nhà báo ai cũng thấy vui mừng, bởi nhân vật hiện diện trước mặt chúng tôi đã từng đi vào sách giáo khoa bài tập đọc “Bắt sống tướng Đờ Cát” mà nhiều thế hệ đã được học. Tôi còn nhớ lời dẫn từ sách “chiến sĩ Vinh đi đầu, nòng súng giơ lên, dõng dạc hô tướng Đờ Cát ra hàng bằng một câu tiếng Pháp. Lúc đó chiến sĩ Vinh mặt còn đầy lông tơ, anh mới mười tám tuổi...”. Nhưng bây giờ ông chỉ nói nhanh gọn về chuyện cũ của mình mà ông say sưa kể “Chiến dịch Điện Biên” này.
 
Ông Hoàng Đăng Vinh tâm sự “Khi chiến dịch Điện Biên toàn thắng” nhà thơ Tố Hữu sáng tác ngay bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” anh em chúng tôi đọc ai cũng thấy nhà thơ Tố Hữu tài. Tài vì đã nói thật được cảnh “Khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt. Máu trộn bùn non gan không núng chí không mòn”. Chính vì tinh thần đó mà ta thắng giặc. Nhà thơ thốt lên “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp”. Đúng vinh quang của người lính gắn với vinh quang của tướng lĩnh mình... Nói đến “Tướng lĩnh mình” ông say sưa như có một hơi men kỳ diều đang dâng lên trong lòng mình. Ông Vinh nói: “Các đồng chí biết không, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận đánh lịch sử này có một cách đánh cực hay, cực kỳ thông minh”. Từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Đây là một bài toán cực kỳ hóc búa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có xin ý kiến Bác Hồ, Bác Hồ chỉ trả lời một câu ngắn gọn: “Nếu chú thấy đã chắc thắng thì đánh. Tướng quân tại ngoại”.
 
Suốt nhiều đêm liền Đại tướng không làm sao chợp mắt được, có nhưng đêm hai giờ sáng đầu Đại tướng nóng ran, hai thái dương mạch máu lên cơn co giật. Đại tướng sai y tá hái lá ngải cứu rừng vừa uống vừa đắp lên trán. Lúc này Đại tướng lo mà anh em bộ đội cũng lo, bởi pháo đã đưa vào tận sào huyệt địch rồi, chỉ cần lệnh là nhả đạn. Nhưng bây giờ phải ngừng lại để chuyển hướng mới “kéo pháo ra” và đưa quân về địa điểm tập kết..”. Đại tá Hoàng Đằng Vinh kể tiếp: “Việc kéo pháo vào đã khó tốn biết bao nhiêu công sức thời gian, nhưng bây giờ kéo pháo ra lại càng vất vả hơn… Thế mà phương án đó cuối cùng đã thành công. Vừa tiêu diệt gọn được sinh lực địch và chúng ta đỡ phí rất nhiều xương máu”. Rồi ông Hoàng Đăng Vinh thuật lại từng mẩu chuyện diệt cứ điểm đồi A1 thế nào, chuyện khi pháo lao dốc Tô Vĩnh Diện chèn lưng cứu pháo thế nào, và không quên nhắc lại khi anh Phan Đình Giót, máu ở chân ướt đầm đìa vẫn cố bò được lên tận lỗ châu mai, chặn ngay họng súng quân thù.. 
Căn hầm chỉ huy của Đại tướng

Căn hầm chỉ huy của Đại tướng

Trời Điện Biên hôm ấy rực rỡ nắng, ông Vinh nhắc lại với chúng tôi: "Chiều ngày 7 tháng 5 cách đây năm mươi năm, cũng nắng đẹp như thế này. Tôi còn nhớ nhiều cán bộ, chiến sĩ sau chiến thắng mặt còn vương khói súng, người dầm đìa mồ hôi, tay lấm lem bụi đất chiến hào nhưng đã ôm chầm lấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, công kênh Đại tướng lên đầu trong tiếng reo hò vang dội núi sông"...

                                                                     Phan Thế Cải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm