1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là một công cụ giám sát tối cao của Quốc hội

(Dân trí) - Tại nghị trường Quốc hội ngày 21/5, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vào Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Tờ trình về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nêu quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bổ sung 1 điều về lấy phiếu tín nhiệm trên cơ sở luật hóa về việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong đó, ở Quốc hội, đối tượng được xác định lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định.

Với đề nghị đưa quy định về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vào trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, báo cáo thẩm tra do ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày nêu rõ: Việc quy định vấn đề này trong Luật thể hiện sự thống nhất trong hoạt động giám sát, khắc phục tình trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau.

Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật đề nghị chỉ quy định trong Luật này những nội dung cơ bản có tính nguyên tắc về thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, còn các vấn đề về quy trình, thủ tục để thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội. Đây là Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực

Đề nghị đưa việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm vào Luật giám sát  (Nhờ Thảo đọc hộ chị)

Hoạt động lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm được đề nghị đưa vào Luật giám sát của Quốc hội (ảnh: VTC)

Ông Phan Trung Lý nhấn mạnh, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại các điều 20, 21, 66 và 67 của dự thảo luật thể hiện, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một nội dung trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đây là việc luật hóa các quy định chung có tính nguyên tắc của Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Dự thảo Luật tách riêng quy định việc Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp với việc Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp theo đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật.

Cơ quan thẩm tra đối chiếu với quy định tại Điều 15 Luật tổ chức Quốc hội: “Quốc hội bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác do Quốc hội thành lập trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bãi bỏ văn bản của Ủy ban thường vụ Quốc hội trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước”.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý nêu quan điểm đồng tình với Dự thảo Luật theo hướng quy định riêng việc Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp với việc Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp theo đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật.

Đề nghị đưa việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm vào Luật giám sát  (Nhờ Thảo đọc hộ chị)

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được trình Quốc hội trong phiên làm việc sáng ngày 21/5.

Dự thảo Luật này cũng bổ sung quy định về quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước. Trong đó quy định đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật, Ủy ban pháp luật cơ bản tán thành với quy định này, vì theo quy định này không phải đối với mọi thông tin thuộc bí mật nhà nước cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát đều có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin mà hoạt động này phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để tránh tình trạng đối tượng chịu sự giám sát từ chối trả lời, cung cấp thông tin với lý do thông tin đó thuộc bí mật nhà nước, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của các chủ thể giám sát.

Ngoài ra, Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cũng nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các kiến nghị của cử tri. Đây là điều mới được bổ sung về hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, một mặt luật hóa các hoạt động giám sát mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đang thực hiện, đồng thời phù hợp với quy định của Luật tổ chức Quốc hội mới. Theo đó, dự thảo Luật quy định Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo này và chỉ đạo xây dựng báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và dự thảo Nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội.

Châu Như Quỳnh