1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lập Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng

(Dân trí) - Nguồn kinh phí ban đầu của Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do ngân sách nhà nước cấp là 5 tỷ đồng.

Lập Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng
Chị Hoàng Thị Nguyệt - Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội (ngoài cùng bên trái), là một trong những người có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng (Ảnh: Hồng Ngân).

Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư liên tịch Quy định việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng được sử dụng để khen thưởng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng theo quy định của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ. Nguồn nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng sẽ do ngân sách trung ương bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Thanh tra Chính phủ. Nguồn kinh phí ban đầu của Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do ngân sách nhà nước cấp là 5 tỷ đồng. Đối với các trường hợp khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân giúp thu hồi cho Nhà nước có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì căn cứ theo số đã thực nộp vào ngân sách địa phương, địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương trích chuyển một phần về Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng để khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân này.

Những cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài muốn đóng góp cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng thì có thể chuyển nộp vào tài khoản tiền gửi của Thanh tra Chính phủ mở tại Kho bạc Nhà nước. Các khoản đóng góp bằng hiện vật được sử dụng trực tiếp cho việc tổ chức khen thưởng hoặc bán đấu giá theo quy định hiện hành và chuyển nộp số tiền thu được vào tài khoản tiền gửi của Thanh tra Chính phủ mở tại Kho bạc Nhà nước để sử dụng theo quy định.

Theo dự thảo thông tư liên tịch, hàng năm, căn cứ vào nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng; kết quả sử dụng Quỹ của năm trước và dự kiến tổng mức chi khen thưởng về phòng, chống tham nhũng của năm kế hoạch, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm: Lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước (phần ngân sách trung ương đảm bảo) bổ sung cho Quỹ để tổng hợp vào dự toán ngân sách của Thanh tra Chính phủ và gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền quyết định; dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bổ sung cho Quỹ được giao thành một dòng riêng trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, căn cứ vào hồ sơ khen thưởng của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh, thành phố thụ hưởng khoản tiền trích chuyển về Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng; mức đề nghị trích chuyển bằng mức đề nghị khen thưởng theo quy định.

Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về tố cáo, phòng chống tham nhũng. Việc hạch toán và kế toán, quyết toán Quỹ này được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cuối năm, kinh phí chưa sử dụng hết của Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng được chuyển năm sau để tiếp tục sử dụng.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, Thông tư liên tịch số 01/2015 quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ (có hiệu lực kể từ ngày 1/5 vừa qua) đã quy định cá nhân giúp Nhà nước thu hồi tài sản tham nhũng giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở (tương đương trên 690 triệu đồng) sẽ được xét thưởng vượt mức quy định, với mức cao nhất lên tới gần 3,45 tỷ đồng...

 Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm