1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lập mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lập mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại 30 bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 70 điểm tồn lưu bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu gây ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch xử lý, cải thiện môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Ảnh: TNMT).
Bộ Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch xử lý, cải thiện môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Ảnh: TNMT).

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết, cơ quan này đặt ra mục tiêu từ năm 2016 đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại 30 bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 70 điểm tồn lưu bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu gây ra và đầu tư xây dựng 3 dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.

Nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 807/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, các nội dung và nhiệm vụ chính thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 được cụ thể hóa trong hai nhóm chính.

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật triển khai chương trình. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định quản lý các công trình xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; rà soát, xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương triển khai Chưong trình có hiệu quả, đúng mục tiêu.

Thứ hai, tăng cường năng lực, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, trong đó sẽ tập trung tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ trong xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ về xử lý ô nhiễm môi trường; huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay tín dụng ưu đãi.

Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và các nhà tài trợ một cách rõ ràng, linh hoạt để tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, có hiệu quả Đồng thời đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các nhà tài trợ cho lĩnh vực xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Kế hoạch này cũng cụ thể hóa các nhiệm vụ chính để triển khai chương trình thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; phân bổ nguồn kinh phí thực hiện (gồm vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương, vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường từ ngân sách Trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác); phân công nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện Chương trình.

Thế Kha