1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lắp “hộp đen” trên xe khách đường dài

(Dân trí) - Trong tháng 9 này, Cục đường bộ Việt Nam sẽ lắp thí điểm thiết bị quản lý ô tô trực tuyến trên 3 tuyến xe khách đường dài. Các thiết bị này có tính năng đặc biệt hiện đại, gần giống như “hộp đen” được sử dụng trong ngành hàng không.

“Hộp đen” dùng thẻ sim điện thoại

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục đường bộ Việt Nam cho biết, nếu thiết bị hoạt động hiệu quả, giúp ích trong quản lý giao thông thì sẽ nghiên cứu bổ sung thành điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định (trong Luật Giao thông đường bộ).

Những “hộp đen” lắp thí điểm là sản phẩm của Công ty Trực Nhân vừa được giới thiệu trong buổi hội thảo giới thiệu về "hệ thống quản lí ô tô trực tuyến" tại Cục Đường bộ sáng 16/9. Theo giới thiệu, “hộp đen” có tính năng khá tối tân, gần giống “hộp đen” máy bay.

Theo đó, doanh nghiệp có thể quản lý xe khách của mình bằng hệ thống kiểm soát qua sóng điện thoại để xác định vị trí, vận tốc, chỉ số nhiên liệu, tái hiện quy trình chạy xe... Mỗi “hộp đen” được lắp sẽ kết nối với trung tâm điều hành giao thông (của doanh nghiệp) bằng một sim điện thoại được kích hoạt và liên lạc qua sóng điện thoại. Cứ 15 giây, các dữ liệu về xe ô tô được truyền về trung tâm.

“Hộp đen” này tận dụng hệ thống định vị giống như “google earth”, có thể xác định ngay tức thì vị trí của xe, kiểm tra hiện trạng xe. Vỏ “hộp đen” chịu được va đập và nhiệt độ từ -40 độ C đến +80 độ C. Giá thành của “hộp đen” đắt nhất là 400 USD/thiết bị; chi phí sử dụng hàng tháng cho mỗi xe khoảng 190.000 đồng/tháng...

“Hộp đen” cũng giúp cho doanh nghiệp quản lý phương tiện, tài sản, tài xế thông qua một biểu đồ chạy xe cụ thể như điểm đi, điểm dừng, điểm đến, tổng thời gian vận hành...

Đặc biệt hơn là kiểm soát được các thông số an toàn của xe trước khi xuất bến hay đến hạn phải bảo trì, bảo dưỡng... Trường hợp, thiết bị này bị mất thì hệ thống dữ liệu sẽ tự động lưu lại vào ổ cứng và truyền về trung tâm điều hành, giúp cho cơ quan điều tra có được dữ liệu trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Như vậy khi có "hộp đen" thì nằm tại trụ sở doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp vẫn nắm rõ được tổng số lần xe tăng tốc đột ngột; tổng số lần xe giảm tốc hoặc thắng gấp; tổng số lần tài xế vi phạm chạy xe liên tục (cả trường hợp lái xe liên tục không nghỉ hơn 4h)... Từ những dữ liệu trên, doanh nghiệp quản lý vận tải khách có thể ngay lập tức cảnh báo lái xe khi lái xe quá tốc độ...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh, đây là một trong những hệ thống quan trọng, nếu được áp dụng vào thực tế trên quy mô rộng sẽ góp phần giảm bớt tình trạng xe dù, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu của lái xe và đặc biệt sẽ là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Những lo ngại từ phía… người hưởng lợi

Trên thực tế, thiết bị được coi là “hộp đen” dành cho xe khách đã xuất hiện từ nhiều năm nay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, tại một số quốc gia như Nhật Bản, Thuỵ Điển những phương tiện kinh doanh vận tải hành khách dưới sự quản lý của các tập đoàn tư nhân đều phải đăng ký với Nhà nước để được trang bị “hộp đen”.

Khi xảy ra rủi ro trong quá trình vận tải, đây sẽ là căn cứ đặc biệt quan trọng để nhà chức trách, chủ xe cũng như các công ty bảo hiểm xác định vi phạm cụ thể và có đền bù tương đối chính xác. Đây cũng là quyền lợi của các công ty vận tải chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Cục trưởng Cục Đường bộ cho biết, hiện Tập đoàn Mai Linh đã lắp thí điểm 68 “hộp đen” để kiểm soát xe khách tuyến cố định, Công ty vận tải Hoàng Long cũng lắp đặt thiết bị này. Sau vụ tai nạn đổ tàu E1, Tổng Công ty Đường sắt VN cũng chế tạo một loại thiết bị tương tự như “hộp đen”.

Ngay trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN khẳng định rằng, “hộp đen” ngoài việc giúp cơ quan công an điều tra khi xe bị tai nạn thì cần tạo thêm tiện ích cho tài xế chứ không nên chỉ đóng vai trò là “ông cảnh sát giao thông” ngồi cạnh tài xế.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến quan ngại từ phía cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam cũng như ý thức của lái xe sẽ không tương thích với phần mềm xuất xứ từ Hoa Kỳ đã được Việt hóa này.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải hàng hóa lớn nêu ví dụ: “Khi DN chúng tôi không chú trọng vào công tơ mét thì gần 10 năm không hư hỏng cái nào nhưng từ khi gắn kẹp chì vào để theo dõi hoạt động xe thì y như rằng, cứ một vài tháng lại có lái xe báo công tơ mét bị hỏng. Thậm chí, xe mới tinh cũng “hỏng” liên tục”.

Trước mắt Cục Đường bộ sẽ lắp thí điểm hộp đen trên 3 tuyến xe khách cố định bất kì. Cùng với đó, Cục đường bộ và Công ty Trực Nhân sẵn sàng lắp thí điểm miễn phí cho các doanh nghiệp để có câu trả lời thực tế nhất.

Điểm mới nhất được ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ mới nhất có nêu điều kiện kinh doanh vận tải tuyến cố định, xe ô tô phải lắp thiết bị giám sát mới được cấp phép hoạt động...

Phúc Hưng