TPHCM:
Lập hồ sơ các doanh nghiệp có nguy cơ đình công cao
(Dân trí) - Thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp lao động tập thể, đình công trên địa bàn TPHCM diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Chính vì vậy, UBND TPHCM vừa yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trên.
Là đô thị công nghiệp - dịch vụ lớn nhất nhì cả nước, TPHCM quy tụ nhiều doanh nghiệp hoạt động với hàng trăm ngàn công nhân. Chính vì quy mô sản xuất lớn và đa dạng nên TPHCM cũng là địa bàn xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM, trong giai đoạn 2007-2012, toàn thành phố xảy ra hơn 680 vụ tranh chấp lao động, chiếm gần 22% tổng số vụ của cả nước. Riêng trong năm 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra gần 100 vụ với sự tham gia của hơn 30.000 lao động.
Trong 4 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể nghiêm trọng, điển hình như vụ tranh chấp ở công ty TNHH Young Woo (100% vốn Hàn Quốc, nằm ở huyện Hóc Môn). Để giảm lương công nhân, công ty này đặt ra hàng loạt quy định lạ đời bắt công nhân phải chấp nhận. Không chịu nổi sự chèn ép, công nhân đã nhiều lần ngừng việc phản đối nhưng lãnh đạo công ty này vẫn bất chấp yêu cầu chính đáng của người lao động nên cả trăm công nhân đã nộp đơn xin nghỉ việc.
Khi tranh chấp xảy ra, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã thanh tra đột xuất công ty Young Woo, phát hiện nhiều sai phạm nên kiến nghị UBND TP xử lý. Sau đó, UBND TP đã ban hành quyết định xử phạt hành chính công ty Young Woo hơn 230 triệu đồng nhưng công ty không chấp hành và sửa đổi. Trước thái độ bất hợp tác của công ty này, UBND TP tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan nắm tình hình hoạt động của công ty; tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháp luật lao động…
Theo Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân chính của những vụ tranh chấp lao động thời gian qua thường xuất phát từ yêu cầu nâng thu nhập của người lao động, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định của luật pháp gây thiệt hại đến lợi ích của người lao động… Còn tổ chức bảo vệ người lao động là công đoàn lại thiếu và yếu nên không hòa giải kịp thời khi tranh chấp xảy ra.
Hạn chế tranh chấp, tăng cường hỗ trợ công nhân
Thành phố yêu cầu xây dựng hồ sơ quan hệ lao động, nhất là đối với những doanh nghiệp có nguy cơ cao về tranh chấp lao động, đình công. Với hồ sơ này, cơ quan nhà nước sẽ có cơ sở để theo dõi, đánh giá về tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp để có những giải pháp kịp thời phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra. |
Tình trạng tranh chấp lao động liên tục diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cả cuộc sống của người lao động, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do vậy, việc hạn chế tình trạng này yêu cầu cấp bách mà thành phố đặt ra trong nhiều năm nay.
Để thực hiện mục tiêu trên, cuối tháng 4/2014, UBND TPHCM đa ban hành quyết định phê duyệt đề án “Phát triển quan hệ lao động tại TPHCM giai đoạn 2014 - 2020”. Trong đề án này, thành phố đề ra nhiều nhóm phải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ của cơ quan nhà nước và công đoàn để hạn chế tranh chấp lao động xảy ra, kịp thời can thiệp khi có tranh chấp.
Cụ thể, thành phố dự kiến xây dựng bộ phận chuyên trách về quan hệ lao động trực thuộc Sở LĐ-TB&XH thực hiện chức năng quản lý và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Ngoài ra, thành phố còn yêu cầu xây dựng hồ sơ quan hệ lao động, nhất là đối với những doanh nghiệp có nguy cơ cao về tranh chấp lao động, đình công. Với hồ sơ này, cơ quan nhà nước sẽ có cơ sở để theo dõi, đánh giá về tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp để có những giải pháp kịp thời phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Năng lực của công đoàn các cấp cũng được thành phố yêu cầu nâng cao; tăng cường đánh giá sự biến động của các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người lao động, diễn biến tình hình quan hệ lao động trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ công nhân kịp thời. Trong thời gian tới, TPHCM cũng sẽ bổ sung, hoàn thiện quy trình giải quyết các cuộc đình công không đúng trình tự thủ tục pháp luật lao động quy định để có thể áp dụng đại trà.
Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các ban ngành cần chú ý cải thiện, phát triển các yếu tố môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội có tác động đến quan hệ lao động. Cụ thể như đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình nhà ở xã hội cho công nhân; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần giúp công nhân an tâm lao động sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà giữ trẻ cho con công nhân, cửa hàng tiện ích, phòng khám đa khoa, bếp ăn tập thể…
Tùng Nguyên