1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Lập bản đồ” vùng có nguy cơ sạt lở trên khắp cả nước

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”. Đề án sẽ “lập bản đồ” khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá thuộc 37 tỉnh thành trên cả nước.

37 tỉnh trên gồm: 17 tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang...), 13 tỉnh miền núi khu vực Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...), 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông) và 2 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Phước, Đồng Nai).
 
“Lập bản đồ” vùng có nguy cơ sạt lở trên khắp cả nước
Thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) nằm ở một khu vực "trọng điểm", đã từng xảy ra hiện tượng sạt lở đe dọa.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững.

Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá sẽ được lập với tỷ lệ 1/50.000 cho các vùng miền núi có nguy cơ trượt lở. Đối với các khu vực trọng điểm, dân cư sinh sống tập trung, có nguy cơ trượt lở cao xây dựng bản đồ chi tiết tỷ lệ 1/25.000, 1/10.000. Bộ bản đồ bao gồm cả bản đồ số và bản đồ in.

Từ đó cơ sở dữ liệu xây dựng được sẽ nâng cao khả năng cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ khi triển khai đề án là thu thập, phân tích, tổng hợp các tài liệu về địa hình, địa mạo, địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn, khí tượng thủy văn, thảm thực vật, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng lở đất, lũ quét. Đồng thời, điều tra, khảo sát hiện trạng trượt lở đất đá, đánh giá xác định nguyên nhân trượt lở đất đá.

Đề án cũng có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học để lắp đặt các trạm quan trắc phục vụ công tác cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá. Thực hiện lắp đặt thí điểm 10 trạm quan trắc tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ trượt lở cao, dân cư sinh sống tập trung...

Đề án được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020. Giai đoạn đầu (từ 2012 đến 2015) sẽ triển khai điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ưu tiên lập bản đồ phân vùng tại các khu vực dân cư sinh sống ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An và lắp đặt thí điểm một số trạm cảnh báo sớm.

Dựa trên kết quả của giai đoạn này, cơ quan chức năng sẽ xem xét triển khai tại các khu vực còn lại trong giai đoạn 2 (từ 2016 đến 2020).

P.Thảo