1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lão “thần y gàn dở” của người nghèo

(Dân trí) - Sáng sớm đã thấy ông dắt chiếc xe “thổ tả”, tay cầm túi xách, dáng người tất tưởi, ai cũng biết ông lại đi “hành nghề”. Trời lạnh thấu xương, mưa phùn gió bấc mà ông lão U70 cứ đạp xe vun vút. Ông là bác sĩ Đặng Cát - “thần y của người nghèo”.

Cả cái phường Nhật Tân này, không ai là không biết đến ông. Họ gọi ông là ông lão gàn bởi dù đã qua tuổi 71, ngày nào ông cũng lóc cóc đạp xe đi từ sáng sớm đến tối mịt, đi chữa bệnh không công cho người nghèo. Ông cười xuề xòa: “Ai mà đem cả đống tiền mua cái gàn, cái dở của tớ thì tớ cũng chẳng bán”.

 

Dốc tâm sức cho người nghèo

 

Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng ông nằm khuất sâu trong ngõ hẻm của đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội; thế mà không ai ở đây là không biết tiếng “lão bác sĩ gàn”.

 

Ông sinh ra và lớn lên ở Nam Định, trong một gia đình có truyền thống về nghề y. Năm 1952, ông nhập ngũ và sau đó được đơn vị cử đi học tại Học viện Quân y. Ra trường ông đảm đương chức vụ chủ nhiệm quân y trường Sĩ quan biên phòng. Năm 1989, ông về hưu nhưng nhớ nghề, thế nên chẳng thể “yên phận”.

 

Tính đến nay, đã gần 20 năm ông lão rong ruổi trên chiếc xe “thổ tả” để đi chữa bệnh cứu người nghèo.

 

Ban đầu cũng chỉ là đôi lời tư vấn về sức khỏe, tiêm thuốc cho những người xung quanh. Tiếng lành đồn xa, nhiều người biết và tìm đến với ông hơn. Ông “bác sĩ gàn” không lấy tiền chữa bệnh của ai bao giờ, mà đâu cần là ông tới đó, không quản đường xa, nắng nóng hay mưa lạnh.

 

Đâu chỉ chữa quanh quẩn ở cái phường Nhật Tân, mảnh đất Hà Nội này. Có người ở tận Huế, Nha Trang hay thậm chí cả Việt Kiều ở Mỹ về cũng tìm đến ông chữa bệnh. Bệnh gì có thể chữa là ông dốc hết tâm, hết sức.

 

Bệnh nhân của ông cũng đa dạng và phong phú lắm: từ trẻ con đến người già, từ người ung thư, viêm gan, viêm phổi,… đến cả bệnh nhân AIDS. Ai ông cũng tận tình, dù không còn hy vọng sống thì cũng là để “cho những ngày cuối cùng của họ bớt đau đớn”.

 

Chị Trịnh Thị Phương Thảo ở Hà Nội, bị bệnh u não, dù đã hai lần đại phẫu ở các bệnh viện lớn, một lần chiếu tia nhưng vẫn tìm đến ông để được chăm sóc. Anh Nam ở TPHCM viết thư ra hỏi ông cách điều trị bệnh, chỉ mong Hà Nội nắng để được ra gặp ông khám tận nơi.

 

Cả ngày ông đạp chiếc xe cũ kỹ đi khắp nơi, công việc lúc nào cũng bận rộn. Một ngày ông thăm khám bệnh cho 10-15 bệnh nhân. “Có mấy lúc ở nhà, có khi trưa chẳng về ăn cơm” - vợ ông than thở.

 

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

 

Hỏi vì sao ông có thể chữa bệnh cứu người lâu bền bỉ đến thế, ông bộc bạch: “Tất cả đều xuất phát từ cái tâm, cứu được người nào thì tốt cho người đó”.

 

Bệnh nhân của ông đa số là người nghèo. Có người không có tiền mua thuốc, ông dùng số tiền lương hưu ít ỏi của mình để giúp đỡ. Hàng ngày ông đến chăm sóc, thăm hỏi cho đến khi dứt bệnh mới thôi. Người nào bệnh nặng, ông tư vấn, hướng dẫn và cùng gia đình đưa đến bệnh viện để cứu chữa.

 

Có bệnh nhân thấy ông suốt ngày lọc cọc đạp xe đi khám bệnh, đã trả ơn bằng cách mua cho ông chiếc xe máy; có người còn tỏ ý biếu lão khoản tiền lớn… Biết chuyện ông lão giận lắm, vì ông đã quyết không nhận tiền của ai bao giờ, có chăng chỉ là hớp nước chè và vài ba câu chuyện làm quà.

 

Không chỉ có, ông còn truyền nghề, truyền cái tâm cái đức ngành Y cho mấy đứa cháu của mình. Phương châm để ông răn thế hệ sau là “Lương y như từ mẫu”, cái tâm cái đức ở đâu cũng cần thiết, nhưng riêng với ngành y thì càng quan trọng gấp bội phần.

 

Hiện các con cháu của ông, có đứa học Y Hà Nội, có đứa học Y Bạch Mai, có đứa lại răng hàm mặt… nhưng ai cũng coi ông là tấm gương về đạo đức để học tập.

 

Nhìn ông chẳng ai nghĩ ông đã bước qua tuổi 70, lúc nào cũng vui vẻ, khỏe mạnh, không bị bệnh tật “nhòm ngó”. Ông tiết lộ: “Tớ lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái, các cụ bảo rằng, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, như vậy mỗi ngày tớ uống vài chục thang thuốc bổ rồi còn gì”.

 

Hôm nay, cũng giống như mọi ngày, ông vội vã với chiếc xe đạp cũ để đến với người bệnh. Hỏi vội ông mong ước gì, ông cười: “Mong sao trời cho sức khỏe lâu dài, để được mãi hành nghề cứu đời”.

 

Thu Phương - Lưu Hạnh